Tuesday, November 5, 2019

Đặng Ngọc Khảm – Kỷ niệm vui buồn trên HQ9610

HoangsaParacels: Qua ngòi bút dí dỏm của Đặng Ngọc Khảm  K 20 SQHQ/NT, chúng ta sẽ hình dung tấm lòng thiết tha với quân chủng anh phục vụ qua những ngỡ ngàng lúc ban đầu khi chuyển giao chiến hạm, gắn bó keo sơn tình với đồng đội.  Tình yêu quê hương, mong một ngày hòa bình với những đồng lúa xanh điểm vài hàng dừa ven sông dào dạt sức sống của một đất nước phát triển. 

Sau khi tốt nghiệp khóa 20 Trường Sĩ-quan Hải-quân Nha Trang, tôi chọn nhiệm sở Căn-cứ Yểm-trợ Tiếp-vận Đồng-Tâm. Tháng 8 năm 1970, tôi khăn gói xuống Mỹ Tho trình diện. Căn cứ Đồng Tâm nằm cách Mỹ tho khoảng 5 km cạnh sông Tiền Giang. Căn cứ này rất lớn, trong đó có cả bộ tư lệnh Sư Đoàn 7 bộ binh, các giang đoàn tuần thám, thủy bộ và các cơ quan an-ninh v.v…

Với quân phục chỉnh tề, tôi vào trình diện trung tá Đồng, chỉ huy trưởng căn cứ yểm trợ tiếp vận. Ông rất to con, hòa nhã. Sau vài câu hỏi thăm, ông cho tôi biết: tôi cùng 20 anh em thủy thủ được biệt phái xuống cơ xưởng nổi YRBM 17 của Mỹ thực tập để chuẩn bị tiếp nhận tàu do Mỹ bàn giao lại cho Hải quân Việt Nam. Sau khi sắp xếp đồ đạc tại phòng riêng trong căn cứ, tôi xuống trình diện vị thiếu tá chỉ huy trưởng Mỹ của cơ xưởng nổi đó. Trước khi bước lên tàu, tôi hoang mang, không hiểu tại sao tôi lại được biệt phái, đại diện HQVN xuống thực tập, trong khi tiếng Anh của tôi thuộc loại “tôi nói tôi hiểu, chứ Mỹ họ không hiểu hết”. Khi vào gặp vị chỉ huy trưởng Mỹ, tôi hơi run và ngượng ngùng. Ông bắt tay tôi, nói tràng giang đại hải. Tôi chẳng hiểu gì ráo, chỉ lẳng lặng thưởng thức dung nhan ông, bụng thì cười thầm. Qua ngày hôm sau tôi bắt đầu tìm hiểu cơ cấu tổ chức của tàu, các trang thiết bị, cùng thăm hỏi anh em thủy thủ Việt Nam thực tập tại đó. Một vị trung úy Mỹ theo tôi để hướng dẫn; tôi nghe được tiếng đực tiếng cái, cứ lúi húi ghi chép; anh ta tưởng tôi giỏi tiếng Anh lắm và nghĩ rằng tôi ít nói vì tôi chỉ gật đầu, nói “yes” hoặc lắc đầu, nói “no” thôi. Cái sướng nhất của tôi là được các thủy thủ Mỹ chào tôi bằng “SIR” khi gặp tôi; tôi cứ nghĩ sao mà mình vĩ đại thế!

Tới giờ ăn trưa tôi được thông báo tới phòng bếp để lấy thức ăn. Khi tới nơi tôi đã thấy sĩ quan từ chỉ huy trưởng trở xuống đang đưa khay để bồi gắp thức ăn vào. Hôm đó chúng tôi được ăn gà và khoai tây chiên. Sau khi bưng khay đồ ăn vào phòng ăn sĩ quan, tôi ngồi gần cuối bàn theo thứ tự quân giai. Đây là lần đầu tiên tôi phải dùng dao muỗng nỉa để ăn, tôi thấy thật khổ sở; tôi cứ âm thầm theo dõi họ sử dụng những thứ ấy như thế nào để bắt chước làm theo. Tôi muốn lấy hũ muối và tiêu ở gần đầu bàn mà chẳng biết nói làm sao nên tôi đành phải ăn lạt! Cái khổ nhất của tôi lúc đó là không biết làm sao ăn mấy cái đùi gà. Tôi để ý hầu hết những người khác chỉ ăn ức gà, chỉ có anh sĩ quan tiếp liệu ngồi gần tôi là có cả một cái ức gà lẫn một cái đùi gà. Tôi cứ câu giờ cắt khoai tây ăn trước, chờ xem anh ta “xử lý” cái đùi gà ra sao vì anh ta dùng dao cắt cái ức gà ăn trước. Tới khi ăn cái đùi gà, anh sử dụng bàn tay năm ngón; tôi mừng quýnh, chụp cái đùi gà chơi liền; tôi ở thế phải ăn nhanh vì lúc đó hầu như tất cả mọi người đều sắp ăn xong.

Hôm sau vào giờ ăn sáng các sĩ quan cứ ngồi tại phòng ăn, bồi phát mỗi người một tấm phiếu “order” thức ăn, muốn ăn gì thì điền vào. Tôi tò mò ghi vào hơn sáu món ăn trong đó tôi chỉ biết rõ hai món, đó là trứng và bánh mì. Sau đó, anh bồi bưng vào cho tôi một dĩa to gấp ba dĩa nguời khác, miệng mỉm cười. Khi trông thấy dĩa đồ ăn tôi muốn độn thổ vì trong đó có những thứ trái cây mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi ráng trợn trắng con mắt mà nuốt cho gần hết dĩa! Tuần lễ đầu tiên thật là vất vả; tôi vừa phải học từ ngữ tiếng Anh liên quan đến các cơ phận máy móc, vừa phải theo dõi họ điều hành sửa chữa tàu bè; đầu óc tôi lúc nào cũng muốn vỡ tung. Một hôm tôi chỉ thị cho anh thủy thủ Việt nam hàn lại cái “cylinder head” (đầu máy) bị nứt để ráp vào máy, vì xưa kia tôi vẫn thấy bố tôi làm như vậy. Anh trung sĩ Mỹ phụ trách toán cơ khí quay qua nói với tôi, tôi hiểu lờ mờ là anh muốn tôi cho thay cơ phận mới. Tôi muốn nói với anh ta rằng: hàn lại dùng vẫn được để tiết kiệm ngân quỹ. Tuy nhiên vì không biết diễn đạt ý nghĩ của tôi bằng tiếng Anh, tôi chỉ nói với anh ta một câu gọn bâng: “It’s OK!’’ Nghe xong anh ta liền bưng cái “cylinder head” quăng đùng xuống sông. Tôi giận tím mặt, bèn bỏ đi. Anh ta ngạc nhiên, bèn lẽo đẽo theo sau hỏi tôi: “What’s wrong, sir?” Tôi đứng lại hỏi tại sao anh ta làm như vậy. Anh trả lời: tại tôi nói “OK”. Tôi nói lại với anh ta ý nghĩ của tôi với sự phụ hoạ của đôi bàn tay; anh ta chợt hiểu ý muốn của tôi, cả hai cùng cười xòa. Sau hôm đó, anh cho tôi sách và tình nguyện dạy tôi học tiếng Anh. Vào mỗi tối anh dạy tôi học cách phát âm và tập cho tôi nói đúng chữ và đúng câu. Anh hỏi tôi có muốn nhờ anh mua máy cassette hay máy móc gì khác không, anh sẵn sàng mua giùm cho; tôi nói: tôi không cần. Được hai tuần lễ thì tôi không thấy anh đâu. Tôi hỏi viên sĩ quan cố vấn của tôi mới biết anh ta bị đổi đi đơn vị khác.

Khoảng một tháng sau, Bộ Chỉ-huy Yểm-trợ Tiếp-vận lần lượt bổ sung quân số để chuẩn bị tiếp nhận tàu. Tháng 12 năm 1970 tàu được bàn giao cho Hải quân Việt Nam và được đổi tên là: HQ 9610.

Tàu dài gần 100 thước, trọng tải trên 2,600 tấn; tàu không có máy vận hành và chân vịt nên không thể tự di chuyển được; tàu có máy phát điện, máy lọc nước biển; tàu có các hầm chứa nước và dầu rất lớn. Trên boong có một cần trục để câu giang đĩnh lên một sà lan cặp bên hông tàu, trên đó có gắn một bệ đỡ tuần giang đĩnh PBR. Đơn vị HQ 9610 được trang bị thêm một chiếc xe GMC để đi lãnh hàng tiếp liệu ở trung tâm tiếp liệu trong vòng thành Hải Quân Công Xưởng ở Sài Gòn. Tàu còn được trang bị một giang đĩnh vận chuyển LCM6 được dùng đưa rước thủy thủ và sĩ quan cơ hữu đi bờ và cũng được dùng trong việc chở hàng về tàu. Quân số đơn vị HQ 9610 khoảng 100 nhân viên. Hệ thống tổ chức và danh sách sĩ quan chỉ huy giai đoạn đầu như sau:
• Chỉ huy trưởng: HQ Đại úy CK Trần Minh Tuệ.
• Chỉ huy phó: HQ Trung úy CK Nguyễn văn Phong
• Trưởng ban nội vụ: HQ Chuẩn úy Đỗ Khắc Ân
• Trưởng ban tiếp liệu: HQ Chuẩn úy CK Trần Ken
• Phó ban tiếp liệu: Chuẩn úy Huỳnh Ngọc Ẩn (thuyên chuyển về năm 1971)
• Trưởng ban điều hành cơ xưởng: HQ Chuẩn úy CK Đặng Ngọc Khảm
• Phó Ban điều hành cơ xưởng: HQ Chuẩn úy Nguyễn Thế Vinh (thuyên chuyển về năm 1971).


Ban nội vụ gồm có: quản nội trưởng và toán hành chánh tài chánh và văn thư, toán truyền tin, toán ẩm thực và phòng y tá.
Ban tiếp liệu gồm có: toán nhiên liệu lo kiểm soát đo mức lượng dầu khi tiếp nhận dầu từ hoả-vận-hạm, báo cáo lượng dầu tồn kho hàng tháng và lo việc tiếp tế dầu cho các giang đĩnh hành quân, toán tiếp liệu lo nhận hàng từ trung tâm tiếp liệu Hải Quân và toán thủ kho lo nhập hàng vô kho và cấp phát cơ phận sửa chữa.
Ban điều hành cơ xưởng gồm có: toán vận chuyển, toán điện khí, toán điện tử, toán cơ khí, toán tiện, toán phòng tai và toán trọng pháo.
Sau khi bàn giao, HQ Mỹ lựu lại một sĩ quan cố vấn là Đại úy Bennett; vị cố vấn này xuề xòa, thân thiện, dễ hòa đồng. Sau đó, một vị cố vấn Mỹ khác đến thay thế; vị cố vấn thứ hai này là Thiếu tá Crawford có vẻ tương đối không thân thiện lắm.
HQ 9610 chính thức hoạt động từ tháng 12 năm 1970, phụ trách tiếp tế nhiên liệu, sửa chữa giang đĩnh thuộc các giang đoàn tham gia cuộc hành quân Trần Hưng Đạo với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên vùng thủy lộ sông Tiền-giang. Lực lượng hành quân gồm các giang tốc đĩnh PBR thuộc các giang đoàn 55, 56 tuần thám và các giang đĩnh Alfa, Tango, LCM, v.v…. thuộc các giang đoàn 71, 72 thủy bộ. Thỉnh thoảng đơn vị chúng tôi cũng nhận sửa chữa một vài chiếc PCF. Vào những tháng ngày đầu tiên, anh em thủy thủ luôn bận rộn và làm việc thật vất vả. Tôi ít khi mặc quân phục chỉnh tề, chẳng đeo lon lá gì cả, lăn lưng cùng anh em thủy thủ vật lộn với mấy chiếc giang đĩnh. Tôn chỉ của tôi là không để một giang đĩnh nào nằm ụ quá ba ngày, kể cả trường hợp phải thay máy khác, chỉ trừ tường hợp những chiếc PBR có vỏ bằng “fiberglass (sợi thủy tinh) bị bể phải vá lại. Trong trường hợp đó, tàu phải nằm ụ hơn một tuần vì mỗi ngày chúng tôi chỉ dán được một một lớp mỏng mà thôi, phải chờ keo khô rồi mới đắp lớp kế tiếp. Anh em thủy thủ phòng tai lo công tác vá tàu khi về đêm đều trở thành “nhạc sĩ bất đắc dĩ”, vì vào ban ngày họ phải mài vỏ giang đỉnh bằng máy khi lớp vá khô ráo. Chất bột thủy tinh của vỏ giang đĩnh dính vào da còn sót lại sau khi tắm rửa, khiến họ cảm thấy ngứa ngáy phải gãi giống như nhạc sĩ khảy đờn vậy.
Cơ phận thay thế được chuẩn úy Ken điều hành, cung cấp cho chúng tôi nhanh và đầy đủ nên công việc sửa chữa hoàn tất nhanh gọn và đúng kỹ thuật yêu cầu. Để giải khuây sau giờ làm việc mệt nhọc, tôi thiết kế một bàn ping-pong để anh em vui chơi vào giờ rảnh rỗi mà không được đi bờ. Nhờ vậy anh em trong đơn vị có dịp vui chơi chung, bớt đi cảnh buồn chán, nhất là khi tàu neo lẻ loi giữa giòng sông.
Đầu năm 1971, tàu được lệnh điều động xuống An Long, quận Hồng Ngự gần biên giới Căm-bu-chia tham gia yểm trợ cuộc hành quân Trần Hưng Đạo 18, có nhiệm vụ giữ gìn an ninh thủy lộ huyết mạch Tiền Giang, hộ tống các đoàn tàu buôn tiếp tế Căm-bu-chia. Tàu dòng kéo tàu chúng tôi đến vị trí neo, phải đợi chúng tôi bỏ neo xong mới quay đi. Chúng tôi toàn là dân cơ khí nên vấn đề bỏ neo chỉ biết phó thác cho Trời. “Ông bỏ thì ông cứ bỏ, neo này cắn thì tốt, không cắn thì ông phải bầm mình”; có lần sau mấy tuần bỏ neo, vào một đêm giông gió, tàu bị tróc neo trôi dạt về phía chợ Đồng Tiến thuộc quận Hồng Ngự, khu vực kém an ninh. May thay, chỉ huy phó Phong lanh trí kịp thời điều động LCM6 cơ hữu đẩy tàu trở lại vị trí cũ và neo cắn đất ngay lần thả neo thứ hai.
Chẳng bao lâu sau đó, bọn Việt Cộng từ phía bên kia bờ sông, miệt Hồng Ngự, nhắm hướng tàu đang neo giữa giòng pháo kích, nhưng tàu ở ngoài tầm pháo kích nên không hề hấn gì. Vì lý do đó, sau hơn hai tháng ở An Long Bộ Chỉ Huy Hành Quân ra lệnh kéo tàu về Tân Châu, một quận trù phú, an ninh của tỉnh Châu Đốc. Tàu chúng tôi neo giữa giòng sông, gần ngang Bộ Chỉ Huy Hành Quân Trần Hưng Đạo 18 trên bờ, cách quận lỵ Tân Châu vài cây số. Gần tàu chúng tôi là cơ xưởng nổi HQ 9611 đã yểm trợ sửa chữa cho cuộc hành quân ở đấy từ đầu, chờ chúng tôi đến thay thế để di chuyển về lại Đồng Tâm, tham gia yểm trợ cuộc hành quân Trần Hưng Đạo 17. Nếu tôi nhớ không lầm, Bộ Chỉ Huy Hành Quân đó đặt tại Mỹ Tho. HQ 9610 và HQ 9611 cứ khoảng một năm luân phiên thay nhau, được kéo đến yểm trợ hai vùng hành quân vừa nêu.
Nhờ đã quen với công việc trong thời học hỏi qua Hải quân Mỹ trước khi bàn giao, công tác yểm trợ sửa chữa và tiếp tế nhiên liệu của HQ 9610 cho các giang đoàn trong vùng hành quân thật hữu hiệu – nhanh chóng và tốt đẹp. Vì vậy HQ 9610 được Bộ Tư Lệnh Hành Quân khen thưởng xứng đáng. Tư lịnh Lực Lượng Đặc Nhiệm đảm nhận cuộc hành quân lúc đó là đại tá Nghiêm văn Phú. Một hôm có một chiếc giang tốc đĩnh PBR “mới cắt chỉ” cặp tàu chúng tôi xin sửa chữa. Tôi ngạc nhiên vì nó thuộc Hải quân Căm-bu-chia. Thuyền trưởng là một thiếu úy, nói tiếng Pháp trôi chảy. Anh ta không biết tiếng Anh, nên tôi phải bập bẹ tiếng Pháp với anh, nhưng tay tôi lại nói nhiều hơn miệng. Thế rồi mọi chuyện cũng đâu ra đấy, và công việc sửa chữa hoàn tất trong ngày. Anh ta cám ơn tôi rối rít.
Để tưởng thưởng công lao đóng góp của anh em thủy thủ tàu chúng tôi cho cuộc hành quân, vị tư lệnh đã cấp phép cho bốn anh em được tháp tùng theo các giang đĩnh hộ tống tàu buôn qua Nam Vang, thủ đô Cam-bu-chia, chơi mấy ngày. Đó là khích lệ lớn lao cho tinh thần phục vụ đắc lực của anh em. Tiện đây tôi xin có lời tôn vinh, ca ngợi tinh thần dấn thân vì tổ quốc của các bạn trẻ thủy thủ sát cánh làm việc với tôi. Các bạn đã sống lênh đênh trên sông nước tháng này qua tháng nọ, tâm trí bất ổn định, khẩu phần ăn uống thật khiêm nhường, nhưng các bạn làm việc thật cực nhọc; nhiều khi các bạn còn phải làm ban đêm để hoàn tất công tác sửa chữa các giang đĩnh đúng yêu cầu khẩn của vị chỉ huy trưởng giang đoàn. Có lúc phải làm việc giữa đêm, anh em thủy thủ phục vụ các giang đĩnh liên hệ đem khẩu phần lương khô của mình san sẻ với các anh em sửa chữa để làm đỡ đói lòng anh em phải làm việc khuya. Qua đó tôi thấy thấm thía thế nào là “tình huynh đệ chi binh” trong quân đội chúng ta. Tình “huynh đệ chi binh” đó khác hẳn tình “huynh đệ chi binh” của mấy anh bộ đội cộng sản mà ta thường nghe được sau ngày bọn chúng chiếm được miền Nam:
“Huynh đệ chi binh
Để kín mình rình
Để hở mình rinh”
Sở dĩ thủy thủ đoàn có tinh thần cao như vậy là nhờ sự chỉ huy khéo léo, mềm dẻo của sĩ quan điều hành. Từ chỉ huy trưởng trở xuống, chúng tôi coi nhau như anh em một nhà; khi làm việc thì làm việc hết mình, theo đúng nguyên tắc, có tôn ti trật tự rõ rệt. Vào giờ nghỉ thì cùng nhau vui chơi thoải mái, chia sẻ tâm sự buồn vui, tránh được tranh chấp bất đồng rất dễ xảy ra giữa các “ông thần lâu ngày thiếu bóng dáng đàn bà”. Có một điều đặc biệt là đơn vị HQ 9610 vì nhờ xa “mặt trời” nên thoải mái thực hiện một tuần làm việc chỉ có năm ngày, các thành viên trong đơn vị chia ra hai toán đi bờ luân phiên trong hai ngày cuối tuần: thứ bảy và chủ nhật; ngoài ra đơn vị còn chọn những nhân viên xuất sắc trong công việc, những nhân viên xuất sắc luân phiên được đi nghỉ phép đặc biệt vài ngày. Đó cũng là một trong những lý do khiến anh em trong đơn vị làm việc hết mình, đạt năng suất cao.
Ngoài giờ làm việc chúng tôi thường hay câu cá dọc theo sà lan tàu để giải khuây, kiếm thêm đồ nhậu. Dường như tôi không có số “sát cá”; tôi không khi nào câu được con cá nào hết. Một hôm các sĩ quan câu được mười con tôm càng mà không ai biết nhậu nên tôi tình nguyện làm tôm để nấu mì. Tôi rửa sạch râu ria, ngắt đầu để riêng. Tôi chia đều thân tôm cho mỗi tô mì; tôi chia thật nhiều phần đầu tôm cho các tô mì dành cho những ai có công câu được tôm như chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, chuẩn uý Ân; những tô dành cho những ai không câu được tôm như tôi thì chỉ có một đầu tôm thôi. Tối hôm đó chúng tôi mỗi người được ăn một tô mì thịnh soạn, tôm nhiều hơn mì; đến nửa đêm ai cũng chột bụng xếp hàng đi cầu; ai ăn nhiều đầu tôm chừng nào đi cầu nhiều chừng nấy. Sáng hôm sau chỉ huy trưởng Tuệ hỏi tôi: lúc làm tôm có lấy con hà – mồi để câu tôm – trong miệng tôm ra không. Tôi trả lời có ý phân bua rằng: “Từ lúc cha sanh mẹ đẻ tới giờ tôi có biết làm bếp gì đâu mà biết cái miệng tôm nó nằm ở chỗ nào; các sĩ quan lâu nay bị táo bón nhờ tôi trị bệnh khỏi phải tốn tiền rồi đấy!”
Ngoài công tác yểm trợ hành quân, chúng tôi cũng tham gia công tác dân vận, cấp thuốc cho dân, nếu cần. Tôi nhớ một buổi trưa nọ có một ghe cào chở ra tàu chúng tôi một người đàn ông miệng đang rỉ máu, vợ anh xin tôi cho chữa giùm; anh bị thương vì đã toan tự hủy mình. Tôi cho đưa anh lên phòng y tá làm thủ tục rửa ruột. Tôi hỏi nguyên do, chị vợ ngập ngừng không nói nên lời. Tôi hỏi nhằm muốn biết lý do để tìm cách khuyên giải anh ta. Hỏi mãi chị vợ mới thì thầm nói với tôi: Trong lúc đang làm rẫy, tự dưng con lợn lòng anh nổi lên, vì hai vợ chồng mới lấy nhau, anh bèn về nhà xin chị vợ “tò te”; chị không chịu; tức mình anh khui chai thuốc rầy “nhậu” cạn chai. May cho anh chồng nhờ chị vợ nhanh trí chở ra tàu chúng tôi ngay nên không sao, chứ chờ đi bệnh viện chắc đời anh “hai năm mươi”rồi! Thật đúng là: “thằng nhỏ” hại “thằng lớn”!
Nhân dịp tôi và Chuẩn uý Ken lên lon, chỉ huy trưởng cho tổ chức buổi lễ rửa lon cho chúng tôi. Riêng tôi vì thường xuyên vui đùa và cùng anh em trên tàu sinh hoạt thân mật, coi nhau như bạn bè. Chính vì vậy anh em thủy thủ, bàn tính với nhau từ trước, dội vào người tôi nguyên một “sô” (thùng) nước đá pha nước mắm ướt từ đầu đến chân vào buổi lễ rửa lon đó; ôi thôi, mùi nước đó hôi không thể chịu được! Buổi chung vui nho nhỏ đó tổ chức vào một buổi cuối tuần. Chỉ huy trưởng Tuệ thông báo cho anh em biết trước; ai có người quen ở Tân Châu cứ việc mời tới dự. Tôi đích thân hướng dẫn giang đĩnh LCM của tàu đi đón khoảng gần 50 người; có rất nhiều bóng hồng trong đám khách tới dự; anh em được dịp “thả dê” thoải mái.
Trong thời gian phục vụ tại HQ 9610, tôi có một kỷ niệm rất đau thương mà tôi không bao giờ quên, đó là trận “cáp duồn” đồng bào Việt nam cư ngụ ở Căm-bu-chia. Một ngày nọ tôi chứng kiến vài xác mất đầu trôi trên sông, nhiều khi vướng vào dây neo tàu, tôi phải cho người đẩy ra. Xác nào vô phước thì trôi ra biển; xác nào may mắn tấp vào cù lao thì được đồng bào đạo Hòa Hảo làm lễ an táng đàng hoàng. Vào thời đầu thâp niên 1970, hải quân Việt Nam đã đem một Dương vận hạm qua Căm-bu-chia để chở đồng bào Việt Nam về lại quê hương định cư ở các vùng gần biên giới; thành phần được chở về quê hương đó mới là những người thực sự may mắn.
Vào đầu năm 1972, sau hơn một năm yểm trợ hành quân, tàu chúng tôi được lệnh kéo về Đồng Tâm; HQ 9611 được kéo ra thay thế trước đó một thời gian. Khi được tin tàu sẽ được kéo về Đồng tâm, anh em thủy thủ trong đơn vị chúng tôi đều khấp khởi vui mừng, vì hầu hết nhà anh em đều ở Sài Gòn, Mỹ Tho hoặc Vĩnh Long; tiện hơn nữa chúng tôi còn được rời tàu dễ dàng, khỏi phải chờ đợi LMC đưa rước. Trên đường tàu được kéo về Đồng Tâm, nhìn cảnh ruộng vuờn xanh mướt, xen lẫn với nhừng hàng dừa sai trái và hàng cao thẳng tắp đẹp mắt hiện ra hai bên bờ sông Tiền, lòng tôi cảm thấy lâng lâng khó tả. Trong khi thả hồn với cảnh sông nước êm đềm đó, tôi ngẫm nghĩ: nếu một mai khi hoà bình trở lại, quê hương mình ắt sẽ được phát triển mạnh nhờ khai thác sâu rộng và đúng mức những vùng đất màu mỡ lúc đó hãy còn bị chiến tranh tàn phá, chắc hẳn người dân miền Nam sẽ hưởng được cuộc sống sung túc yên vui lắm! Nhưng không ngờ rằng sau khi cộng sản xâm chiếm toàn cõi Việt Nam, tình trạng kinh tế miền Nam lại tụt hậu; qua mấy chục năm rồi mà đất nước chúng ta chẳng được phát triển như tôi đã mường tượng thuở đó. Thật đáng tiếc lắm thay!
Khi tàu cặp cầu, bên hông thành tàu bị mỏ neo cày rách một lỗ to cần phải vá lại. Qua ngày hôm sau tôi được đi phép một ngày nên tôi chỉ thị cho thủy thủ Xuân thực hiện công tác này trước khi đi. Anh Xuân nhỏ con, tánh tình hiền lành, lễ độ; lúc nào tôi cũng thấy anh cười; tôi mến anh lắm. Anh là con trai lớn trong một gia đình gồm bảy người con ở tại Sài Gòn: gồm năm gái và hai trai. Ba má anh đặt tên con rất có vần. Em trai út của anh tên là Lòng; tôi hay đùa với anh, nếu má anh sanh thêm đứa nữa thì hãy đặt tên là Thòng cho nó có vần như sau: Hoa, Xuân, Xinh, Thắm, Mảnh, Tơ, Lòng …Thòng! Anh bảo nếu má anh sanh con gái mà đặt tên Thòng thì nghe kỳ quá! Qua một ngày đi phép, tôi trở lại đơn vị vào lúc sáng sớm thì được hung tin anh Xuân đã tử nạn lúc thi hành nhiệm vụ sửa chữa do tôi giao phó cho anh. Bầu không khí tang tóc bao trùm cả con tàu sáng hôm đó.Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh máu xương chiến sĩ hải quân đổ ra khi giang đĩnh kéo về sửa chữa sau trận chiến đấu để bảo vệ vùng đất tự do, nhưng chúng tôi không thể nén được nỗi xúc động khi chứng kiến chính đồng đội mình đã hy sinh. Tôi liền vào gặp chỉ huy trưởng, xin ông cho tôi được đích thân lo đám táng cho anh Xuân. Chỉ huy trưởng Tuệ cho xuất quĩ của đơn vị, đưa cho tôi một số tiền; tôi cùng sáu thủy thủ đi bằng xe GMC của đơn vị hướng về Sài Gòn lo ma chay cho anh Xuân. Vừa tới nơi, tôi liền liên lạc ngay với Bộ Chỉ Huy Yểm-trợ Tiếp-vận xin cung cấp xe tang, một người lính kèn để thổi những dòng nhạc vĩnh biệt khi hạ huyệt và một nữ quân nhân phụ trách tiếp tân. Tôi dự định tổ chức một đám tang theo nghi lễ quân cách long trọng: lúc nào cũng có hai thủy thủ mặc quân phục tiểu lễ đứng hai bên quan tài. Tôi túc trực tại nhà anh Xuân từ sáng tới tối để lo nhang đèn, tiếp tân và an ủi mọi người trong nhà. Nghe những lời than khóc của mẹ anh Xuân mà tôi cảm thấy như đứt từng khúc ruột. Ba ngày sau, chúng tôi tất cả đều mặc quân phục tiểu lễ khi đưa linh cữu anh Xuân đến nơi an nghĩ cuối cùng với nghi thức chào kính vĩnh biệt của anh em chúng tôi trong tiếng kèn buồn. Sau đám tang, gia đình anh Xuân khẩn khoản mời chúng tôi ở lại dùng cơm. Trong bữa cơm đó, cha của anh Xuân tâm sự với tôi: mặc dù lòng ông buồn vô hạn nhưng đám tang được anh em chúng tôi tổ chức quá trang trọng nên ông cũng như tất cả họ hàng đều rất cảm động và họ cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Khi tàu về Đồng Tâm được vài tháng thì tôi nhận được lệnh thuyên chuyển về HQ 504. Những ngày cuối còn ở trên tàu, lòng tôi cảm thầy thật buồn, đi đâu anh em cũng than: “Ông thầy đi, tụi tui buồn lằm!” Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, các kỷ niệm vui buồn trên HQ 9610 thật là đậm nét, không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi. Tuy chúng tôi không trực diện chiến đấu với quân địch, nhưng anh em chúng tôi luôn luôn âm thầm tranh đấu với bản thân đem hết khả năng, sức lực để làm việc hầu bảo đảm an toàn cho các giang đĩnh hành quân diệt địch. Trước khi kết thúc bài viết này, tôi xin được ghi thêm hai câu sau đây:

“Vinh danh bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ Việt Nam
Vinh danh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã nằm xuống vì hai chữ tự do.” ……….

đặng ngọc khảm


No comments: