Wednesday, April 29, 2020

Tự sự tháng 4 của một người lính già - Hồ Hải


Mỗi năm cứ đến tháng 4 là Lão (nick name của nhân vật) thấy buồn, trăn trở, suy nghĩ chuyện xưa, chuyện nay… 

Cách đây 45 năm, những ngày cuối tháng 4, 1975 Lão vừa đúng 30 tuổi, còn đầy nhiệt huyết, đã cùng với đồng đội, dù bất mãn, bất phục, không cam lòng, cũng phải buông súng đầu hàng theo lệnh của vị Tổng thống 3 ngày, từ 28 đến 30 tháng 4. Thật tình mà nói thời điểm đó, Lão không có nhận định, phân tích nào rõ rệt về tình hình chiến sự, chính trị đang xảy ra chung quanh. Lão theo tàu công tác tuần tiểu rồi chở người di tản từ Vùng I vào Saigon không ghé qua Vùng II để Lão có thể về đón vợ con đi theo. Trên bờ, dưới biển, khối người di tản như bị đẩy xuôi bởi cơn nước lũ, cuốn trôi đi không cưỡng lại được. Tháng 4, từ Vùng I ra Phú Quốc rồi trở lại Sai Gon, Lão chứng kiến vô số người chen lấn tìm cách lên tàu ra khơi, vượt thoát ra nước ngoài nhưng Lão thì gần như dửng dưng, ngoài cuộc. Đơn giản Lão tự lý giải: năm 1954 đất nước chia đôi, nhiều người di cư vô Nam, thân nhân còn ngoài Bắc, chỉ cách con sông Bến Hải chưa đến 200 mét mà suốt 20 năm họ không hề được gặp lại nhau, nay đi nước ngoài một mình thì chừng nào mới gặp lại được mẹ, vợ, con và người thân? Trong chiến tranh nếu mình bị phía bên kia bắt làm tù binh, họ tra tấn để khai thác tin tức, nay hết chiến tranh rồi chắc bị nhốt một thời gian là cùng. Về sống với gia đình khi không còn chiến tranh là điều mà ai cũng mong muốn, cho dù có cực khổ cũng chấp nhận. Chiến tranh trên đất nước tội nghiệp này suốt 20 năm, bao nhiêu người cả hai miền Nam, Bắc đã nằm xuống, nhiều người đã bỏ mất một phần thân thể ngoài chiến trường, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha; nay không còn chiến tranh, lẽ nào họ còn hận thù? Dù gì cũng là người Việt Nam với nhau. Chắc cũng có nhiều người lúc đó đã thật thà, đơn giản nếu không nói là ngây thơ, nghĩ như Lão.
Sau 2 tuần miền Nam hoàn toàn mất, Lão nhận giấy gọi đi trình diện học tập nhưng thực tế là đi tù.  Lão nghe có người nói, miền Nam không thua ở chiến trường mà thua dinh Độc Lập, ở Washington DC. Là một người lính, Lão thấy có chút an ủi, như được rửa chút mặt mũi để cam lòng khăn gói vô tù. Trong tù, Lão có dư thời giờ để nghiền ngẫm về lý do miền Nam mất một cách tức tưởi. Ngày đi lao động, tối bụng đói meo, nằm gác tay lên trán, trằn trọc suy nghĩ. Những khi có dịp, năm ba đứa bạn tù ngồi xúm lại bàn tán chuyện những ngày tháng 3 tháng 4. Đứa thì đang đánh bất phân thắng bại với địch nhưng có lệnh rút quân; đứa chưa đánh đã rút; đứa đánh đến viên đạn cuối cùng đành phải để cho chúng bắt làm tù binh; trách lãnh đạo, trách người bạn “đồng minh” Hoa Kỳ đã phủi áo ra đi. Nhiều “tư tưởng lớn” gặp nhau trong những buổi “hội thảo nhỏ” này.  Kết quả “thu hoạch” được sau những buổi hội thảo “ngoài luồng”: “Miền Nam mất vì nhiều lý do, trong đó có “đồng minh” Hoa Kỳ
Ra tù, Lão nghe có một số người chê quân đội miền Nam hèn không đánh đến viên đạn cuối cùng đã đầu hàng nay đổ lỗi cho Hoa Kỳ để chạy tội. Lão nghĩ: Ừ, thì chúng tôi hèn nhưng rồi đánh được bao lâu? 2 tháng, 3 tháng? Hết viên đạn cuối cùng rồi sao nữa? Lúc đó anh đang ở đâu? Làm gì? Lão tự nhủ: mình chỉ là một quân nhân cấp bậc nhỏ, biết được bao nhiêu chuyện chiến lược, quân sự, chính trị trong nước cũng như thế giới nên không phê phán kiểu “giậu đổ bìm leo?” Ai muốn chứng tỏ mình là quân sư, là “rồng nằm”, “rồng ẩn” (ngọa hổ, tàng long) trong thời chiến; nay mất nước, không còn chiến tranh thì muốn thành “rồng bay”, “rồng lộn” thì cứ thỏa chí, cứ “phán” như Thánh cho thiên hạ biết đến thì mặc họ. Lão ngả nón đi chỗ khác.
Chuyện nói Mỹ phản bội, có người không đồng ý. Vâng, thì mỗi người một nhận định. Bạn bè bắt tay hứa hẹn, anh giúp tôi cùng đánh kẻ thù nguy hiểm kia để hai ta cùng được sống yên ổn, hòa bình. Nay anh bỏ tôi đi bắt tay chơi với thằng đàn anh của nó trong khi anh biết làm như vậy là tôi chết chắc! Anh vì lợi ích gia đình nên phải làm thế. Tôi hiểu, tôi không đổ tội hay lên án anh nhưng cái nguyên nhân (khiến tôi phải thua đến mất nước) thì không thể không nói. Đạo lý giang hồ, tôi nói đó là hành động phản bạn, bội tín, tức phản bội, sai hay sao? 
Được phóng thích về với gia đình, Lão chứng kiến đất nước trở lại thời kỳ đồ đá. Giải phóng miền Nam nhưng thực sự thì họ lại cướp của cải vật chất miền Nam mang về Bắc, cướp nhà chiếm đất, đuổi người dân miền Nam lên vùng kinh tế mới phá rừng, làm rẫy để kiếm ăn khiến cho người dân miền Nam đang có đời sống ấm no, đầy đủ nay trở thành tay trắng?  
Người dân miền Nam tìm đủ mọi cách để vượt biên, vượt biển đi tìm tự do. Từ ngữ giải phóng nghe đểu cáng, dối trá muốn văng tục. Giải phóng tại sao trong lúc giao chiến đồng bào đều bỏ chạy về phía quốc gia? Khi đất nước “thống nhất” và được “giải phóng” rồi thì tại sao đồng bào liều mạng bỏ chạy ra nước ngoài tìm đất sống? 
Qua tin tức từ nhiều nguồn, Lão biết được sau khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, miền Nam tuy đã mất nhưng rải rác nhiều nơi có hàng ngàn người bất phục, hàng chục tướng tá, hàng trăm sĩ quan các cấp khác và binh sĩ tự sát, nhiều người tiếp tục chiến đấu, rốt cuộc họ bị phe thắng trận bắt tra tấn, xử tử. Hàng trăm ngàn người khác trong các trại tù “cải tạo” đã chết dần, chết mòn vì bị ngược đãi, hành hạ, thiếu ăn, thiếu thuốc, lao động khổ sai, họ đã chết trong các trại tù khắp cả nước nhưng thế giới đã làm ngơ? Con số tử vong kể trên cùng với hơn nửa triệu người bỏ mình trên đường vượt biên, vượt biển sau khi cộng sản cướp miền Nam đâu có ít hơn nếu ngày đó ông Dương Văn Minh đừng tuyên bố đầu hàng, đánh “ta-pi” một trận, đàng nào cũng chết  nhưng họ chết oanh liệt hơn, không chết thê thảm trong đau đớn, tủi nhục. 
Và, giá như sau khi quân miền Bắc thắng miền Nam, họ đối xử với quân cán chính miền Nam được một phần của tướng S. Grant, liên bang miền Bắc đã đối xử với quân của tướng Robert E. Lee liên bang miền Nam trong cuộc chiến tranh Nam - Bắc của Hoa Kỳ năm 1865 thì đất nước VN của Lão nay khác biết là bao nhiêu? Hàng trăm ngàn nhân tài của miền Nam, ở tuổi đóng góp xây dựng đất nước tốt nhất sau khi chiến tranh chấm dứt, đã bị hủy diệt, chôn vùi bởi sự hận thù ngu xuẩn, phi nhân của đám quan quân bên thắng trận.
Từ nước ngoài nhìn về quê hương, Lão chua xót thấy bánh xe lịch sử của đất nước Lão đang từng ngày quay ngược chiều.
- Cách mạng là nhằm xóa bỏ cái cũ, cái xấu để thay cái mới, cái tốt hơn nhưng bọn cộng sản trên đất nước VN của Lão đã làm ngược lại. 
- Đấu tranh xóa bỏ giai cấp thì họ lại tạo nhiều tầng lớp giai cấp thống trị, bóc lột, tư bản đỏ. 
- Giải phóng để không còn người bóc lột người thì họ lại tạo ra một đám quan quân, chính quyền, đảng viên, côn an không chỉ tham nhũng, đàn áp, bóc lột mà còn ăn cướp công khai có văn bản.
- Miền Nam đang phát triển, mặc dù trong thời kỳ chiến tranh nhưng kinh tế, mức sống người dân đã không thua kém các nước trong vùng như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nam Hàn nay đã bị thụt lùi hàng 100 năm so với họ.
- VN của Lão chưa có thời nào tuổi trẻ phải đi lao động, đi làm điếm ở nước ngoài để kiếm sống. Cũng chưa hề có chuyện người nước ngoài vào VN mua vợ và cũng chưa bao giờ nghe chuyện người dân VN ra nước ngoài trộm cắp để bị họ khinh rẽ như dưới thời “đỉnh cao trí tuệ”, “ưu việt” của cái xã hội chủ nghĩa bánh vẽ này.
- Miền Nam đang có một nền văn hóa khai phóng, đạo đức và nhân bản nay đã suy đồi ruỗng nát, phi đạo đức, từ trò đến thầy và cả một hệ thống giáo dục đâu cũng thấy phong bì, mua bán bằng cấp; phụ huynh đến trường bắt cô giáo quỳ; thầy cô phạt học trò uống nước giẻ lau bảng; nữ sinh từng đám đánh nhau, lột trần truồng trên đường và người qua đường thì “vô tư” đứng xem. 


Người dân VN cả nước bị cộng sản lừa từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến hôm nay. Những người lính như Lão, làm tròn bổn phận của một công dân, chiến đấu tự vệ để bảo vệ lãnh thổ, tự do cho mình và đồng bào mình, rõ ràng là cuộc chiến đấu có chính nghĩa nhưng lại bị thua trận đến mất nước chỉ vì kẻ thù thì dối trá, đồng minh thì bội ước, người dân thì thật thà đến ngây thơ nên không ít người đã tin chúng, tiếp tay chúng. Thù trong, giặc ngoài thì chính quyền, quân đội VNCH của Lão chịu sao nỗi? Hận thù, ân oán cá nhân có thể gác bỏ hoặc thời gian có thể nguôi ngoai chìm dần vào quá khứ nhưng tội ác của kẻ bán nước, đang diễn ra từng ngày, dân tộc Lão đang có nguy cơ bị Hán hóa, diệt vong thì làm sao Lão quên và không hận? Tất cả những oan nghiệt, tai họa đó đã ập xuống đất nước Lão vào ngày 30 tháng 4 năm 75. Vậy ngày này phải là ngày Quốc hận mới chính xác, không lý do gì Lão phải tránh né, đánh đồng hay ngụy biện bởi một nhóm chữ khác.
Có lúc Lão cũng tự hỏi: mình nghĩ nhiều quá như vậy để làm gì? 
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” lại đang ở nước ngoài, Lão không dám mong làm được điều gì to lớn để góp một tay với đồng bào trong nước, Lão chỉ mong gìn giữ cộng đồng Lão đang sống ở đây, không cho lá cờ máu hiện diện; ngăn chặn không cho những tên cộng sản theo chân người Việt tị nạn để nằm vùng chui rúc, len lỏi như những con vi trùng, vi khuẩn phá nát, gây chia rẽ cộng đồng … Lão xem đây là một bổn phận mà những người thế hệ thứ nhất như Lão nên làm. 
Những người thuộc VNCH xưa như Lão, có một trời kỷ niệm gắn bó, tha thiết với quê hương đất nước, am hiểu lịch sử đấu tranh của dân tộc; hiểu những gian trá, hiểm ác của đối phương, biết bạn biết thù; hiểu tại sao người dân miền Nam Việt Nam đã thua trong cuộc chiến tranh năm 1975; hiểu tại sao người dân trong nước đang đấu tranh hôm nay nên Lão cần phải truyền đạt lại cho con cháu Lão biết. Chúng cần phải hiểu tại sao chúng có mặt ở đây? phải biết rõ nguồn gốc, lịch sử dân tộc của mình. Và quan trọng là chúng biết phải nên làm gì cho quê hương đất tổ, hôm nay và mai sau. Nếu Lão không làm những chuyện này thì con cháu Lão lấy gì làm vốn liếng, hành trang nếu chúng muốn tiếp nối công việc dang dở của cha, ông. Với khả năng và sự thành đạt của chúng ở nước ngoài, chúng có thể tiếp tay hữu hiệu cho công cuộc đấu tranh của đồng bào quốc nội trong lãnh vực ngoại vận. Và, sau này khi chế độc cộng sản không còn, chúng có thể về mà xây dựng lại đất nước, chứ không phải bây giờ.
Ngày Lão bỏ nước ra đi, lòng cũng mang ít nhiều hoài bão mong có ngày trở lại. Mới đó mà nay đã 45 cái 30 tháng 4! Thời gian trôi mau như “bóng câu qua cửa sổ” không khỏi ngậm ngùi. Tuổi trẻ nhìn về phía trước, tuổi già nhìn ngược lại phía sau. Lão chợt bâng khuâng thấy nhớ  bạn đồng ngũ, nhớ em thơ và mẹ già “một mái đầu hoa trắng tiễn đưa…” lúc Lão ra đi nay người đã không còn nữa. Bất chợt Lão nhớ hai câu thơ trong bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm: 
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xua động tiếng hờn căm!

Hồ Hải


---ooo---

No comments:

Bút ký PHIM HÀNH TRÌNH 50 NĂM do Thanh Tâm Film thực hiện

Khoảng 1977/1978, đọc tin tức trên nhiều báo Việt Nam, tôi nhận ra thân phận rất mong manh của thuyền nhân trong câu được “truyền tụng” lúc ...