Friday, April 3, 2020

Lại thêm cải tiến cho Chữ Quốc Ngữ!



Tác giả Kiều Trường Lâm và bài thơ ‘Mưa xuân’ của Nguyễn Bính theo dạng chữ cải tiến.
Nguồn: Afamily

Công trình chữ Quốc ngữ cải tiến với tên gọi “Chữ VN song song 4.0” của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa được chính thức cấp bản quyền.
Theo lời tác giả Kiều Trường Lâm nói với truyền thông trong nước, Chữ VN song song 4.0 là sự kết hợp giữa Chữ Việt Nhanh của tác giả Trần Tư Bình và Ký Hiệu Dấu của tác giả Kiều Trường Lâm, cũng như vận dụng các vần và chữ trong Chữ Quốc Ngữ để hình thành.

Theo đó, chữ viết mới này cho phép mọi người đọc được chữ Việt không dấu lưu loát một cách trọn vẹn, có độ thẩm mỹ cao như tiếng Anh. Đồng thời giúp tiết kiệm 25-30% thời gian so với kiểu gõ Telex hiện nay và là một công cụ song song, không ảnh hưởng đến chữ Quốc ngữ.

Do đó, ông Kiều Trường Lâm bày tỏ hy vọng công trình mới này sẽ được đưa vào giảng dạy cho học sinh.

Để minh họa cho những đặc tính nổi trội nêu trên, ông Kiều Trường Lâm đã chuyển khổ đầu bài thơ ‘Mưa xuân’ của Nguyễn Bính theo dạng chữ cải tiến như sau:

“Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa”

Qua Chữ VN song song 4.0 sẽ thành: Muao xaly
“Em lal con gaij trogp kugp cuiv,
Zetf luar qahp namo voix mer jal,
Logl trez conl nhuo cayy luar tragx,
Mer jal chuao banl choh lagl xa”

Với tư cách nhà giáo hiện đang giảng dạy Văn hóa tại trường Đại học Đà Nẵng, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng bày tỏ:

“Tôi không đồng tình với tuyên bố của tác giả là mong muốn được Bộ Giáo dục hay các cơ quan hữu trách áp dụng cái này để giảng dạy hay thay thế cho tiếng Việt hiện hành. Tôi thấy coi đó là một phát minh hay một sáng kiến của một cá nhân thì đó là chuyện bình thường bên cấp bản quyền sáng kiến phát minh. Nhưng để ý định đó trở thành tham khảo, thậm chí là quyết định của Bộ Giáo dục vào trong chương trình ngôn ngữ quốc gia để thay cho ngôn ngữ hiện hành thì tôi không ủng hộ.
Phó Giáo Sư - Tiến Sĩ Bùi Hiền và bảng chữ cái cải tiến. vnmedia & japan24h 

Chúng ta muốn thay đổi một cái gì căn bản của một quốc gia, một ngôn ngữ đã hình thành bao nhiêu năm rồi, quốc ngữ của mình đã mấy trăm năm mà để thay đổi thành ngôn ngữ mới như vậy thì sẽ xáo trộn rất nhiều. Tôi nghĩ đây là sáng kiến cá nhân, còn để cải tiến chữ cái của một quốc gia, ngôn ngữ, là một vấn đề rất lớn và không phải là vấn đề ưu tiên hiện nay của giáo dục.”

Còn theo chị Quỳnh Trang ở Sài Gòn, nếu thật sự Chữ VN song song 4.0 được đưa vào sử dụng trong đời sống hằng ngày, chưa kể đến áp dụng cho học sinh, sẽ gây ra tình trạng loạn ngôn ngữ:

“Vấn đề là những cái hiện giờ có khó khăn gì đâu, người ta đã sử dụng quen rồi và nó có nhiều cái system cho ngôn ngữ đó rồi, tại sao phải tạo ra một cái khác để rồi học thêm một ngôn ngữ? Nói chung cái này rảnh quá mới làm chứ chả có gì ảnh hưởng.”

Trong khi đó, Nhà ngôn ngữ học, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng lại cho rằng ước mơ của tác giả Kiều Trường Lâm là điều rất bình thường vì mọi người đều có quyền hy vọng và đó cũng chỉ là một đề xuất.

“Không có gì cần nghĩ ngợi nhiều, người ta chỉ được cấp bản quyền. Nhiều người cứ nghĩ được cấp bản quyền là được nhìn nhận chất lượng sản phẩm, không phải vậy. Bản quyền chỉ là một tờ giấy xác nhận sản phẩm đó của người này chứ không hề nói về sử dụng sản phẩm đó.”

Giải thích rõ hơn, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng đưa ví dụ nếu một người làm một bài thơ thật dở rồi xin cấp bản quyền, cơ quan có trách nhiệm không thể từ chối và vẫn cấp phép cho tác giả. Điểm quan trọng hơn ở chỗ người làm bài thơ dở chỉ mình người đó đọc, như vậy sẽ không phá hoại năng lực thơ của người khác.

Theo ông Hoàng Dũng, vấn đề thực sự xuất hiện khi có người đăng báo tung hô thơ dở như một bài thơ hay, cổ võ người khác làm thơ theo cách ấy. Từ đó, ông đặt ra câu hỏi tại sao báo chí lại đăng loại sáng kiến kì quái ấy cũng như bản thân các tác giả đó?

“Trên đời có vô số ý kiến từ rất hay đến rất dở, thậm chí bất bình thường. Báo chí không nên đăng những loại dở hay bất bình thường lên như thể là một sáng kiến gì hay lắm. Trừ khi có động cơ để câu khách. Tôi nghĩ thế.”

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng đánh giá bộ chữ mới lần này tương tự như đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của ông Bùi Hiền trước đây.

Cuối năm 2017, truyền thông trong nước liên tục đăng tải những tin tức, bài viết về việc Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đăng ký bản quyền cho ‘Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ’ của Phó Giáo sư Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

Lúc bấy giờ, các trang mạng xã hội đều lên tiếng phản đối khi cải tiến chữ viết ‘Tiếq Việt’ dù cho tác giả bộ chữ đưa ra nhiều ưu điểm nếu được cải cách.

Nhiều người không đồng tình với việc thay đổi ‘Luật Giáo dục’ trở thành ‘Luật záo zụk’, ‘ngôn ngữ’ thành ‘qôn qữ’... theo đề xuất của Phó Giáo sư Bùi Hiền.

Vì vậy, khi một tác giả nữa với mong muốn tìm ra hướng đi mới cho ngôn ngữ Việt, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng khẳng định:

“Đừng nghĩ cái đó phá hoại tiếng Việt, không phá được đâu, làm sao phá được! Dân Việt đủ khỏe mạnh để miễn nhiễm với những loại sáng kiến kiểu ấy.”

Ngoài ra, nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng cũng đề xuất rằng nếu mọi người không đề cập gì thêm về chuyện này thì mọi việc sẽ trôi qua, còn nếu cứ tung hô, viết thêm là sẽ trúng kế của họ và như vậy họ sẽ càng thích!

No comments:

Bình luận: Trump nói không để kênh đào Panama rơi vào “tay kẻ xấu” là ám chỉ ĐCSTQ

Quang cảnh khu vực kênh đào Panama, tàu container quá cảnh. (Ảnh: Shutterstock) Không thể để kênh đào Panama rơi vào tay ‘kẻ xấu’ Tổng thống...