Thursday, August 11, 2016

TC xây căn cứ không quân tại Trường Sa




Đá Chữ thập vào 03/06/2016. (Ảnh của CSIS/AMTI Digital Globe)

Hình ảnh vệ tinh dường như cho thấy Trung Quốc đã xây nhà để máy bay trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông.

Hình ảnh, từ cuối tháng Bảy, được tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á đưa ra và dường như xác nhận rằng chiến đấu cơ của Trung Quốc có thể, tại một thời điểm nào đó, sẽ được triển khai tại Đá Vành Khăn, Subi và Chữ Thập.



Diễn biến này nhiều khả năng làm tăng căng thẳng với các nước láng giềng và Hoa Kỳ, là các bên nêu ra quan ngại về những gì họ gọi là “hoạt động quân sự hóa Biển Đông”, nhà phân tích Alexander Neill, từ Ban châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy tốc độ và quy mô rất lớn trong chiến dịch Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông, nơi chỉ mới hai năm trước còn là các rạn và đảo san hô.

Hình ảnh chụp cụ thể vào công trình các nhà để máy bay có thiết kế vững chắc để bảo vệ đội phi cơ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Hình ảnh cho thấy những gì?

Các hình ảnh này cho thấy ba căn cứ không quân mới được xây cất trên các đảo nhân tạo ở giai đoạn gần hoàn tất tại Quần đảo Trường Sa.

Đá Vành khăn, 22/07/2016. (Ảnh của CSIS/AMTI Digital Globe)

Đá Subi, 24/07/2016. (Ảnh của CSIS/AMTI Digital Globe)
Trên đảo còn gì khác?

Ngoài các khối nhà ở và các tòa nhà hành chính, hình ảnh cũng cho thấy một số cấu trúc lục giác chưa xác định được là để làm gì nằm hướng ra biển trên ba đảo. Mỗi hòn đảo có bốn cấu trúc hình thành ra một tập hợp hình thang.

Đá Subi, 24/07/2016. (Ảnh của CSIS/AMTI Digital Globe)

Đá Subi, 24/07/2016. (Ảnh của CSIS/AMTI Digital Globe)

Ngoài ra, mỗi đảo cũng có một nhóm ba tòa tháp bí ẩn. Người ta suy đoán rằng cấu trúc như vậy là thực ra là các chốt phòng không có thể để các giàn tên lửa đất-đối-không.

Ngoài các nhà để máy bay và các cơ sở phòng không, chúng ta cũng có thể thấy ba căn cứ hải quân sẵn sàng đi vào hoạt động, bao gồm cả các cơ sở bến lớn và cảng cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cảnh sát biển và các cơ quan thực thi luật hàng hải khác.
Điều này có ý nghĩa gì?

Trung Quốc đã tiến hành việc triển khai sức mạnh trong khu vực với việc mở rộng đáng kể năng lực hải quân và không quân.

Công trình quân sự này trên các hòn đảo cho thấy rằng chỉ trong vòng vài tháng, Trung Quốc sẽ đủ khả năng triển khai các đơn vị chiến đấu cơ trên các đảo với tổng số vào khoảng 80 chiếc – là sự bổ sung đáng gờm thêm vào khả năng hiện có của họ ở Biển Đông.

Ngoài ra, các căn cứ này có thể tiếp nhận phi cơ ném bom chiến lược của Trung Quốc như H6-K, phi cơ do thám và cảnh báo sớm, phi cơ vận tải và máy bay tiếp xăng.

Vì các căn cứ không quân như vậy dễ bị tấn công, Trung Quốc dường như đang triển khai một mạng lưới phòng không tinh vi và hạ tầng cho hoạt động chỉ huy và kiểm soát để bảo vệ các căn cứ trên những đảo mới này.


Nhưng Trung Quốc đã từng hứa sẽ không quân sự hóa Biển Đông?

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2015, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc không có ý định theo đuổi việc quân sự hóa quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, quan điểm của Trung Quốc là những hòn đảo mà họ tuyên bố chủ quyền và phạm vi biển trong đường chín đoạn là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc và cần phải có các biện pháp phòng vệ cần thiết.

Giới chức Mỹ nhanh chóng tìm cách để ông Tập bảo đảm một cách cụ thể hơn bao gồm toàn bộ khu vực Biển Đông. Các nhân vật cấp cao của Trung Quốc sau đó nhắc lại tuyên bố của ông Tập bằng việc diễn giải rằng các biện pháp phòng vệ cần tương xứng với mối đe dọa đến tính toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Bắc Kinh hiện đổ lỗi cho Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOPS) của Hải quân Mỹ là động thái làm leo thang quân sự ở Biển Đông, và là cái cớ để Bắc Kinh thực hiện các biện pháp phòng thủ trên các đảo nhân tạo mới.
Điều này có ý nghĩa gì đối với các nước láng giềng của Trung Quốc?

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ủng hộ Philippines mạnh mẽ, Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn chưa phản ứng gì trước sự xuất hiện của ba căn cứ không quân hiện đại của Trung Quốc hiện nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ông. Có lẽ là sẽ chẳng có chút phản ứng nào cả.

Hải quân Philippines gần như không tồn tại, vì vậy sự trông cậy duy nhất của Manila có thể là dựa vào hiệp ước phòng thủ với Hoa Kỳ, nhưng ông Duterte dường như kín tiếng trong động thái có quan hệ quá gần gũi với Washington.

Mặt khác Việt Nam, một nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – rõ ràng ít khoan dung hơn đối với các hoạt động của Bắc Kinh. Báo chí gần đây đưa tin Việt Nam đã triển khai giàn tên lửa di động hiện đại tại một số hòn đảo mà họ kiểm soát trong khu vực, và điều này có nghĩa là các đảo mới của Trung Quốc nằm trong phạm vi có thể bị bắn phá.

Thời điểm Bắc Kinh triển khai chiến đấu cơ, phi cơ ném bom và tên lửa phòng không trên các hòn đảo của họ là chưa rõ ràng, nhưng việc Việt Nam triển khai quân sự cũng sẽ trao cho Bắc Kinh cái cớ để tiếp tục triển khai vũ khí của họ tại Biển Đông trong tương lai.
Alexander Neill là Chuyên viên Cao cấp của Đối thoại Shangri-La, thuộc Ban châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/08/160811_china_hangars_scs_analysis




TQ c
ng cố căn cứ không quân ở Trường Sa - BBC Tiếng Việt
www.bbc.com
Ý kiến nói việc Việt Nam triển khai tên lửa ở Trường Sa trao cho Bắc Kinh cái cớ tăng cường vũ khí của họ tại Biển Đông.


TVQ Chuyen

No comments: