Wednesday, April 29, 2020

TQ lập hai huyện đảo quản lý Trường Sa, Hoàng Sa

Xinhua

Bản quyền hình ảnhXINHUA
Image captionTrung Quốc đã tổ chức chuyến bay dân sự đầu tiên hôm 06/01/2016,đưa người ra thăm Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) sau khi tôn tạo, xây cất đường băng dài ở đây
Trung Quốc vừa công bố thành lập hai huyện đảo trên Biển Đông, để kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Huyện Nam Sa có cơ quan hành chính đặt trên Đá Chữ Thập mà nước này gọi là Vĩnh Thử trong Quần đảo Trường Sa, còn huyện Tây Sa đặt trụ sở hành chính tại đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Bản tin CGTN của nhà nước Trung Quốc hôm 18/04/2020 nói "việc lập hai đơn vị hành chính quan trọng, mang tính lịch sử, huyện Nam Sa (Nansha district) và Tây Sa (Xisha district) được Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung Quốc thông qua".
Hai huyện này trực thuộc thành phố Tam Sa, nam đảo Hải Nam.
Tờ South China Morning Post nói rằng hai đơn vị hành chính mới cấp huyện sẽ quản lý Hoàng Sa và Bãi Macclesfield, và cả Quần đảo Trường Sa cùng các vùng nước xung quanh.
Các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam và một số nước khác trong khu vực, trong lúc Bãi Macclesfield là nơi tranh chấp giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc ngưng 'thái độ bắt nạt'

Việc tuyên bố thành lập hai huyện đảo được đưa ra giữa lúc tình hình Biển Đông liên tục có những diễn biến căng thẳng trong suốt mấy tuần qua.
Cùng ngày thứ Bảy 18/4, Hoa Kỳ nói Trung Quốc hãy ngưng ngay "thái độ bắt nạt" tại Biển Đông, và nêu quan ngại về "các hành động khiêu khích" nhắm vào hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi ở vùng biển có tranh chấp giữa Trung Quốc và Malaysia, Reuters tường thuật.
Tin cho hay, một tàu khảo sát của Trung Quốc mấy ngày qua đã đeo bám một tàu thăm dò của hãng dầu khí quốc gia Malaysia Petronas, và cho đến ngày thứ Bảy, tàu Trung Quốc vẫn có mặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
"Hoa Kỳ quan ngại về các báo cáo nói Trung Quốc liên tục có các hành động khiêu khích nhắm vào hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác," Reuters trích dẫn nội dung email của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phản hồi các câu hỏi về sự hiện diện của Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) tại vùng biển của Malaysia.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đã lợi dụng việc thế giới đang chú tâm phòng chống đại dịch Covid-19 để chiếm ưu thế tại Biển Đông.
Hồi đầu tuần rồi, cũng tàu khảo sát này đã được phát hiện có mặt ở ngoài khơi Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang tiến hành các hoạt động bình thường, và cáo buộc giới chức Mỹ là bôi nhọ Bắc Kinh.
Hôm 3/4, Việt Nam nói tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá "đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam". Phía Việt Nam sau đó đã trao công hàm phản đối.

Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc

Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và vào năm 1982 đã thành lập đơn vị hành chính để quản lý các quần đảo này.
Huyện đảo Hoàng Sa hiện trực thuộc thành phố Đà Nẵng, còn huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
OtherBản quyền hình ảnhOTHER
Image captionTrung Quốc đã giành quyền kiểm soát đảo Phú Lâm từ năm 1956
Tuy nhiên, kể từ năm 1974, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa (Bắc Kinh gọi là Tây Sa), trong đó bao gồm đảo Phú Lâm, nơi nay đặt trụ sở của huyện đảo Tây Sa.
Trung Quốc giành quyền kiểm soát đảo Phú Lâm từ năm 1956. Năm 2012, Trung Quốc thành lập 'thành phố Tam Sa' đặt thủ phủ ở đảo này và điều quân tới đóng trên đảo.
Đảo Phú Lâm hiện là nơi mà cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
Các động thái chiếm và xây cất xa về phía nam Biển Đông ở Quần đảo Trường Sa (Bắc Kinh gọi là Nam Sa) trong những năm qua đã bị Việt Nam phản đối không ngừng nghỉ.
Đá Chữ Thập, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiêu, địa điểm giờ đây Bắc Kinh chọn đặt thủ phủ của huyện Nam Sa, là nơi Trung Quốc trên thực tế đã nắm quyền kiểm soát kể từ 1988, sau khi chiếm từ tay Việt Nam.
Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với Đá Chữ Thập.
Các tàu nạo vét của Trung Quốc được trông thấy ở vùng nước gần Đá Chữ Thập - hình ảnh do máy bay giám sát của Hải Quân Hoa Kỳ chụp hồi tháng 5/2015Bản quyền hình ảnhREUTERS
Image captionCác tàu nạo vét của Trung Quốc được trông thấy ở vùng nước gần Đá Chữ Thập - hình ảnh do máy bay giám sát của Hải Quân Hoa Kỳ chụp hồi tháng 5/2015
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã bồi đắp nơi này cùng một số bãi đá, đảo nhỏ khác ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo, điều được các nước khác cho là để nhằm biến những nơi này thành tiền đồn quân sự chiến lược trên biển.
Trên Đá Chữ Thập, Trung Quốc đã cho xây các công trình, sân tập, thiết bị radar, thậm chí cả vị trí đặt tên lửa, đường băng, bãi đáp máy bay, các nhà kho lớn và nhiều loại thiết bị khác phục vụ việc phát hiện, theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự, thông tin liên lạc của các nước khác.
Mới đây, hồi cuối tháng Ba, Bắc Kinh tuyên bố lắp đặt hai trạm nghiên cứu trên hai đảo nhân tạo, trong đó có một trạm trên Đá Chữ Thập.
Việc này được coi như bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc thuộc địa hoá Biển Đông vào lúc cả thế giới đang lo phòng chống đại dịch Covid-19, theo một số nhà quan sát.
Đá Chữ Thập cũng là nơi mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 được cho là đã ghé vào để tiếp liệu sau khi tạm rút khỏi khu vực Bãi Tư Chính ở ngoài khơi Việt Nam khoảng gần một tuần hồi đầu tháng 8/2019.
Việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra ra vào vào Bãi Tư Chính trong nhiều tuần hồi năm ngoái đã làm bùng lên cuộc khẩu chiến gay gắt nhất giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong nhiều năm qua.

No comments:

Bút ký PHIM HÀNH TRÌNH 50 NĂM do Thanh Tâm Film thực hiện

Khoảng 1977/1978, đọc tin tức trên nhiều báo Việt Nam, tôi nhận ra thân phận rất mong manh của thuyền nhân trong câu được “truyền tụng” lúc ...