Saturday, August 13, 2016

Lực sĩ Hoa Kỳ - Nga và Thế Vận Hội Nguyễn Tài Ngọc



Brazil tổ chức Thế Vận Hội thứ 31 ở thành phố Rio de Janeiro. Ngân sách dự chi của Rio là $9.7 tỷ US dollars, thế nhưng ai cũng dư biết là số phí tổn thực chi cuối cùng sẽ trội hẳn số dự đoán. Theo một tài liệu của Đại học Oxford, phí tổn xây dựng của các thành phố thắng quyền tổ chức của 17 Thế Vận Hội mùa Hè và mùa Đông từ năm 1968 đến 2012 trung bình là 179% nhiều hơn dự định, với Montreal vào năm 1976 giữ chức vô địch tiêu quá ngân sách, 796% hơn dự định. Mới đây nhất, London với Thế Vận Hội mùa Hè năm 2012, tiêu 112% hơn dự định.
Từ năm 1968 đến năm 2000, phí tổn trung bình để tổ chức một Thế Vận Hội là 3.6 tỷ dollars. Thế nhưng đùng một cái, hai Thế Vận Hội cuối cùng, 2012 London -Anh, tốn 16.4 tỷ dollars, và 2014 Sochi - Nga, tốn 15.8 tỷ dollars.
Tôi không hiểu sự hào hứng của bao nhiêu thành phố và quốc gia trên thế giới tranh nhau xin được tổ chức Thế Vận Hội mà lịch sử cho thấy đường vào trường đua có trăm lần thua có một lần huề. Nếu có lời thì chỉ vài triệu đến vài trăm triệu dollars là nhiều lắm, nhưng lỗ thì lỗ thê thảm: 
- 1976 Montreal, Canada lỗ $990 triệu Canadian dollars, tổ chức năm 1976 mà mãi đến 30 năm sau, 2006, sau khi gia tăng bao nhiêu thứ thuế, Montreal mới trả hết nợ.
- 1980 Moscow, Nga, lỗ 1.19 tỷ dollars.
- 2000 Sydney, Úc, lỗ 2.1 tỷ dollars.
- 2004 Athens, Hy-Lạp, lỗ 14 tỷ dollars , đưa quốc gia này đến khánh tận.
- Thế Vận Hội cuối cùng, mùa Đông 2014 ở Sochi, Nga, chi phí đắt nhất vô tiền khoáng hậu, 51 tỷ dollars. Số tiền này là trực tiếp lẫn gián tiếp liên quan đến Thế Vận Hội nhưng vì chính quyền không công bố chi tiết, không ai biết là Nga lỗ bao nhiêu. Người ta đoán một nửa là tiền thầu khoán tham nhũng cho một số bạn bè của Putin.
Thế Vận Hội là cuộc tranh tài thể thao thế giới bốn năm mới có một lần nên công dân quốc gia nào cũng hăng hái xem. Trong tất cả các môn thể thao chiếu TV, số người xem Thế Vận Hội nhiều thứ ba. Môn thể thao xem nhiều nhất là giải Túc cầu Quốc Tế bốn năm một lần FIFA World Cup, với số khán giả TV là 3.5 tỷ người. Thứ hai là Tour De France với 2.2 tỷ người xem, và thứ ba là Thế Vận Hội mùa Hè với 2 tỷ người xem.
Chứng kiến cảnh lực sĩ của quốc gia mình nhận lãnh huy chương vàng với lá cờ quốc gia dần dần kéo lên trong khi quốc thiều nước mình trỗi lên là một cảm tưởng xúc động lẫn khích động. Vì thế, rất nhiều quốc gia treo giải thưởng tiền bạc cho lực sĩ nước mình nếu thắng huy chương vàng, bạc, hay đồng.
Huy chương vàng thật sự không phải là vàng đặc 100%, mà là bạc nhuộm vàng. Số lượng vàng nhuộm của một huy chương vàng chỉ là 6%, trị giá thị trường vào khoảng $700 dollars.
Nhiều quốc gia không phát giải thưởng tiền bạc cho lực sĩ thắng huy chương như Na-Uy, Thụy Điển..., nhưng phần đông trao tặng tiền để lực sĩ có động cơ thúc đẩy cố gắng đoạt huy chương vàng.
Đây là vài quốc gia trao tặng giải thưởng nếu lực sĩ quốc gia mình đoạt huy chương vàng, từ nhiều đến ít tiền (đơn vị tiền là US dollars):
- Singapore : $800,000 dollars
- Malaysia : $600,000 dollars (trả bằng trị giá một thỏi vàng). Năm cuối cùng lực sĩ Mã-Lai-Á thắng huy chương vàng là 1956.
- Kazakhstan : $250,000 dollars
- Latvia : $192, 800 dollars
- Italy : $189,800 dollars
- Estonia : $138, 500 dollars
- Nga : $113,200 dollars, cộng với nhiều bonus khác, nâng giá trị tiền thưởng có thể lên gấp ba lần, hơn ba trăm nghìn dollars.
-Thụy Sĩ : $88,600 dollars
- Pháp : $65, 000 dollars
- South Africa : $55,000 dollars
- Trung Quốc : $55,000 dollars, cộng thêm đủ loại phần thưởng khác có giá trị tiền như xe hơi, nhà cửa...
- Mexico : $37,000 dollars
- Hoa Kỳ : $25,000 dollars (bạc: $15,000, đồng : $10,000. Tiền này của tư nhân -Ủy Hội Thế Vận Hội Hoa Kỳ - treo giải, không phải của chính phủ).
- Canada : $20, 000 dollars
- Anh : $0. Nhưng hình của lực sĩ sẽ được in trên tem bưu điện, và lực sĩ sẽ được lãnh tiền huê hồng trên tổng số tem bán, ước lượng từ $10,000 đến $90,000 dollars.
- Việt Nam : Tôi không biết Việt Nam treo giải thưởng thắng huy chương vàng ở Olympics là bao nhiêu, nhưng ở SEA Games 2015, lực sĩ đoạt huy chương vàng được Việt Nam thưởng 10 triệu đồng Việt Nam (khoảng $500 US dollars), một xe gắn máy, một TV, và một smart phone).
Hấu hết chúng ta ai cũng thất vọng não nề khi xem TV không thấy lực sĩ quốc gia mình chiếm huy chương vàng. Nhưng chúng ta nên nhìn vấn đề tranh giải Thế Vận Hội từ một quan điểm khác: Thế giới có 7.4 tỷ người, thế mà chỉ có 10,500 lực sĩ xuất sắc từ 206 quốc gia sẽ tham dự tranh tài ở Rio, Brazil. Thành thử mỗi một lực sĩ có mặt ở Thế Vận Hội đã là một kỳ công không phải ai cũng đạt được, chúng ta nên hoan hô họ hết mình bằng cả hai tay lẫn hai chân.
Ngày xưa khi mới đến Mỹ xem Thế Vận Hội trên TV, tôi ngạc nhiên khi thấy Mỹ thường thua các nước thuộc khối Cộng Sản Nga-Sô, Đông Đức. Sau này tôi mới biết vì hai lý do: thứ nhất, lực sĩ của các quốc gia khối Cộng Sản thường gian lận dùng thuốc kích thích, và thứ hai, chính phủ Mỹ không tài trợ một xu cho lực sĩ tranh tài Thế Vận Hội.
Trong 206 quốc gia tham dự Thế Vận Hội thì 202 nước là chính quyền tài trợ và trả lương cho lực sĩ. Chỉ có bốn quốc gia chính phủ không trả một xu. Hoa Kỳ là một trong bốn quốc gia đó. Vì thế lực sĩ Hoa Kỳ phải tự túc đi làm để kiếm tiền sống: trả tiền ăn, tiền xe cộ, tiền mướn nhà... 
Ủy Hội Thế Vận Hội Hoa Kỳ (US Olympic Committee) là một tổ chức tư nhân bất vụ lợi đứng ra lo việc huấn luyện ngắn hạn, tổ chức tranh đua, trả tiền chi phí cho lực sĩ đi tham dự Thế Vận Hội. Để có ngân quỹ hoạt động, Ủy Hội Thế Vận Hội Hoa Kỳ trông cậy vào:
1. Tiền tài trợ của các công ty tư nhân như Coca-Cola, Nike, Budweiser....(khoảng $120 triệu dollars vào năm 2008).
2. Tiền bản quyền chiếu TV của đài truyền hình Mỹ (khoảng $625 triệu dollars vào năm 2008).
3. Tiền phân chia của Ủy Hội Thế Vận Hội Quốc Tế chia lại cho Ủy Hội Thế Vận Hội Hoa Kỳ, hàng năm trung bình là $12,000 dollars cho mỗi lực sĩ.
4. Và những tiền lặt vặt khác như tiền hội viên, lệ phí tranh tài của 300,000 lực sĩ bơi lội, tổng cộng vào khoảng 100 triệu dollars một năm. 
Tiền Ủy Hội Thế Vận Hội Quốc Tế thu vào từ hai nguồn lợi tức:
1. Bản quyền dùng nhãn hiệu Năm Vòng Tròn Olympics để quảng cáo.
2. Bản quyền truyền hình tranh tài Thế Vận Hội.
Mỗi đài truyền hình quốc gia thường ký contract chiếu nhiều Thế Vận Hội trong nhiều năm, chẳng hạn như 8 năm hay 12 năm. Số tiền dưới đây liệt kê giá tiền bản quyền truyền hình cho chỉ mỗi một Thế Vận Hội:
- Hoa Kỳ (NBC): Mỹ trả tiền truyền hình Thế Vận Hội từ 2012 đến 2014 tổng cộng 4.4 tỷ dollars. Tính ra, mỗi Thế Vận Hội mùa Hè hay mùa Đông Mỹ trả $880 triệu dollars.
- Nhật-Bản: Nhật trả 250 triệu dollars mỗi Thế Vận Hội.
- Úc (Seven Networks): Úc trả 170 triệu dollars mỗi Thế Vận Hội.
- Canada (TSN, RDS, Sports Net): Canada trả 160 triệu dollars mỗi Thế Vận Hội.
- Âu Châu : tiền bản quyền truyền hình Âu Châu trả hơi phức tạp, nhưng đại khái thì mỗi Thế Vận Hội, Anh Quốc trả 150 triệu dollars, Italy trả 141 triệu Euro, Đức trả 120 triệu Euro, Pháp trả 80 triệu Euro, Tây-Ban-Nha trả 66 triệu Euro.
Ủy Hội Thế Vận Hội Hoa Kỳ (US Olympic Committee) hàng năm xuất ra 170 triệu dollars cho các bộ môn thể thao, thế nhưng những môn thể thao nhiều người xem nhất, chiếu TV thu vào nhiều tiền quảng cáo nhất như chạy đua, bơi lội... thì được nhiều tiền hơn những môn thể thao ít người để ý.
Giống như tài tử đóng phim chỉ có một thiểu số rất ít khoảng 2% là nổi tiếng, giầu, kiếm nhiều tiền, lực sĩ ở Hoa Kỳ cũng thế, nhưng chắc chắn là không kiếm tiền nhiều như tài tử ciné. Lực sĩ Hoa Kỳ nghèo vì chính phủ không tài trợ huấn luyện. Năm 2014, Hiệp Hội Điền Kinh Hoa Kỳ làm một thống kê, họ khám phá 50% lực sĩ thuộc vào hạng "Top 10 - Mười người chạy nhanh nhất", làm tiền ít hơn $15,000 một năm.
Đây là phương cách lực sĩ Mỹ nghèo kiếm tiền để huấn luyện và tham dự tranh tài những bộ môn thể thao của mình:
1. Đi làm bình thường như người khác. Phần đông là part time, bán thời gian.
2. Bán bánh, kẹo, vitamin, mỹ phẩm... cho bạn bè, người thân.
3. Nhờ gia đình thân nhân bạn bè giúp đỡ tiền bạc.
4. Nếu khá trong môn thể thao của mình, xin tiền viện trợ của các công ty.
5. Nhờ hãng mình làm việc, hay các cửa tiệm địa phương trợ giúp.
Đây là thí dụ của Brandon Hudgins, lực sĩ chạy đua đường trường 1500m: Từ năm 2011 đến nay, Hudgins làm việc part time bán thời gian, lương tối thiểu $10/ 1 giờ, mỗi năm lãnh chỉ được $15,000 đến $18,000 dollars. Hudgins theo đuổi nghề chạy đua trong suốt 19 năm, và năm nay chưa chắc gì được tuyển vào đội Hoa Kỳ tham dự Rio: Đội tuyển Hoa Kỳ chỉ chọn ba người Nhất, Nhì, Ba, và Hudgins đứng hạng thứ 13. 
Không có tiền thì không thể nào giỏi về bộ môn thể thao của mình. Rất nhiều gia đình trung lưu, không kể bố mẹ phải tốn bao nhiêu thời gian đi theo với con cái, tốn bao nhiêu tiền ghi tên cho con đi học môn thể thao nó ưa thích, tốn tiền cho nó vào club, tốn tiền mướn huấn luyện viên, tốn tiền máy bay, hotel, ăn uống...Thành ra gia đình tư nhân thật sự bỏ tiền ra huấn luyện, mài dũa con cái của mình trong bộ môn thể thao nó ưa thích. 
Lực sĩ đại diện Hoa Kỳ tham dự Thế Vận Hội đúng nghĩa là "amateur- tài tử", chính mình phải bỏ thì giờ chính yếu tìm lợi tức sinh sống, chỉ huấn luyện khi có thời gian dư giã để tranh giải. Như thế thì làm sao giành phần thắng so với các quốc gia mà chính phủ tài trợ ngân quỹ huấn luyện Thế Vận Hội, và các quốc gia huấn luyện lực sĩ từ lúc bé tí teo 8, 9 tuổi như Nga hay Trung Quốc?
Mặc dù nghèo rớt mồng tơi, chí quyết tâm tập luyện ròng rã bao nhiêu năm trời để trở thành lực sĩ xuất sắc được tuyển vào Đội tuyển Hoa Kỳ tham dự Thế Vận Hội là một điều đáng phục. Ông Gordon Crawford, Chủ Tịch của U.S. Olympic và Paralympic Foundation, năm ngoái quyên được 28 triệu dollars cho U.S. Olympic Committee. Theo ông ta, chỉ cần hai triệu người Mỹ cho $100 dollars một năm là quỹ có 200 triệu dollars, dễ dàng trả tiền lương cho lực sĩ huấn luyện. Nếu quý vị muốn, xin cống hiến tiền ở trang web:
Nguyễn Tài Ngọc
August 2016

GHI CHÚ:
1. Thành phố Rio lâm vào tình trạng thảm họa tài chánh vì tổ chức Olympics: Tiền chi tiêu của Rio cho Olympics mấy tháng trước đây đã vượt hơn dự đoán hai tỷ dollars. Vào ngày 17-Tháng 6-2016, hai tháng trước khi Thế Vận Hội Rio khai mạc vào ngày 5 Tháng 8, Thống Đốc của tiểu bang Rio de Janerio tuyên bố thảm họa tài chính. Lý do tuyên bố thảm họa tài chính là để chính quyền có thể thay đổi ưu tiên ngân sách đối đầu với việc xây cất cho Olympics mà không vi phạm vào luật pháp quốc gia. Song song với lời tuyên bố này, Thống Đốc Rio de Janerio yêu cầu Tổng Thống Ba-Tây xuất ra 900 triệu dollars cho quỹ tiểu bang để đối phó với ngân quỹ thiếu hụt liên quan đến Thế Vận Hội. Trước đây, vì lý do thiếu hụt tiền bạc trầm trọng, Brazil đã yêu cầu lực sĩ tham dự Thế Vận Hội phải trả tiền điện bật máy lạnh!
2. Đội tuyển Điền Kinh Nga bị cấm tham dự Olympics: Bẩy tháng trước đây, theo lời đề nghị của Cơ Quan Thế Giới chống dùng thuốc kích thích WADA (World Anti-Doing Agency), Hiệp Hội Điền Kinh Thế Giới IAAF (Association of Athletics Federations) cấm đoàn lực sĩ Điền Kinh Nga tranh tài quốc tế. Nga chống án lên Tòa Trọng Tài Thể Thao Quốc Tế CAS (Court of Arbitration for Sport). Thế nhưng vào ngày 21-Tháng 7-2016, Tòa Trọng Tài Thể Thao Quốc Tế CAS tuyên bố là luật cấm bẩy tháng trước vẫn còn áp dụng cho Thế Vận Hội: Đoàn lực sĩ Điền Kinh Nga sẽ không được tham dự tranh tài ở Rio.
(Vào Chủ Nhật 25-Tháng 7, thay vì cấm tất cả phái đoàn lực sĩ Nga tham dự Olympics, Ủy Hội Thế Vận Hội Quốc Tế tuyên bố chỉ cấm Đội Điền Kinh của Nga, còn những đội thể thao Nga khác muốn tham dự thì phải chứng tỏ cho các Ủy Hội Thể Thao Thế Giới của từng bộ môn khác là mình không dùng thuốc kích thích). 
Cơ Quan Thế Giới chống dùng thuốc kích thích WADA (World Anti-Doing Agency) điều tra lực sĩ Nga dùng thuốc kích thích, tung ra bản tường trình kết luận:
a. Nga gian lận dùng thuốc kích thích trong nhiều năm nay. Sự gian lận này không phải ở tầm mức cá nhân mà dây chuyền lên đến huấn luyện viên, đến Cơ quan chống dùng thuốc kích thích Nga, và thậm chí đến hàng đầu trong viên chức chính phủ.
b. Tất cả lực sĩ Nga gian lận dùng thuốc kích thích. Lực sĩ Nga nào chống đối, không muốn dùng thì sẽ không được tuyển vào Hội Tuyển quốc gia (Huấn luyện viên Nga nói với lực sĩ là nước nào cũng gian lận, không phải chỉ một mình nước Nga). 
c. Cấm vĩnh viễn bốn huấn luyện viên cao cấp Nga, và Giám Đốc Ủy Hội Y Tế Thể Thao Nga tham dự giải quốc tế. 
d. Nga có thề gian lận dễ dàng vì Nga hối lộ cho nhân viên của Hiệp Hội Điền Kinh Thế Giới IAAF (Association of Athletics Federations).
Lý do Cơ Quan Thế Giới chống dùng thuốc kích thích WADA (World Anti-Doing Agency) có thể công bố bản tường trình khẳng định, kết luận sự gian lận Nga bắt đầu từ chính phủ cao cấp vì Grigory Rodchenkov, Giám Đốc Phòng thí nghiệm chống dùng thuốc kích thích của Nga vào Thế Vận Hội 2014 mùa Đông ở Sochi, Nga, thú nhận.

Dr. Grigory Rodchenkov, ảnh của Sportphoto.Ru/Epa

Rodchenkov nói với báo New York Times là với sự giúp đỡ của Công An Nga, ông ta đã thiết lập một hệ thống thử máu tránh điều tra. Rodchenkov cũng nói với chương trình "60 minutes" của Đài Truyền Hình CBS là nhân viên FSB của Nga (KGB là tên cũ, tương tự như FBI của Mỹ), giả dạng là dân sự làm việc cho Cơ Quan chống dùng thuốc kích thích ở Thế Vận Hội Sochi để có thể gian lận máu lực sĩ dễ dàng. 
Tháng 11 năm ngoái 2015, khi bị WADA hỏi xem 1417 mẫu máu lấy từ lực sĩ tham dự Sochi, Rodchenkov thủ tiêu tất cả. Sau đó,Rodchenkov bay sang Hoa Kỳ xin tỵ nạn chính trị, thốt lộ sự thật, hiện đang trốn tránh ở một thành phố Mỹ nào ở California.
Vào tháng 2 năm nay, hai người cựu Giám Đốc làm việc cho Cơ Quan chống dùng thuốc kích thích của Nga, Nikita Kamayev và Vyacheslav Sinev, chết một cách bí mật, cách nhau trong vòng chỉ hai tuần. Chính quyền Nga tuyên bố Kamayev, 52 tuổi, chết vì nhồi máu cơ tim khi đi trượt tuyết, còn nguyên do chết của Sinev, 58 tuổi, thì không công bố lý do.
(Vào ngày 18-Tháng 7, giáo sư dạy luật người Canada tên Richard McLaren, được WASA mướn để điều tra việc lực sĩ Nga dùng thuốc kích thích, đã công bố kết quả tường trình xác định là Thứ Trưởng Thể Thao Nga, nhân viên cao cấp của Ủy Ban Thế Vận Hội Nga, cùng với Công an Nga FSB (xưa là KGB), có nhúng tay vào việc tráo mẫu máu dùng thuốc kích thích của lực sĩ Nga ở cả hai Thế Vận Hội Sochi và Moscow). 
Ở những cuộc tranh tài thể thao có tầm mức quốc tế, lực sĩ thắng huy chương, và vài lực sĩ chọn đại, ngẫu nhiên, phải cho mẫu máu để nhân viên thử nghiệm xem trong máu có vết tích dùng chất thuốc kích thích hay không. Nếu có, họ sẽ bị tước huy chương, cấm không được tranh giải. Đây là cách Nga đã dùng để tránh khám phá lực sĩ của họ dùng thuốc kích thích:
a. Trước thời gian tranh giải, Nga lấy máu tất cả lực sĩ khi không một ai uống thuốc kích thích.
b. Chính quyền giữ lạnh những mẫu máu này.
c. Lực sĩ tiếp tục uống thuốc kích thích.
d. Ở Thế Vận Hội, lực sĩ Nga cho lấy máu mẫu như thường lệ.
e. Công An FSB nga (như FBI Mỹ), giả dạng làm cho Thế Vận Hội, đặt mẫu máu của lực sĩ Nga vào những lỗ hổng dấu kín trong tường.
f. Khi đêm xuống, Công An FSB Nga giả dạng là kỹ sư cầu cống, từ bên ngoài tường, chỉ cần thọc tay vào những lỗ hỗng dấu kín, lấy các chai đựng mẫu máu, và tráo lại với những mẫu máu không dùng thuốc kích thích đã lấy từ mấy tuần trước.

Nguyễn Tài Ngọc



Olympic 2016 và năm vụ tai nạn khủng khiếp
Thế vận hội Rio de Janeiro mới diễn ra bốn ngày nhưng đã có một số VĐV phải vào viện, và ba người có thể phải giã từ sự nghiệp vì chấn thương nghiêm trọng.

“Liệu đây có phải là kỳ Olympic nguy hiểm nhất từ trước tới nay?”, tờ Mirror (Anh) giật tiêu đề cho bài báo hôm 9/8. Ngay trong ba ngày thi đấu chính thức đầu tiên sau lễ khai mạc, một loạt chấn thương nguy hiểm đã xảy ra với các VĐV có tên tuổi, trong đó đáng chú ý nhất là các ca gãy chân, gãy xương đòn, gãy lưng và tổn thương cổ. Một vài sự cố xảy ra do lỗi kỹ thuật của chính các VĐV, nhưng cũng có cả những trường hợp xuất phát từ công tác tổ chức bị cho là nghèo nàn của chủ nhà.
Dưới đây là một số tai nạn ghê rợn đã xảy ra kể từ đầu Olympic Rio 2016.

Cua-rơ Nibali gãy xương đòn sau vụ va chạm trong cuộc đua đường trường.Trước cuộc đua xe đạp dài 237,5 km hôm thứ bảy 6/8, VĐV Chris Froome đã mô tả lộ trình lần này là tàn bạo nhất trong lịch sử Olympic. Và thực tế khốc liệt đã chứng minh nhận định đó. Vincenzo Nibali, một ứng viên sáng giá trước hành trình đua, dường như sẽ tranh chấp ngôi đầu với Sergio Henao, nhưng rồi cả hai đã gặp tai nạn khi va chạm và văng khỏi đường đua. Hậu quả là xương đòn của Nibali bị gãy.

Ứng viên HC vàng Van Vleuten bất tỉnh trên đường đua xe đạp nữ. Tay đua người Hà Lan bị hất khỏi xe ở khúc cua hẹp, dù cô rõ ràng đã chủ động hãm phanh, đập đầu vào lề đường bê tông. Cô nằm bất động trên đường khi đội y tế tới nơi, khiến ban đầu mọi người sợ rằng cô bị nguy hiểm tới tính mạng. Vleuten lập tức được đưa tới bệnh viện để cấp cứu, và sau đó được chẩn đoán có ba đoạn xương sống nhỏ bị gãy. Cua-rơ 33 tuổi đã lỡ thời cơ giành HC vàng, bởi lúc đó đang dẫn đầu khi còn cách đích 10 km. Các chuyên gia chỉ trích lộ trình đua này có những đoạn rất nguy hiểm nếu xảy ra va chạm.


Tai nạn khiến Van Vleuten ngã cắm đầu xuống vệ đường. (Độc giả cân nhắc trước khi xem).

Ait Said gãy gập chân kinh hoàng. VĐV thể dục người Pháp gãy ống chân, sau động tác tiếp đất lúng túng ở vòng loại nội dung nhảy ngựa nam. Những ai theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp thời điểm đó có thể nghe rõ cả tiếng xương vỡ. Tình hình nghiêm trọng hơn khi các nhân viên của ban tổ chức làm rơi cáng trong lúc cố gắng đưa Said lên xe cứu thương. Tai nạn của Ait Said khiến những người chứng kiến "rợn tóc gáy", theo tờ O'Globo của Brazil mô tả. Ngôi sao 26 tuổi này là một trong những VĐV nòng cốt của đội thể dục dụng cụ Pháp và được kỳ vọng sẽ giành huy chương.
Một VĐV thể dục khác, Andreas Toba, cũng chấn thương nặng khi bị đứt dây chằng trước trong nỗ lực đạt thành tích cao. Đồng đội của VĐV này chỉ trích hệ thống tính điểm mới của môn thể dục dụng cụ, gây hại cho các VĐV bởi họ phải cố gắng vượt giới hạn bản thân.


Said bị gãy chân với động tác tiếp đất. (Độc giả cân nhắc trước khi xem).

Ellie Downie tiếp đất bằng cổ. VĐV thể dục của Anh quốc đã gặp tai nạn kỳ quái trên sàn đấu. Cô ban đầu có màn trình diễn được đánh giá là mạnh mẽ và không lỗi, nhưng trong pha nhào lộn cô đột ngột không thể điều khiển cơ thể theo đúng kỹ thuật. Hậu quả là cô tiếp đất theo tư thế đầu và cổ cùng áp sát vào mặt thảm. Downie lập tức cố gắng dùng lực của chân để lật người kết thúc bài thi nhưng không thể.
“Tôi co rút cổ. Tôi cảm thấy chóng mặt khi cố gắng thực hiện động tác tiếp đất”, Downie cho biết sau khi được các HLV và đồng đội lao tới trợ giúp.

VĐV đua xe đạp Australia phải vào viện. Melissa Hoskins được đưa đi cấp cứu, sau một vụ va chạm trong khi tập luyện chỉ ba ngày trước cuộc đua xe đạp lòng chảo. Phát ngôn viên của Ủy ban Olympic Australia cho biết tai nạn này đã khiến bốn trong năm thành viên mạnh nhất của đội xe đạp lòng chảo không thể tiếp tục tranh tài.

No comments: