Friday, August 12, 2016

Bà mẹ 5 con đeo lon Đại tá - Giao Chỉ, San Jose

Đại Tá Mimi Phan đứng thứ hai tay phải chụp chung với các đồng đội, khi còn cấp bậc Trung Tá.

Vào truyện: Suốt bao năm qua, chúng tôi vẫn viết bài và kể truyện hầu quý vị.


Ngày xưa vào thời trung cổ bên Âu châu, khi con người chưa có giấy bút sách vở, những câu chuyện đời thường được truyền tụng ra sao? Có những chàng nghệ sĩ lang thang trên đường du mục. Đi từ nơi này qua nơi khác, chỉ chuyên nghề kể chuyện. Vừa kiếm ăn vừa tìm tài liệu và sắp xếp thành các đề tài kể chuyện giúp vui cho dân gian. Người ta gọi đó là người kể chuyện. Storytelling.
Nếu tôi sống vào thời gian đó và ở không gian đó. Tôi cũng có thể là một Storytelling. Hay dở còn tùy người đối diện...


Colonel MIMI PHAN


Hôm nay tôi kể cho quý vị câu chuyện về một bà mẹ đeo lon Đại tá của Quân đội Hoa Kỳ. Đặc biệt đây lại là bà mẹ Việt Nam. Nói đến Quân đội là thiên hạ ngưỡng mộ các chiến sĩ oai hùng. Nếu là nữ lưu thì phải kể đến cô Đại úy phi công phản lực trên chiến trường Trung Đông. Bà Thiếu tá chỉ huy dàn đại bác trên chiến hạm hay các nữ chiến binh Thủy quân Lục chiến hoặc Nhảy dù.


Nhưng đây là câu chuyện hết sức đời thường của một bà mẹ Việt Nam vừa đeo trên vai hình con chim ưng vĩ đại với cấp bậc Đại tá Quân lực Hoa Kỳ, thuộc một binh chủng có truyền thống lịch sử nhưng lại không phổ biến rộng rãi. Câu chuyện như thế này.
60 năm di cư.


Ngày 20 tháng 7 năm 2014 chúng tôi tổ chức kỷ niệm 60 năm của một triệu người di cư từ Bắc vào Nam. Một phái đoàn rất mới mẻ và oai hùng của các quân nhân Mỹ gốc Việt từ Washington DC về tham dự. Một thiện nguyện viên của IRCC là cô Thanh Nga đã mời các sĩ quan và chiến binh của hội VAUSA, đây là tên gọi tắt của Vietnamese America Uniform Services Association. Hội của những người Mỹ gốc Việt phục vụ với quân phục.


Các Trung tá Công binh Cao Nguyên, Trung tá Hải quân Phạm Tuấn và Trung tá Mimi Phan của ngành Y tế công cộng đã có mặt cùng nhiều chiến binh gồm các binh chủng. Bà con ta ở San Jose lần đầu tiên gặp một phụ nữ trẻ đang mang bầu. Cô tên là Mimi, đã có 2 con ruột và 2 con nuôi. Chuẩn bị sanh thêm một em bé. Rõ r àng đây là một bà mẹ chứ không phải là một chiến binh. Tiếng Việt Cô nói hết sức lưu loát.


Tân đại tá Mimi Phan, Dược sĩ đoàn y tế công cộng Hoa Kỳ, “hình chụp khi còn mang cấp trung tá”
(United States Public Health Service Commissioned Corps). Photo: vausa.



Năm tháng sau, chúng tôi có dịp tham dự một chương trình gây quỹ cho IRCC và VAUSA tại NAPA. Lần này cô Mimi đại diện anh chị em chiến binh Hoa Kỳ gốc Việt đã đọc một bài diễn văn tuyệt vời chinh phục toàn thể cử tọa Mỹ. Câu chuyện tạm ngưng vào cuối năm 2014 với hình ảnh bà mẹ Việt Nam trẻ trung của quân đội Mỹ. Chúng tôi thực sự cũng không biết người phụ nữ Việt Nam với 3 con ruột và 2 còn nuôi đã làm công việc gì trong quân đội.


VAUSA.
Đầu năm 2016 lại được tin là Cộng đồng chúng ta có thêm đến 2 vị Chuẩn tướng Hoa Kỳ. Như vậy trước sau chúng ta có 3 vị tướng một sao trong Quân lực. Cả 3 vị đều là Hội viên danh dự của VAUSA. Hội trưởng cũ là Trung tá Công binh Nguyễn Cao Nguyên cho biết đã mãn nhiệm kỳ và Tân hội trường là Trung tá Mimi Phan. Đây chính là bà mẹ trẻ rất Việt Nam mà chúng ta đã gặp ở San Jose hai năm về trước.


VAUSA là một hội đoàn kết nạp các chiến binh tại ngũ và gồm cả các cựu chiến binh gốc Việt trong Quân lực Hoa Kỳ. Hội đã khởi sự thành hình từ năm 2007 trên chiến trường Trung Đông và được chính thức từ 2014 với hàng ngàn hội viên và sẽ mở rộng cho toàn thể các chiến binh gốc Việt. Không ai có thể ngờ rằng hội viên bao gồm các tướng lãnh, nhiều đại tá nam nữ và có cả các chiến sĩ chuyên viên trên 30 năm quân vụ. Hội trưởng ngày nay là bà mẹ Việt Nam, tư gia của cô là nơi liên lạc của các chiến sĩ Hội viên từ bốn phương vẫn ghé lại thường xuyên. Nhưng câu chuyện của cô hội trưởng chưa thể chấm dứt ở đây. Vì tháng 8 vừa qua, danh sách Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đã có tên Trung tá Mimi Phan được đặc cách thăng cấp Đại tá. Chúng tôi bèn hỏi chuyện xem cuộc đời binh nghiệp của Mimi ra sao.
Chuyện bà mẹ Việt Nam thăng cấp Đại tá.


Ngày 30 tháng tư 1975, cô bé con của Thiếu tá Hải quân Phan Hữu Niệm chưa được 2 tuổi. Mimi nói, cháu mới có 22 tháng. Câu chuyện của bác Giao Chỉ nói qua máy viễn liên trên đường đại tá Phan lái xe về nhà một buổi chiều. Những kỷ niệm xưa toàn là nghe kể lại. Bố cháu là Sĩ quan Hải quân nên đã có phương tiện đưa cả nhà ra đi.


Mẹ kể lại rằng đi thì được rồi nhưng bố quyết định quay về đón bà nội. Nếu nội không đi thì cũng từ biệt bà lần chót. Nhưng cả nhà chưa gặp bà thì bố cháu đã bị bắt.


Chuyện tiếp theo là bà chết không gặp con trai. Bố đi tù và cả nhà phải về quê nội. Mẹ nói rằng bố con đã có giấy lên Trung tá nhưng chưa đeo lon. Thật là may mắn. Đi tù có 8 năm. Phải đeo lon sớm thì tù trên 10 năm có thể đã qua đời.


Sau khi bố ra tù là cả nhà tìm đường vượt biên. Ra đi miền duyên hải nhiều lần không được, sau cùng đi thoát đường Vĩnh Long. Bố là sĩ quan hải quân nên được nhiều chỗ móc nối. Đã từng chỉ huy chiến hạm nên bố lái tàu vượt biên thẳng qua Nam Dương. Lúc đó cô bé gái chưa được 10 tuổi.


Hỏi cháu có kỷ niệm gì với cộng sản? Kỷ niệm duy nhất là ĐÓI. Con là đứa bé đói. Cả nhà đói. Số con đẻ bọc điều nhưng trong thời thơ ấu bọc điều chứa toàn bo bo. Cô chưa từng hưởng hạnh phúc thực sự của gia đình Sĩ quan Hải quân VNCH. Có lẽ chỉ có được 2 năm uống sữa Hoa Kỳ...


Tạm trú bên đảo được chừng tám tháng là gia đình vào Mỹ. Qua Mỹ mang tên Mimi cô bé họ Phan cố gắng theo chương trình ESL từ lớp 5 đến lớp 10. Sau đó bắt đầu theo kịp chương trình và tốt nghiệp trung học. Qua hết chương trình đại học rất nhẹ nhàng. Trong suốt thời gian học sinh sống trong gia đình, cô luôn luôn có công việc đọc báo Việt cho cha. Việt ngữ có thể xuất sắc nhờ công việc này. Bắt đầu theo y khoa ngành dược. Ra trường trở thành cô dược sĩ trẻ tuổi và lập gia đình. Chồng của Mimi là anh chàng kỹ sư hết sức hiền lành và lịch sự. Câu chuyện đến đây chưa hề liên quan đến cuộc đời binh nghiệp. Cuộc đời của cô bé trong gia đình vượt biên hết sự đơn giản như trăm ngàn hoàn cảnh khác của người Việt trên đất Mỹ.


Binh nghiệp mở đường. Tham dự Commissioned Corps of the US Public Health Service.


Bác hỏi cháu là qua bên ngành Y tế Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu ra sao! Trả lời rằng cho đến một hôm, sau nhiều năm làm việc trong ngành Y tế Dược khoa bên dân sự, Mimi quyết định theo truyền thống Hải quân của thân phụ bèn ghi danh xin qua làm việc cho Hải quân Hoa Kỳ. Cô nói rằng vì tham gia vào ngành chuyên môn nên chỉ học căn bản quân sự qua loa có vài tuần rồi được đồng hóa cấp bậc Đại úy. Trong ngành khoa học này, họ tính thâm niên chuyên môn bao gồm công việc dược khoa từ lúc ra trường nên Mimi được coi là có khả năng xuất sắc lâu năm.
- Vậy bao lâu thì được lên Thiếu tá?
- Cô trả lời Sáu tháng.
- Sao nhanh quá vậy. Bộ cháu quen với Obama?
- Không đâu. Chính ra là cháu được giữ chức vụ với bảng cấp số (COD) Thiếu tá. Nhưng họ tạm thời cho lãnh lương cấp bậc Đại úy để thử thách. Thấy có khả năng nên cho chính thức thăng cấp Thiếu tá. Lên đến Thiếu tá mà chào kính còn lúng túng.


Bác nói rằng Quân đội VNCH cũng như vậy. Luật Quốc phòng có trường hợp bổ nhiệm Sĩ quan Đồng hóa. Các nhà khoa học, các tay khoa bảng trình độ đại học hay giáo sư đại học, các đốc phủ sứ được quân đội tuyển dụng vào nhiệm vụ Quốc phòng được hưởng cấp bậc rất cao nhưng không hề được huấn luyện về căn bản quân sự. Đặc biệt các Bác sĩ dân sự vừa ra trường bị động viên đeo ngay lon Trung úy mà không biết giơ tay chào.


Mimi nói rằng cháu cũng ở trong trường hợp như vậy. Các anh cháu trong quân đội khoe vũ khí súng ống nhưng ngành của cháu với cây kim chích còn nguy hiểm hơn súng đạn.


Trở lại với câu chuyện binh nghiệp tôi hỏi rằng thế bao lâu sau cháu lên Trung tá và rồi làm sao lên Đại tá?


Mimi nói rằng kỳ 2014 qua San Jose, cháu đã đeo lon Trung tá được hơn 4 năm. Vì đang giữ chức vụ Đại tá nên có tên trong danh sách đề nghị chuyển qua Quốc hội chấp thuận. Cháu lên lon vì chức vụ theo bản cấp số chứ có phải chiến công oanh liệt hay con ông cháu cha đâu. Căn bản cháu cũng chỉ là mẹ của 5 con và người vợ của một ông chồng.


Hết sức chân thành, Đại tá Phan nói rằng số cháu đẻ bọc điều, sau 10 năm thơ ấu ăn bo bo, bây giờ bo bo hết rồi chỉ còn phần số may mắn bọc điều mà thôi. Tôi hỏi cô có mong ước gì không? Mimi cho biết cô mong có dịp đem phái đoàn lên tàu Bệnh viện Hải quân Mỹ về Việt Nam. Cô sẽ cùng chuyên viên nghiên cứu về môi trường sống của miền duyên hải. Những bí ẩn của vụ Formosa trên đất Hà Tĩnh. Vì sao cá chết và người chết. Hình ảnh những đứa bé bị đuổi nhà không có trường học ở vùng đất khổ như trường hợp Vũng Áng là những thảm cảnh rất liên quan đến lãnh vực khoa học mà Đại tá Phan đang làm việc.


Binh chủng của cô deo huy hiệu mỏ neo của hải quân và 2 con rắn quẩn quanh cây thuyền trượng mang cánh chim, dấu hiệu của y khoa.. Đại tá Phan mong có ngày mang trên vai huy hiệu kết hợp lạ lùng này để về tìm hiểu môi trường của miền duyên hải Việt Nam. Nơi bờ biển Nha Trang cát trắng cô đã sinh trưởng. Nghe chuyện đại tá Mimi và binh chủng lạ lùng của cô, tôi bèn tìm hiểu thêm trên mạng.


Commissioned Corps.
Trong quân đội thiên hạ thường chỉ biết đến hải, lục không quân. Tiếp theo là đến Marine Corps, chẳng ai biết đến các binh chủng lạ lùng như Commissioned Corps với cái tên nối dài là of the US Public Health Service.

United States Public Health Service Commissioned Corps


Mới nghe qua chúng ta tưởng là một phần của sở xã hội quân đội chắc lại phát tiền trợ cấp hay phát sữa cho ông già, con trẻ. Xem thật kỹ mới biết đây là binh chủng có toàn sĩ quan chuyên viên. Ngành này bao gồm các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư và y tá. Các chuyên viên hóa học, sinh học và vật lý học. Tương lai chiến tranh biến chuyển vô cùng. Sau này khi có chiến tranh nguyên tử hay chiến tranh sinh hóa, chiến binh sẽ là người thuộc binh chủng của đại tá Mimi Phan. Chiến tranh sinh hóa CBR bao gồm Chemical, Biological and Radiological. Các chuyên viên này không phải chỉ chiến đấu trong chiến tranh giữa con người. Họ sẽ chiến đấu để bảo vệ môi trường thiên nhiên. Những bệnh tật lạ lùng giết chết hàng triệu sinh linh kể cả bạn lẫn thù. Đó là nhiệm vụ hết sức đặc biệt của một bà mẹ Việt Nam hiền lành đeo lon đại tá Mỹ.





Bây giờ bạn hỏi tôi kể chuyện cô Mimi này có mục đích gì? Quả thực có hậu ý. Ngày thứ bẩy 10 tháng 9-2016 chúng tôi kỷ niệm 40 năm IRCC và 10 năm Việt Museum, chúng tôi mời bà mẹ Việt Nam đeo lon đại tá của Commissioned Corps Hoa Kỳ về làm khách danh dự. Cô bé Mimi của Nha Trang năm nay mới 43 tuổi, là một trong các đại tá trẻ của nước Mỹ sẽ bế theo đứa con 2 tuổi. Mãi mãi đại tá vẫn chỉ là bà mẹ Việt Nam tự nhận là may mắn đẻ bọc điều, ăn bo bo suốt tuổi thơ và nói tiếng Việt ngon lành. Chúng ta sẽ gặp nhau. Hỏi cô bao giờ lên cấp tướng. Mimi nói, chưa bao giờ nghĩ tới nhưng vì ở tuổi 43 nên cô còn đến 19 năm quân vụ nữa để trở thành bà ngoại đại tá rất già. Năm 2035 cháu vẫn có thể còn đeo lon đại tá vào tuổi 62, lúc đó bác ở đâu ? Bác không trả lời được, nhưng hôm nay có cả trăm đứa trẻ của các trại hè vào thăm Viet Museum. Cháu thích trẻ con bác xin gửi tặng tấm hình. Muốn nuôi thêm vài đứa không?


* Những sĩ quan Hoa Kỳ gốc Việt đang phục vụ và chiến đấu trong quân lực Hoa Kỳ ***





Giao Chỉ San Jose

No comments:

Ông Trump vẫn chưa thôi ý định mua Greenland, giành kênh đào Panama và sáp nhập Canada

HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES/BBC Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không hề có dấu hiệu từ bỏ mong muốn mua Greenland và giành lại Kênh đào Panama ...