Wednesday, November 27, 2019

Hồi Ký: HẢI ĐẢO TRƯỜNG-SA - Ðoàn Xuyên Sơn


A. HẮC-QUY 3 (HQ-3): Hôm ấy là một ngày đáng ghi- nhớ, ngày ngưng- chiến,ngày chào-mừng Hiệp-Định Paris, ngày 27 tháng 1 năm 1973. Tôi là sĩ- quan trực của chiến- hạm, đại-diện cho Hạm-Trưởng để xử-lý những việc thường-vụ khi tàu nằm bến. Tàu đang nằm tại cầu B, trước cửa trại Bạch-Đằng 2. HQ-3,Tuần-Dương- Hạm Trần-Nhật-Duật. Thủy-thủ đoàn gồm 30 sĩ-quan, 200 hạ-sĩ-quan và đoàn-viên. Hạm-Trưởng là Hải- Quân Trung- Tá Nguyễn-Kim-Triệu.
Để chào-mừng Hiệp-Định Paris, sau lễ thượng-kỳ lúc 8 giờ,mỗi chiến-hạm được lệnh kéo lên ba hồi còi dài. Từng hồi còi nối tiếp nhau rền-rĩ cả một góc trời, từ Tân-Cảng ra Thủ-Thiêm, rồi Kho- Năm,Nhà-Bè. Mỗi hồi còi có một âm-sắc khác-biệt, tạo thành một âm-hưởng vui,buồn lẫn lộn. Có những hồi còi nghe rộn-rã, có những hồi còi nghe vui-tươi, có những hồi còi nghe ảm-đạm. Những hồi còi rền-rĩ đó đã thúc đẩy khiến cho bến Bạch-Đằng rộn-rịp,tấp-nập khác thường. Đường phố, ghế đá, gốc dừa, bãi đậu xe đầy nghẹt thân-nhân và gia-đình thủy-thủ của nhiều tàu được về nằm bến cùng một lúc. 

Tôi lên đài chỉ-huy để quan-sát tình-hình. Cảm-hứng trước không-khí nhộn-nhịp đó, tôi cho ban Giám-Lộ kéo lên một dây cờ bốn lá mang tên của chiến- hạm. Bốn lá cờ màu sắc sặc-sỡ tung bay trong gió. Đó là tên của HQ-3 được đăng-ký trong sổ Bộ-Đời của khối NATO. Mỗi chiến-hạm là một đơn-vị của thế-giới tự-do, có danh-hiệu riêng để cho bạn Đồng-Minh nhận biết. Hai lá cờ phía trên là tên chung cho VNCH, quốc-tịch. Hai lá cờ dưới là tên của đơn-vị, HQ-3. 

Hôm nay, trên bến, người nhộn-nhịp rộn-ràng. Những tà áo dài tha-thướt muôn-màu, chen lẫn những tiếng cười đùa rộn-rã của trẻ thơ.Tiếng radio vang lên những bản nhạc vui của ngày tàn cuộc chiến 

"Tiếng ... chim hót vang lừng Tiếng... ca múa tưng-bừng Ngày chinh-chiến ... tan rồi Nắng reo ... khắp nơi". Trên tàu, người chộn-rộn, háo-hức,không ai muốn làm việc lúc này.Từng nhóm tụ ba, tụ năm bàn- bạc, nghe-ngóng, saün-sàng để Zulu (dọt). Đời thủy-thủ không được nhiều thì-giờ cho gia-đình, cho hạnh-phúc riêng tư. Tàu lớn cỡ HQ-3 này, thường ra đi vài ba tháng mới trở về bến cũ! Vài ba tháng không tin-tức, không thơ- từ, không hình-ảnh là một khoảng thời-gian dài biền-biệt cho gia- đình, cho vợ con, cho đời người, cho chinh-phụ, cho chinh-phu ... 

Trải vách quế, gió vàng hiu-hắt Mảnh nhung-y lạnh ngắt như đồng Rồi khi tàu về bến cũng không được thong-thả, tự-do nhiều.Phải làm việc như một đơn-vị tại bờ từ 8 sáng tới 5 giờ chiều. Ban đêm cũng không được ngủ nhà trọn vẹn, phải trực tả, hữu. Một đêm trực phải ngủ tại tàu, một đêm được ngủ tại nhà. Những ràng-buộc khó-khăn đó phát xuất từ lý-do an-ninh hay lý- do gì đó ... Mig 21 của Bắc-Việt có thể vào đây oanh-tạc bất cứ lúc nào! Tàu phải rời bến kịp thời, phải di-chuyển sẵn-sàng để bắn hạ những chàng phi- công làm chính-trị khi họ oanh-tạc dinh Độc-Lập như bài học của Nguyễn-văn-Cử, Phạm-phú-Quốc trước đây. những lý-do mơ- hồ đó đã đè nặng lên hạnh-phúc của người thủy-thủ. 

Tôi thông-cảm những nỗi niềm đó! Tôi muốn cho họ tận-hưởng hạnh-phúc gia-đình trong những ngày ngắn-ngủi mà tàu được về nằm bến. Nhưng cũng phải có giới-hạn vì tôi cũng cần có người để làm tròn nhiệm-vụ sĩ-quan trực. Nhiệm-vụ này đối với tôi cũng không khó-khăn lắm.Tôi đã từng nắm tàu nhỏ trước khi đổi về đây. Tôi có thể điều-động con tàu đồ-sộ này ra đi với số người nòng-cốt tối-thiểu. HQ-3 là một chiến-hạm có 7 tầng, dài 330 feet, đài chỉ-huy cao hơn những đọt dừa trên bến Bạch-Đằng, có cả ngàn phòng lớn nhỏ mà những ngày đầu về đây tôi thường đi lạc. Nó to lớn đồ-sộ như một cao-ốc. Muốn vận-chuyển con tàu này trong sông Saigon không phải là một chuyện dễ-dàng. Tôi cũng không ngán những chàng phi-công làm chánh-trị. Tàu có đủ thứ đại-bác phòng không. Đại-bác 20 ly loại mới có thể bắn hàng trăm phát một phút. Đạn sẽ nổ khi đến tầm 3,600 yard, tạo thành một màng lưới dày đặc miểng đạn gọi là lưới lửa. Đó là nguyên- tắc của phòng- không. Bắn không cần nhắm, bắn để tạo thành lưới lửa. Như dùng lưới để bắt cá. Lưới lửa sẽ bắt máy bay. 

Hạm-trưởng, Hạm- phó chưa có mặt. Có công-tác gì đó, hoặc là lặn. Hạm-trưởng đang là một người đau-khổ vì bệnh trĩ. Đó là bệnh của Hải-Quân sau những tháng ngày lênh-đênh thiếu điều-kiện ăn rau cải, ăn chất xanh để giúp nhuận-trường. Đi công-tác, ông thủ theo cả chục hộp Preparation H. Về bến, ông phải lui tới bệnh-xá. Hạm-phó, Hải-Quân Thiếu-Tá Nguyễn-hoài- Bích cũng đang bệnh-hoạn. Cũng là bệnh của Hải-Quân. Ông đã nhận chìm một chiếc tàu buôn lớn do chính ông làm Thuyền-Trưởng. Cách đây không lâu, ông là sĩ-quan ưu-tú của khóa 11 được tuyển về lái tàu buôn. Đời ông lên hương. Lái tàu buôn nhàn-hạ. Đi vài ba ngày là vào bến. Lại có tiền còm rủng-rỉnh. Nhưng chẳng được bao lâu,tàu ông leo lên đá, leo lên cục đá ngầm ở ngoài khơi Phan-Thiết. Tàu chìm-lĩm. Thầy trò lội lóp-ngóp, được ghe đánh cá vớt lên. Đi xe đò về Saigon trình-diện. Cục đá này nhỏ xíu nằm giữa trời nước bao-la. Ai chán đời muốn tìm nó leo lên cũng là chuyện khó. Thế mà tàu ông đã đụng vào nó. Định-mệnh xui-xẻo khiến ông mất hết tin cậy, bị trả về Hải-Quân, phải làm Phó nhiều năm. Ông không được vui trong số -mệnh của mình nên bất cần đời. Ông thường uỷ-thác mọi chuyện cho sĩ-quan trực khi tàu nằm bến. Làm sao để Hạm-Đội đừng khiển-trách là được rồi. Tôi nắm vững những yếu-tố đó nên tôi thường dễ-dãi với nhân- viên của tàu trong những ngày trực. 

Tôi cho đọc lệnh trên máy phóng- thanh truyền đi khắp tàu: -Lệnh của Sĩ-Quan Trực: Phân đội không trực được đi đến 8 giờ sáng hôm sau. Ai cần giấy phép thì đến phòng Nội-Vụ. Phân đội trực chờ lệnh mới lúc 11 giờ. Trong trường-hợp khẩn-cấp, ai muốn đi phải có người thay-thế. 

Họ túa đi như một đoàn cua-rơ sau hồi súng lệnh. Tiếng xe gắn máy nổ rền trời hòa lẫn tiếng kêu hò la-hét. Rồi ngay sau đoàn cua-rơ vừa mới khởi đi là toán lội bộ lên đường. Đây là người của phân-đội trực tháp-tùng theo một cách không chính-thức. Họ đi ăn phở, uống cà-phê, rửa con mắt rồi sẽ trở về tàu chờ lệnh mới. Trường-hợp khẩn cũng có. Hạ-sĩ Đạt lấp-ló ở cầu thang, bước lên chào kính, miệng nở nụ cười cầu-tài: 

-Trung-úy, em kẹt quá ...Con đào của em ở Nha-Trang mới vào hôm qua. -Anh không được đi. Tôi lạnh-lùng: -Có chuyện gì ai quay tay lái con tàu này. Muốn đi phải có người thay-thế. - Có rồi Trung-Úy. Thằng Sơn nó thế em. Thủy-thủ Sơn từ phía sau bước lên, mặt tiu-nghỉu: - Em cũng có nhiều mối lắm, nhưng chỗ bạn bè phải gồng cho nó. -Phải làm ăn đàng- hoàng. Lôi thôi tôi nhốt cả hai đứa. -Tụi này điệu-nghệ mà Trung-Úy. Hạ-sĩ Đạt cười rạng-rỡ lui ra. Hai thằng này tôi coi như em ruột của tôi. Cả hai đều có Tú-Tài I, là những nhân-viên xuất-sắc. Nếu chịu đi Thủ-Đức thì đường binh-nghiệp sẽ sáng-sủa hơn. 

Tôi châm một điếu thuốc lá, nhìn theo làn khói, nhìn xuống những tà áo màu trên đường phố, nghĩ đến thân-phận của mình. Sẽ làm gì trong tình thế này của đất nước, chiến-tranh đã thực sự chấm-dứt hay chưa? Một cuộc ngưng bắn Da Beo như thế nào? Quốc-sách "4 không" ra sao?! Không sợ CS, không phục CS, không tin CS, không sống chung với CS. Quốc-Gia và Cộng-Sản không thể sống cùng một nơi, không thể sống chung trong một xã, không thể sống chung trong một huyện, không thể sống chung trong một tỉnh. Vậy thì sống ở đâu khi giải-ngũ?! Sống ở đâu khi mà nơi nào cũng có CS, nơi nào cũng có Quốc-Gia? Cuộc sống như vậy sẽ không có an-cư lạc-nghiệp! Cuộc ngưng chiến này đầy mâu- thuẫn. Dường như chỉ là tạm-bợ. Người Mỹ và các bạn Đồng-Minh đang rút đi. Trong tương-lai, miền Nam có đủ sức tự-túc tự-cường để đối đầu với CS hay không? 

Con tàu HQ-3 này lấy đầy dầu là 250 ngàn ga-lông.Mỗi viên đạn 5 inches trị-giá mấy chục đô-la, bằng lương tháng của một người. Gần đây, chính-phủ nói nhiều đến kinh-tế hậu-chiến. Tiêu-điểm chính là dầu-hỏa. Phải có nhiều dầu-hỏa như Nam-Dương. Công tác của các chiến-hạm trong những ngày sắp tới là công-tác dầu-hỏa. 


* * * 



  B- ĐƯỜNG RA ĐẢO NAMYIT: Chẳng bao lâu sau ngày ngưng-chiến, HQ-3 khởi-hành đi Trường-Sa trong công-tác dầu-hỏa. ra khỏi Vũng-Tàu, chúng tôi theo hướng Đông trực chỉ, hướng về hải-đảo Trường-Sa. Đây là một hòn đảo nhỏ tí-teo nằm giữa trời nước bao-la gần đảo Palawan của Phi-Luật-Tân. Trường-Sa nằm ở phía Đông của Vũng-Tàu khoảng 800 cây-số,gần đảo Palawan của Phi hơn, khoảng 400 cây-số. 


Vùng biển từ Trường-Sa vào Palawan chạy dọc xuống đến đảo Brunei của Mã-Lai là một vùng mênh-mông có rất nhiều đá ngầm, ít người qua lại. Vùng biển đó được gọi là quần-đảo Trường-Sa (Spratly Island). Đá ngầm là phần đỉnh núi, phần trên cao nhất của núi chìm dưới nước. Chân núi thì ở dưới sâu một hai ngàn thước, còn đỉnh núi thì ở gần mặt nước. Nhiều đỉnh núi của những núi chìm này rất nhỏ, vài chục cây- số vuông, ở lấp-xấp mặt nước, gọi là Rạng (reef), rất nguy hại cho tàu bè. nhiều tàu buôn đã vướng lên rạng. Thân tàu bể nát, chỉ còn được phần nổi phía trên. Hư hại quá nặng không còn có thể sửa-chữa hoặc kéo đi được nữa, trở thành những xác tàu nằm trơ cùng tuế-nguyệt, giữa trời nước bao- la. Quần-đảo Trường-Sa có rất nhiều xác tàu buôn. Nhiều chiếc lớn hơn những chiếc tàu Trường-Thành, Trường-Hải, Trường-Xuân của Vishipcoline. 

Cũng có những núi chìm mà phần đỉnh núi rất lớn, vài trăm cây-số vuông, cỡ diện-tích của một tỉnh, ở dưới mặt nước chín mười thước. Những chỗ đó được gọi là Băn (Bank). Băng khác với Rạng là có những chỗ nổi cao hơn mặt nước, nhìn thấy được, gọi là Đảo hay Hòn (Island). Hòn thì đúng hơn vì nó thường nhỏ và thấp. Một trong những Băng lớn của quần-đảo Trường-Sa là Tizard, rộng khoảng 30 cây-số, dài khoảng 60 cây-số và ở dưới mặt nước khoảng 10 thước. Có hai cao điểm: Phía Bắc là hòn Itu Aba, cao hơn mặt nước vài chục thước, rộng vài chục cây-số vuông, có cây cối rậm-rạp. Người Phi đã có mặt ở đây từ lâu. Phía Nam cách Itu Aba 30 cây-số là hòn Namyit. Hòn này thấp hơn, chỉ cao hơn mặt nước vài thước và nhỏ, chỉ đủ để lập nên một thôn xóm vài chục nóc gia. Người Việt mới đặt chân đến đây vài năm trên đường đi tìm dầu-hỏa và đặt tên nó là hải- đảo Trường-Sa. 

Từ Vũng-Tàu ra khơi khoảng 40 cây-số, đáy biển sâu dần đến 4 ngàn thước, kéo dài khoảng 100 cây-số, rồi đáy biển cạn dần khi gần đến Trường-Sa. Theo quyền-lợi về thềm lục-địa thì từ chỗ sâu nhất này trở về VN là quyền-lợi của VN. Từ chỗ sâu nhất này đến đảo Itu Aba và Trường-Sa là của Phi. Nhưng người Phi không phản-đối khi VN đổ-bộ lên Namyit. Nước Phi có hàng ngàn đảo lớn nhỏ. Từ đảo lớn là Palawan ra tới Itu Aba và Trường-Sa hơn 400 cây-số. Khoảng giữa đó còn có hàng trăm đảo khác. Thế có lẽ từ lâu họ đã chọn Itu Aba là biên-giới xa vời nhất về phía Tây. Itu Aba là một tiền-đồn biên-giới của họ. VN đến mở tiền-đồn biên-giới của mình tại Namyit ngay cạnh họ cũng là điều hợp-lý. 

* * * 

Gần 6 giờ chiều thì HQ-3 đi ngang cù-lao Thu. Đây là một đảo lớn cách Vũng-Tàu 200 cây-số về phía Đông, cách mũi Dinh của tỉnh Ninh-Thuận (Phan-Rang) 70 cây-số về phía Nam. Đảo này còn có tên là đảo Phú-Quý, có dân số độ 3 ngàn người, đa số là hậu-duệ của những tùy-tùng theo vua Gia-Long trong thời- kỳ tẩu- quốc. Nhiều tàu tiếp-tế cho giàn khoan Bạch-Hổ và nhiều tàu thăm dò dầu-hỏa thường ghé vào đây. Nếu vùng này có mỏ dầu lớn thì chẳng bao lâu đảo này sẽ trở thành phú-quí thật sự như cái tên của nó. 




Tôi lên đài chỉ-huy để định vị-trí của tàu lúc 18 giờ trước khi trời tối. Tôi là sĩ- quan hải-hành có nhiệm-vụ định vị-trí để từ đó vẽ ra hải-đồ hướng đi đến Trường-Sa. Tôi dùng la-bàn điện đo hướng của cù-lao Thu và hai hòn nhỏ. Trên hải-đồ, từ ba điểm mà tôi đã đo, tôi vẽ ra ba đường thẳng theo những con số mà tôi đo được. Giao điểm cây-số, chỗ sâu nhất của thềm lục-địa Việt-Phi. Nơi đây có một dòng nước mạnh thường đẩy tàu trôi dạt đi vài ba chục cây-số trong một đêm. Phải chờ đến tờ-mờ sáng hôm sau mới có thể đo những vì sao trên trời, tìm lại vị-trí chính-xác của mình. Cách này gọi là Hàng-Hải Thiên-Văn. Trái đất thì xoay tròn, sao trời thì đứng yên. Người ta thấy sao mọc ở phương Đông rồi lặn ở phương Tây, cho nên vào một giờ nào đó, một vì sao đang đi ngang nơi đâu, đi ngang kinh-tuyến nào, kinh-tuyến ấy mấy độ đã được khoa Thiên-Văn tính sẵn. Sao trở thành điểm chuẩn, để từ đó định vị-trí cho tàu. Đo sao là đo độ của góc từ đường chân trời lên đến vì sao. Biết được góc đó, sẽ suy ra được kinh-tuyến mấy độ, của chỗ mình đang đứng. Dụng-cụ để đo rất giản-dị, có tên là Sextan, gồm một ống ngắm, bắt trên một vòng chia độ và một bộ phận điều-chỉnh theo giờ quốc-tế được phát đi từ đài thiên- văn ở Greenwich của nước Anh. Đồng hồ này thường được để yên một chỗ cho khỏi bị sóng gió làm đổ bể. Do đó, có thêm một 

đồng hồ nhỏ chỉ phút, giống như đồng hồ của dân chơi thể-thao, có thể đeo trên ngực cho tiện-lợi. Gần đến lúc đo thì bấm cho đồng hồ nhỏ chạy theo giờ nào đó của đồng hồ lớn. Sau khi đo thì cộng thời-gian sai-biệt vào, sẽ được giờ chính-xác lúc đo sao.Hàng-Hải Thiên-Văn đã có từ lâu đời, rất hữu-hiệu cho người đi biển. Nó đang được thay-thế dần bằng khoa-học mới là LORAN,chữ viết tắt của Long Range Navigation. Khoa này dùng sóng điện từ phát đi tín-hiệu như đài phát-thanh, giúp cho tàu bè đi xa bờ tìm được vị- trí bất cứ lúc nào và trong mọi thời-tiết. 

Muốn đo được một vì sao thì phải vừa nhìn thấy sao, vừa nhìn thấy rõ đường chân trời. Ban đêm nhìn thấy sao rất rõ, nhưng không nhìn thấy được đường chân trời. Ban ngày thì ngược lại, cho nên chỉ đo được sao lúc bình-minh và hoàng-hôn. Sau khi định vị-trí lúc 18 giờ, tôi gọi thượng-sĩ Tấn lên phụ giúp để định vị-trí của tàu lúc hoàng-hôn bằng thiên-văn. Dợt lại nghề và saün-sàng để định vị-trí lúc bình-minh hôm sau.Sáng hôm sau phải có vị-trí chính-xác. Chắc-chắn tàu sẽ bị đẩy dạt đi rất nhiều, cách rất xa vị-trí phỏng-định. Thượng-sĩ Tấn sống lâu trong nghề đã chuẩn bị sẵn- sàng phần hành của ông ấy. Nghề đo sao trời này trật một ly sẽ đi một dặm.Quay trật một ly trên vòng điều-chỉnh độ cao, sẽ trật đi một dặm trên biển. Trật đi một phút trong giờ đo, cũng trật đi một dặm trên biển. 

- Chuyến đi này hơi ưu-tư hả trung-uý? - Ơ, tôi mới đi lần đầu. Ông ra đây lần nào chưa? - Chưa! Thượng-sĩ Tấn lắc đầu nói tiếp: - Tôi phụ tá cho trung-uý Tuấn lãnh tàu này về từ bên Mỹ. Đã đi khắp trời, nhưng chưa vùng nào thiếu tài-liệu như vùng này. Nhiều sĩ-quan trẻ không bận đi ca cũng lên dợt nghề đo sao. 

Trung-uý Màng thắc-mắc: - Ông Sơn, những hải-đồ vùng này đều bị đóng dấu hủy-bỏ (cancelled), Ông coi có xài được không? - Cũng hơi kỳ, trung-uý Triết góp-ý. 

- Chắc là lý-do chính-trị. HQ-2 đang nằm trong đó. Khuya nay lên ca tôi sẽ gọi hỏi họ xem tình- hình ra sao? 

Thượng-sĩ Tấn phân-trần: - Tôi lên Bộ Tư-Lệnh lãnh hải-đồ nghe nói cố-vấn Mỹ không muốn mình đến Trường-Sa, nên tất cả hải-đồ vùng này đều bị đóng dấu hủy bỏ. 

Thiếu-uý Phổ chen vào: - Kế-hoạch dầu-hỏa có vẻ xa-vời. Đức Phật có nói:"đắc thất tùy duyên, tâm vô tâm vấn". Có nghĩa là chuyện mình muốn làm, thành-công hay thất-bại đã là một sự sắp-xếp saün của trời đất.Tin hay không tin thì nó cũng xảy ra theo ý trời.Thiếu-uý Phổ là dân làng Tri-Thủy, cùng quê với Tổng-Thống Thiệu, anh ta học được ở đâu nghề xem tử-vi rất cao, người trên tàu thường gọi anh ta là thầy Phổ. Trung-uý Màng, Trung-uý Triết là tài nguyên của khóa 20 bị tổng-động-viên sau Tết Mậu-Thân. Lúc đó trường Nha-Trang không đủ chỗ nên Hải-Quân gửi người đi học khắp nơi, đi Mỹ, đi Úc, đi Thủ-Đức. Nhận định của họ trong sáng hơn các đàn anh. Người Mỹ rút đi để lại nhiều khó-khăn. Tài-liệu không được nhật-tu. 

- Cuốn sách cần-thiết cho Hàng-Hải Thiên-Văn là Niên-Lịch Hàng-Hải giờ này chưa thấy gửi đến. Tiếp-liệu dầu nhớt, đạn-dược rồi đây chắc cũng sẽ khan-hiếm dần. 

- Quý-vị nói đúng. Tôi góp-ý: - Nhiều chuyện đã xảy ra làm ngạc-nhiên mọi người. Nhưng chuyện hải-hành của tụi mình thì không có gì đáng lo. Nếu tàu leo lên đá không có ghi trong hải-đồ thì không phải lỗi tại mình. Chúng ta sẽ về Duyên-đoàn, Giang-đoàn, thú-vị hơn và có vẻ lợi-ích hơn. 

Trung-uý Màng đồng-tình: - Đúng vậy, tôi đã ở 62 Tuần-thám hai năm, đánh đấm tưng-bừng. Nguy-hiểm hơn nhưng vui hơn ở đây. 

* * * 

9 giờ tối tôi trở lên đài chỉ-huy. HQ-3 sắp đi đến con đường hàng-hải quốc-tế Singapore- Hongkong. Đây là đường hàng-hải quốc-tế nối liền Âu-châu và Viễn-đông- Tàu từ Âu-châu vào Ấn-Độ Dương, theo đường Malacca giữa Mã-lai và Nam-dương để đến Singapore, rồi theo đường này đến các nước Viễn-đông. Chỗ gần bờ Việt-nam nhất là mũi Dinh, cách xa khoảng 70 hải-lý (170 cây-số). Tàu bè qua lại tấp-nập, đủ mọi quốc-tịch. Rất nhiều tàu của các xứ Bắc-âu mang nặng dòng máu của Viking, tàu của Ý, tàu của Mỹ, tàu của Panama, tàu của Nhật. Thương-thuyền của Nhật đã phát-triển rất mạnh- Nhiều tàu buôn của Nhật đi đến xứ này chở hàng mướn cho xứ khác, cứ như thế đi khắp thế-giới, ít có dịp trở về nước. Ban đêm đi qua đường này sẽ thấy tàu bè như hội hoa-đăng, nhiều tàu to lớn, đèn đuốc sáng rực như một thành-phố nổi. 

Tôi lên đây vừa ngắm tàu buôn vừa xem thời-tiết. Nơi đây đáy biển đã tụt sâu đến độ 1,500 thước. Tôi nghe như có một sức-mạnh nào đó của dòng nước đẩy vào thân tàu, một sức-mạnh rất mơ-hồ chỉ cảm nhận được bằng trực-giác- Tàu đang bị dòng nước đẩy lệch ra khỏi hướng đi mong-muốn. 

Bầu trời thì trong xanh, không một gợn mây,đang được thắp sáng bằng những vì sao. Kia là sao Bắc-đẩu so với chân trời bằng vĩ-độ của nơi mình đang đứng. Nơi đây có vĩ-độ khoảng 10 độ Bắc nên thấy sao Bắc-đẩu rất thấp. Nếu đi về xích-đạo vĩ-độ Zéro thì sẽ không nhìn thấy sao này nữa. 

Những chòm sao Hiệp-sĩ, Song-nam, Hải-sư đang ngả về Tây - Những chòm sao Hổ-cáp, Nhân- mã, Nam-dương đang mọc lên. Hai mươi hai giờ, tôi vào mở máy Loran - Tôi sẽ định vị-trí của tàu lúc này, 23 giờ và nửa đêm để xem tàu bị dạt nhiều hay ít. Trên đất Phi, quốc-tế thiết-lập ra nhiều đài phát tín-hiệu cho Loran. Đài nào ở gần tín-hiệu sẽ đến sau. Người ta đã áp-dụng định-lý của hình-học lớp mười là " Quỹ-tích của những điểm mà hiệu-số khoảng-cách đến hai tiêu-điểm F1 và F2 không thay-đổi là một đường Hypebol ". MF1-MF2=C.Vận-tốc của tín-hiệu là vận-tốc của âm-thanh. Cho nên hiệu-số khoảng-cách của một tàu đến hai đài bằng hiệu-số thời-gian đến trước và sau của tín-hiệu. MF1=VT1, MF2=VT2, MF1-MF2=V (T1-T2). Máy thu Loran sẽ cho hiệu-số thời-gian đó. Trên hải-đồ những đường cong Hypebol, T1-T2=C đã được vẽ saün bằng những đường rất lợt-lạt ít có người nhận biết. Cho đến lúc này, Loran chưa được nhiều người sử-dụng. Lý-do thứ nhất là tàu thường đi gần bờ. Lý-do thứ hai là những người có nhiều kinh-nghiệm trong hàng-hải thiên-văn họ thấy không cần-thiết và không tin-tưởng ở Loran. Lý-do thứ ba là máy thu Loran còn rất thô-sơ và rất khó sử-dụng. Bởi máy lên sẽ thấy những dao-động hình Sin nhảy múa lung-tung cũng như màn ảnh của máy giao-động ký âm-cực. Mỗi đài cho một tín-hiệu hình Sin. Người sử dụng phải quay một nút điều-chỉnh để chồng nhập hai tín-hiệu đó vào nhau.Một hàng số hiệu-số thời-gian sẽ nhảy liên-tục tùy theo vị-thế chồng nhập của hai tín-hiệu. Phải tập dượt nhiều khi có sẵn vị-trí chính-xác để so-sánh thì mới có kinh-nghiệm số nào là số đúng. Đó là khuyết-điểm của những máy thu cũ. Sau này người ta chế ra được bộ-phận điều-chỉnh tự-động. Tại mỗi vị-trí của tàu, máy sẽ cho ngay con số chính-xác. Nhờ đó định ngay được vị-trí trong vài phút và mọi thời-tiết. Máy thu của HQ-3 thuộc loại cũ. Tôi phải tập dượt nhiều trong lúc tàu đi tuần-dương, lúc đi gần bờ, lúc nào cũng có vị-trí chính-xác để so-sánh nên cũng rút -tỉa được nhiều kinh-nghiệm. 

Vị-trí lúc 24 giờ cho thấy tàu đã bị dạt về phía Nam rất xa, cách ví-trí mong-muốn gần 5 hải-lý. Dòng nước ở đây rất mạnh chảy xiết như những dòng nước trong sông, đẩy tàu trôi dạt đi phăng-phăng - Đi ngang đây một đêm, tàu có thể bị đẩy lệch đi vài chục hải-lý, gặp thời-tiết xấu thì càng tệ-hại hơn. Sáng hôm sau không đo được sao để tìm lại vị-trí chính-xác thì coi như không biết mình đang ở đâu. Đó là lý-do nhiều tàu buôn đã leo lên đá khi chưa có Loran. Sau khi kiểm-soát lại nhiều lần, tôi gọi điện-thoại xuống phòng Hạm-trưởng xin sửa lại hướng đi. Đi chếch về hướng Bắc để bù-trừ độ dạt. Tàu đổi qua theo hướng 080 độ thay vì 090. 

Lờ-mờ sáng hôm sau, chúng tôi đã sẵn-sàng để đo sao. Tôi đã chọn sẳn ba vì sao để đo. Vì sao Vega của chòm sao Cung-đàn(Lyra), sao Deneb của chòm Thiên-nga (Cygnus) và sao Altair của chòm Aquila. Muốn đo cho thật chính-xác thì phải đo lúc vầng hồng vừa mới ló lên để nhìn thấy thật rõ đường chân trời. Lúc đó ánh-sáng đã làm mờ đi không còn nhìn thấy được các sao mờ, không còn nhận-định được hình-dáng các chòm sao, mà chỉ còn nhìn thấy được các vì sao sáng nhất còn lại đơn-độc và bé tí- teo trên nền trời xanh-biếc, bao-la. Phải đo thật nhanh và thật nhuyễn. Trễ năm, bẩy phút là trời sáng rực không còn nhìn thấy ngôi sao nào nữa. 

-Thượng-sĩ Tấn, sao Vega - Sẵn sàng? - Sẵn sàng. - Stop. - 15 phút 29 giây. Thượng-sĩ Tấn đọc đồng hồ và ghi giờ. - Cao độ 37 độ 14 phút chấm 3. Thượng-sĩ Tấn vừa lập lại vừa ghi cao độ mà tôi vừa đo. - Tiếp-tục, sao Deneb, sẵn-sàng? - Sẵn-sàng. 

- Stop. Theo cách đó, chúng tôi đo xong ba vì sao trong vòng vài phút. Thượng-sĩ Tấn ôm những dữ-kiện đó đi vào phòng Trung-tâm Chiến-báo để tính-toán và sẽ cho ra vị-trí của tàu lên phóng-đồ. Tất cả tài- liệu, bài-vở đều bằng tiếng Mỹ. Sĩ-quan có nhiệm-vụ đo, cung-cấp dữ-kiện Thượng-sĩ có nhiệm-vụ tính- toán và vẽ. Dường như đây là một cách để nắm chắc rằng sĩ-quan không cung-cấp những dữ-kiện sai. Tôi vào phòng Loran để lấy thêm hai đường vị-trí bằng Loran. Tôi ghi ra hai con số và đưa cho thượng-sĩ Tấn. Tí nữa đây ông sẽ vẽ hai đường vị-trí này lên phóng-đồ cùng với ba đường vị-trí lấy được từ ba vì sao kia. Giao-điểm của những đường này là vị-trí của tàu. 

Tôi trở ra đài chỉ-huy gặp đại-uý Đào đang đi ca. Sáng nay trời đẹp. Mặt trời lên tỏ rạng. Gió thổi nhẹ. Nhiều đàn chim biển bay lượn trước mũi tàu. Biển êm, gợn sóng lăn-tăn, màu nước xanh thẩm, xanh đen như màu mực, vì đáy biển còn quá sâu, khoảng hai ngàn thước. Đại-uý Đào mời tôi điếu thuốc: 

- Sao? Bận rộn dữ hả, tàu bị dạt nhiều không? - Chưa biết, ông Tấn đang vẽ. - HQ-2 cho biết họ đã rời đảo hồi 5 giờ. Đường đi không có gì trở-ngại. Thượng-sĩ Tấn đã vẽ xong, gọi ra. Đại-uý Đào và trung-uý Sang theo tôi vào xem vị-trí. Trên phóng-đồ ba đường vị-trí từ ba vì sao và hai đường Loran cắt nhau tại một điểm rất nhỏ. 

Đại-uý Đào hỏi đùa: - Ông Tấn, ông có vẽ ăn gian không mà mấy đường này gặp nhau tại một điểm như vậy? Phải giao nhau thành những hình tam-giác nhỏ hay lớn chớ? 

Thượng-sĩ Tấn mỉm cười: - Ông Sơn mới vô nghề nhưng đã đo sao rất nhuyễn, không thua gì trung-uý Tuấn trước đây. Trung-uý Sơn phụ-họa: - Nghề này có vẻ thú-vị. Tôi là dân Võ-bị Đà-lạt, xuống tàu lại kẹt lo chuyện tiếp-liệu, lương- bổng, hôm nào phải dợt nghề đo sao mới được. 

Vị-trí này rất gần với vị-trí tôi đã phỏng-định nhờ đã điều-chỉnh độ dạt hồi khuya. Tôi báo-cáo cho Hạm-trưởng biết và cho tàu trở lại hướng cũ 090 độ để tiến vào khoảng giữa của hai đảo Itu Aba và Trường-Sa. Bỗng nghe trung-sĩ Thảo phụ-trách Radar báo-cáo: 

- Báo-cáo có Echo cho hướng 12 giờ, khoảng cách 35 hải-lý. Đại-uý Đào quay qua tôi: - Chắc-chắn là HQ-2, tôi sẽ liên-lạc không có gì đáng lo nữa. Quý-vị xuống ăn sáng đi. Đến 10 giờ sáng thì HQ-3 đang hướng thẳng tới Trường-Sa, cách 12 hải-lý, nhìn thấy được qua ống dòm một vùng đất thấp lờ-mờ nằm trên đường chân trời. Gần đó là vùng nước lặng-yên,phẳng-lỳ như mặt hồ. Tàu giảm vận-tốc xuống 10 gút, cho người quan-sát trước mũi và mỡ máy đo chiều sâu liên-tục. Độ sâu giảm rất nhanh -Từ 1,200 thước, chẳng mấy chốc giảm xuống còn 500, rồi 100, rồi 10 thước, 8 thước, rồi dừng lại ở độ sâu 7 thước, 8 thước. Tàu đang đi trên đỉnh của núi chìm, trên Tizard bank. Nước trong leo-lẻo, nhìn thấy đá dưới đáy,gần như chạm vào đáy tàu. HQ-3 cứ tiến tới trong tình-trạng đó qua gần 10 hải-lý, cho đến lúc thả neo sát bên bờ Trường-Sa. 

C. NIỀM HY VỌNG: Hải-đảo Trường-Sa là những bãi cát vàng rất thấp, mà những ngày sóng to gió lớn, nước thủy- triều có thể tràn ngập cả đảo. Chen lẩn giữa những bãi cát vàng là những chòm cây dại, cây nhàu, cây gai, chỉ cao đến đầu người. Cao nhất là một hàng dừa chín, mười cây mọc thẳng-tắp thành một hàng theo hướng Tây-nam, Đông-bắc, từ mé nước vào sâu trong đảo khoảng 200 thước. Hàng dừa này là một nét đặc-sắc của Trường-Sa. 

Một trái dừa khô nào đó, bị gió bão trôi dạt vào đây. Cây dừa đầu tiên mọc ngay trên bãi cát gần mé nước. Những trái dừa khô của cây dừa đầu tiên này sẽ bị gió mùa, gió nồm, gió bấc đẩy trôi vào biển cả, vì nó nằm ở một vị-thế mà những cơn gió bình-thường không thể đẩy được trái dừa khô vào trong sâu. Những cây dừa kế tiếp chỉ có thể mọc quanh-quẩn gần cây dừa này,quanh-quẩn gần mé nước. Tình-trạng đó không biết đã xảy ra trong bao nhiêu năm. phải chờ có một duyên may, một cơn gió của bão tố, một cơn gió chướng, một cơn gió sai mùa đến đúng lúc, mới đẩy được một trái dừa khô vào sâu bên trong vài chục thước. Đây là cây dừa tiên-phong mọc được trên đất cao, bên trong những cây dừa khác. Rồi hàng dừa cũng dừng lại ở đây vì những trái dừa khô của cây dừa thứ hai này cũng bị những cơn gió bình- thường đẩy ngược ra ngoài mé nước. Muốn được một cây dừa khác vào trong sâu nữa, phải chờ một duyên may khác. Và cuối cùng, muốn có được một hàng dừa vào trong sâu hai trăm thước như nhìn thấy hiện giờ, là do nhiều duyên khác nữa. Muốn có một hàng dừa như vậy, không ai biết đã trải qua một tiến- trình bao lâu. Có thể vài trăm năm, có thể vài chục năm. 

Hàng dừa này là hình ảnh của niềm hy-vọng vào dầu-hỏa của miền Nam. Thế-hệ của chúng ta lấy dầu ở gần bờ, ở những nơi có độ sâu vài chục thước. Thế-hệ kế tiếp sẽ lấy dầu ở độ sâu hơn, vài trăm thước. Rồi thế-hệ tiếp nối nữa mới có khả-năng lấy dầu ở độ sâu vài ngàn thước. Muốn lấy dầu ở gần Trường-Sa, không ai biết sẽ vào thế-hệ nào. Giống như hàng dừa kia, không ai biết phải bao lâu mới có được. Hiện tại miền Nam đang lấy dầu ở giàn khoan Bạch-hổ, ở hướng Đông-nam Vũng-tàu, cách xa 100 cây số, ở độ sâu 40 thước. Giàn khoan Đại-hùng cũng ở hướng đó, cách xa bờ hơn 200 cây-số, ở độ sâu 100 thước. Dầu của những giàn khoan này, nghe nói chưa có hậu-quả kinh-tế. 

Vài năm trước đây, người ta nói đến tương-lai sáng-lạn của dầu-hỏa miền Nam, giống như Nam- dương. Nhiều công-ty dầu của khắp thế-giới đến hợp-tác đấu thầu, thăm dò. Nhưng không ai biết vì lý-do gì, những hãng dầu tuần-tự rút lui. Và giờ đây, theo sự rút lui của Mỹ, tương-lai dầu-hỏa của miền Nam chỉ còn là mơ-ước. 


Lý-do an-ninh chăng? Người Mỹ rút lui, không ai đủ sức bảo-vệ các giàn khoan. Lý-do chính-trị chăng? Mỹ chưa cần đến dầu bây giờ. Dầu của VN để dự-trữ cho thế-giới mai sau. Lý-do nội tại chăng? Miền Nam không có nhiều dầu? Hoặc là cơ-quan dầu-khí của miền Nam đã quá chủ-quan, quá cứng rắn trong luật-lệ, đã soạn-thảo ra những hợp-đồng khó-khăn, không tưởng, khiến cho các hãng dầu nản-chí rút lui? Lý-do có thể là tổng-hợp của các lý-do trên. Nhưng chung-qui, miền Nam thiếu may-mắn, đã lỡ mất một dịp để tự-túc, tự-cường. Nam-dương may-mắn hơn nhiều. Nam-dương đã trở thành một nước sản-xuất dầu cho thế-giới. Nam-Dương bây giờ như một cô gái trẻ đẹp được mọi người nâng-niu, chiều- chuộng. Còn miền Nam như một người bệnh hoạn, ốm yếu, ho-hen, nhưng lại nuôi nhiều mộng-tưởng xa- vời. Niềm hy-vọng vào dầu-hỏa của miền Nam rồi đây sẽ trở thành nhỏ bé xa-xôi như hải-đảo Trường- Sa./. 



Texas, mùa xuân 1997. ÐOÀN-XUYÊN-SƠN K18






No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”