Chiều Chủ Nhật ngày 7/6/2020, Cộng Đồng Người Việt Tự Do tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính phủ tiểu bang Victoria ký Bản Ghi nhớ với Bắc Kinh đồng ý tham gia chiến lược “Vành đai, Con đường”.
Cuộc biểu tình diễn ra trước Quốc hội Victoria với sự tham dự của đại diện các sắc tộc Trung Hoa lục địa, Đài Loan, Tây Tạng, Uighur, Hong Kong và một số người Úc.
Ông Nguyễn Văn Bon, Chủ tịch Cộng Đồng Liên Bang và Victoria phát biểu tại sự kiện này, nói rằng:
“Cộng đồng đã nhiều lần thông tin đến đồng bào những sai lầm của Chính phủ tiểu bang Victoria, hôm nay luật cho phép chúng ta biểu tình giữ khoảng cách 1,5 m, chúng ta sẽ liên tục biểu tình cho đến khi nào quan điểm của chúng ta được Thủ hiến Daniel Andrews lắng nghe.”
'Vành đai – Con đường sang tận Úc'
Vào tháng 10/2018, Thủ hiến Victoria Daniel Andrews âm thầm ký một biên bản ghi nhớ với Bắc Kinh đồng ý tham gia chiến lược “Vành đai, Con đường”.
Phía Trung Quốc đề nghị ông Andrews giữ bí mật việc ký kết và ông đã nghe theo, vài tuần sau câu chuyện bị tiết lộ buộc ông phải công bố biên bản ghi nhớ.
Ông Andrews cho biết đây chỉ là bản ghi nhớ giữa hai chính phủ, không mang tính pháp lý.
Chính phủ Victoria là chính phủ tiểu bang duy nhất tại Úc đã ký kết tham gia “Vành đai, Con đường” đi ngược với chủ trương của Chính phủ Liên bang là cần thận trọng với các khoản đầu tư của Trung Quốc và ngăn những cuộc đấu thầu của Bắc Kinh liên quan đến mạng 5G cũng như mạng lưới điện của Úc.
Cả chính phủ và đảng đối lập ở cấp liên bang đều lên tiếng phản đối việc chính phủ Victoria ký kết với Trung Quốc. Theo Hiến pháp Úc chỉ có liên bang mới có quyền ký kết với các chính phủ nước ngoài.
Đầu tư tạo công ăn việc làm…
Đến tháng 10/2019, Chính phủ Victoria Daniel Andrews lại âm thầm ký Bản bổ túc, nhưng đến nay vẫn chưa công bố cho Bộ Ngoại giao và Thương mại biết về các hợp đồng đã ký kết.
Vào cuối tháng 5/2020, bị báo chí chất vấn, Thủ hiến Andrews xác nhận các hợp đồng lẽ ra đã bắt đầu từ cuối tháng 3/2020 nhưng vì đại dịch nên không thể tiến hành.
Nay tình hình đã tốt hơn nên hai bên tiếp tục thảo luận về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thương mãi tạo công ăn việc làm cho tiểu bang Victoria.
Chính phủ liên bang, đảng đối lập tại tiểu bang Victoria và giới truyền thông liên tục đòi hỏi Thủ hiến Daniel Andrews cho công bố các hợp đồng đã ký với Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Lãnh đạo đối lập, ông Michael O’Brien, tuyên bố sẽ hủy bỏ mọi thoả thuận “Vành đai, Con đường” nếu ông đắc cử trong lần tranh cử sắp tới năm 2022.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Úc, một chính phủ tiểu bang thách thức Hiến pháp Úc, thách thức chính phủ liên bang, thách thức chính đảng của họ và thách thức người dân đứng về phía ngoại bang, Trung Quốc, đây là một trường hợp không thể xem thường.
Luật đầu tư mới “an ninh quốc gia”
Thứ Sáu tuần rồi 5/6/2020, Thủ tướng Scott Morrison và Bộ trưởng Ngân khố (Bộ Tài chính) Josh Frydenberg của Liên bang tuyên bố sẽ cải tổ sâu rộng luật đầu tư ngoại quốc nhằm ngăn chận các trường hợp ảnh hưởng đến “an ninh quốc gia”.
Ông Morrison cho biết muốn đầu tư vào Úc, các công ty ngoại quốc phải theo các điều khoản của Úc, tuân thủ các quy tắc Úc và mang lại lợi ích cho nước Úc.
Theo luật mới, Bộ trưởng Ngân khố được quyền buộc các nhà đầu tư ngoại quốc trước đây phải bán lại các đầu tư cũ, và các đầu tư mới không được tiến hành, nếu bị đánh giá sẽ tạo rủi ro cho “an ninh quốc gia”.
Luật đầu tư mới sẽ áp dụng một bài kiểm tra “an ninh quốc gia” cho tất cả các khoản đầu tư ngoại quốc có ảnh hưởng đến công nghệ, viễn thông, năng lượng, dịch vụ và đặc biệt là quốc phòng.
Phát ngôn viên của đảng đối lập phụ trách về tài chính, Jim Chalmers, đã công khai ủng hộ Luật đầu tư mới, và Dự luật sẽ được đưa ra Quốc Hội để biểu quyết thông qua vào cuối năm 2020.
Theo Luật đầu tư này, tất cả các thỏa thuận của chính phủ Victoria của Daniel Andrews sẽ bị duyệt xét và kiểm tra nếu vi phạm đến “an ninh quốc gia” sẽ bị hủy bỏ.
Theo nhóm biểu tình hôm 07/06 trước Quốc hội tiểu bang Victoria, họ lo ngại liệu chính phủ Andrews nếu mắc nợ Trung Quốc “sẽ có phải bán cảng của thành phố Melbourne”, giống như năm 2015 chính phủ Bắc Úc đã phải bán cảng Darwin cho Trung Quốc?
Nhiều dự án “Vành đai, Con đường” đã trở thành bẫy nợ, khi các quốc gia không đủ khả năng trả lại các khoản vay của họ cho Trung Quốc. Năm 2017, Sri Lanka đã phải bàn giao một cảng biển lớn cho Bắc Kinh, những người biểu tình cho biết.
Cũng tin từ Úc cho hay, vì Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi mở cuộc điều tra về căn nguyên dịch Covid-19 từ Vũ Hán nên Bắc Kinh đã trả đũa, tuyên bố ngừng mua thịt bò từ bốn công ty thịt của Úc, đánh thuế 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc và đe dọa ngừng nhập khẩu than, quặng sắt, rượu vang của Úc.
Mới tuần trước, hôm thứ Sáu 5/6/2020, Trung Quốc khuyến cáo người dân không du lịch Úc, không cho con cái sang du học Úc với lý do nước Úc “kỳ thị người Á châu”.
Người viết bài này tin tưởng rằng Úc là một quốc gia coi trọng các giá trị dân chủ, chính phủ phải liêm chính và minh bạch mọi chính sách, mọi việc làm, vì thế chính phủ Victoria không thể có chính sách làm ăn riêng với Trung Quốc, ngược lại các giá trị và quyền lợi chung của nước Úc.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Australia.
No comments:
Post a Comment