Từ hôm dời vào Landon Ridge Independent Living cho đến nay, thỉnh thoảng đi ngang phòng 212, ông Nhân nghe văng vẳng tiếng Violon với những tình khúc buồn như tâm hồn và xưa như khoảng đời tươi đẹp đã qua của ông. Đôi khi ông Nhân muốn hỏi nhân viên văn phòng về tiếng đàn ở phòng 212; nhưng biết người Mỹ không thích người có tính tò mò cho nên không hỏi.
Chiều nay – vì muốn nghe tiếng Violon rõ hơn – ông Nhân dừng lại nơi cửa sổ, cạnh phòng 212, mắt đăm chiêu nhìn những hàng cây lá đã chuyển màu.
Sau một lúc để lòng lắng đọng trong không gian im vắng của buổi chiều quạnh quẻ, ông nhận ra tiếng Violon chuyển sang một tình khúc Việt Nam, nghe rất quen. Dù không nhớ được tựa đề, khi tiếng Violon đến đoạn điệp khúc, tự dưng, từ tâm thức u hoài của ông tiếng hát vọng về và ông “ngân nga” theo nho nhỏ: “…Lòng cuồng điên vì nhớ. Ôi đâu người, đâu ân tình cũ? Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa!...” Lúc này ông Nhân mới nhớ đây là sầu khúc Hoài Cảm của Cung Tiến. Theo tiếng hát khan, đục của chính mình, ông Nhân nhìn khung trời xam xám của buổi chiều đầu Thu. Theo từng áng mây nhạt màu lặng lờ trôi, ông Nhân tưởng như có thể thấy được Tuần Dương Hạm – WHEC, White High Endurance Cutter – Trần Bình Trọng, HQ 5, đang chờn vờn cuối chân trời.
Hình ảnh chiếc HQ 5 mờ mờ phía xa như gợi lại trong lòng ông Nhân hình ảnh buổi chiều xưa, tại Nha Trang. Sau khi rời hạm kiều một đoạn khá xa, Nhân thấy một nữ sinh đi chầm chậm về hướng Hải Học Viện. Nhìn dáng người thướt tha, chiếc nón nghiêng nghiêng, hai tà áo trắng bay bay và mái tóc đen mềm mại trên phiến lưng gầy, tự dưng Nhân đi nhanh. Khi tạo được một khoảng cách vừa phải, Nhân chậm bước. Vừa khi đó, chiếc nón bài thơ của cô gái bị gió hất tung về phía sau; Nhân nhanh tay chụp lại.
Quay nhanh người, thấy Nhân – trong quân phục tiểu lễ – đang cầm chiếc nón, nhìn nàng, cười, cô gái hơi lúng túng, đứng yên. Nhìn đôi má ửng hồng trên khuôn mặt xinh đẹp của cô gái, Nhân thầm ước, phải chi chàng được tự tay đội chiếc nón này cho cô gái.
Khi cô gái vừa đưa hai tay nhận chiếc nón thì Nhân nghe tiếng thắng “két” và chiếc Jeep dừng lại. Nhân và cô gái cùng quay về hướng chiếc Jeep. Một trung úy Không Quân vừa nhìn cô gái vừa bảo:
-Lam Ngọc! Lên xe, đi về.
Nhìn Thân, Lam Ngọc vừa bẻn lẻn cười vừa nói:
-Cảm ơn anh đã nhanh tay chụp giùm chiếc nón cho em; nếu không, nó “bay tuốt” xuống biển rồi.
-Không có chi. Chào cô.
Hai câu đối đáp giữa Lam Ngọc và Thân như giải đáp được sự nghi ngờ của người anh có em gái đẹp, trung úy Không Quân rời xe, bắt tay Nhân:
-Tôi là Phú, anh của Lam Ngọc. Hân hạnh được gặp anh.
-Vâng, hân hạnh được biết trung úy. Tôi là Nhân.
-Trung úy gì! Gọi nhau bằng anh em cho thân mật.
-Cảm ơn anh.
-Anh cần đi đâu hay là anh đang trên đường trở về chiến hạm?
-Tôi muốn dạo phố Độc Lập; vì hơn tháng nay tàu tuần tra ngoài Trường Sa, tù túng quá!
-Thế thì mời anh lên xe, tôi đưa anh đi.
Thấy Lam Ngọc ngồi ghế sau, Nhân hơi lưỡng lự:
-Cô Lam Ngọc ngồi ghế “trưởng xa”, để tôi ngồi ghế sau.
Phúc ngăn:
-Không được! Vì có việc cần tôi mới “liều mạng” cho Lam Ngọc “quá giang” rồi trở lại đón “cô nàng” chứ xe nhà binh mà chở dân sự là Quân Cảnh “đớp” ngay.
Trên đường từ Cầu Đá đi về phố Độc Lập, Phú và Nhân nói chuyện huyên thuyên như hai người bạn thân. Bất ngờ Phú hỏi:
-Anh nói “tàu anh” đã đi tuần ở Trường Sa à?
-Vâng.
-Tôi tưởng Trường Sa chỉ gồm vài hòn đảo nhỏ xíu, đâu quan trọng gì mà phải đi tuần.
-Xin lỗi, anh là Không Quân, anh vui lòng xác định cho tôi biết: Trong toàn cõi không gian của Tổ Quốc Việt Nam, vùng không gian nào anh cho là quan trọng còn vùng không gian nào anh cho là không quan trọng?
-Bất cứ vùng trời nào thuộc không phận miền Nam Việt Nam là chúng tôi có trách nhiệm phải bảo vệ đến giọt máu cuối cùng.
-Hải Quân chúng tôi cũng vậy. Huy hiệu Hải Quân của chúng tôi có bốn chữ Tổ Quốc Đại Dương thì chúng tôi phải bảo vệ tất cả những gì trong hải phận Việt Nam. Hơn nữa, sau vụ Trung cộng xâm lăng Hoàng Sa vừa rồi, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị Hải Quân phải bảo vệ Trường Sa chặt chẽ hơn; vì ngại “tụi Tàu” sẽ kéo lực lượng Hải Quân từ Hoàng Sa xuống thẳng, chiếm luôn Trường Sa.
-Thế à? Tụi Tàu “mất dạy” thật! Thế bao giờ “tàu anh” rời đây? Có trở ra Trường Sa nữa hay không?
-Chuyện đó tôi chưa biết được; vì tôi chỉ là sĩ quan cấp thấp, không biết được đâu!
-Thế anh mang cấp bậc gì? Chả bao giờ tôi nhận biết được “lon” của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
-Một gạch vàng – như trên cầu vai của tôi – là thiếu úy.
Nhân tiếp tục giải thích cho Phú biết về “lon” của Hải Quân từ thủy thủ cho đến tướng. Nhận thấy Nhân hiền lành, chững chạc, Phú có thiện cảm ngay:
-Anh có bà con, bạn hữu gì ở đây không?
-Không.
-Nếu thế thì, khi nào “tàu anh” còn ở đây, cuối tuần mời anh ghé nhà tôi chơi.
-Thế thì quý hóa quá! Cảm ơn anh…
Ông Nhân vừa hồi tưởng đến đây thì tiếng Violon trở lại phân đoạn đầu. Ông Nhân “ngân nga” nho nhỏ: “Chiều buồn len lén tâm tư... Dạt dào tựa những âm xưa, thiết tha ngân lên lời xưa…Buổi chiều chợt nhớ cố nhân…” Theo tiếng hát thì thầm của chính mình, ông Nhân tưởng như có thể thấy lại được hình ảnh của Lam Ngọc và Nhân đi chầm chậm bên nhau, dọc bờ biển Nha Trang, vào những chiều nhạt nắng…
Kỷ niệm xưa vừa hiện về đến đây thì tiếng Violon chợt ngưng. Buồn lòng, ông Nhân xem đồng hồ tay và nhận ra sắp đến giờ cơm chiều. Ông Nhân thong thả đi về phía cầu thang; vì ông muốn đôi chân của ông hoạt động càng nhiều càng tốt.
Vừa đến cầu thang, ông Nhân thấy một người đàn ông Á Đông từ phòng 212 bước ra, đi đến cầu thang. Hai người nhìn nhau, mỉm cười, nói nhỏ “Hi!”. Bước xuống được vài bậc cấp, ông Nhân hỏi bằng tiếng Việt:
-Xin lỗi, anh ở phòng 212, phải không?
-Vâng. Sao anh biết?
-Mấy hôm nay tôi “ghiền” tiếng Violon thoát ra từ phòng 212 lắm đó.
-Thế à? Nhưng sao anh biết tôi là người Việt?
-Lúc nãy anh đàn tình khúc Hoài Cảm mà không phải người Việt thì làm sao anh biết bài đó?
-Anh cũng chơi nhạc à?
-Không. Nhưng chiến hạm công tác dài hạn ngoài khơi, buồn “thúi ruột”, tôi mua băng nhạc đem theo để chiều chiều, hết phiên trực, ngồi trên boong, nhìn sóng nước mà “mơ đến em, buồn mong chờ”.
Nhận ra một câu trong tình khúc Em Gắng Chờ của Huỳnh Anh, ông Phú cười:
-Anh cũng thuộc nhiều ca khúc lắm đấy.
-Nghe hoài thì nhớ. Anh đi lấy thức ăn đi; tý nữa gặp, nói chuyện nhiều.
Sau khi lấy thức ăn, ông Nhân chọn chiếc bàn xa xa, chỉ có hai ghế, cạnh cửa sổ. Người đàn ông ngụ phòng 212 bước đến, ngồi ghế đối diện:
-Tôi ngồi đây với anh, nhé!
-Đó là lý do tôi chọn bàn chỉ có 2 ghế thôi.
-Ô tốt quá! Tôi tên Phú.
Vừa nhổm người bắt tay ông Phú, ông Nhân vừa nói:
-Tôi tên Nhân, chưa quen trong này ai cả.
-Trong này chỉ có tôi là người Việt thôi. Từ nay có người nghe tôi đàn và nói tiếng Việt với tôi. Tuyệt quá, tôi không mong gì hơn!
Vừa lấy khăn giấy lau muỗng nĩa và dao, ông Phú tiếp:
-Anh sang đây năm nào?
-75; còn anh?
-78.
-Trước 75 anh làm gì?
-Trung úy Không Quân.
Ông Nhân thoáng giật mình, tự hỏi, không biết chỉ là sự trùng hợp hay là…Ngần ngừ một chốc, ông Nhân hỏi:
-Có phải anh là anh của Lam Ngọc hay không?
Ông Phú – vẫn chưa nhận ra người bạn xưa – nhìn ông Nhân, gật đầu. Ông Nhân tiếp:
-Lam Ngọc bây giờ ra sao, anh?
Lúc này ông Phú mới nghi ngờ:
-Có phải ngày xưa anh là thiếu úy Nhân hay không?
-Vâng. Lam Ngọc bây giờ ở đâu, anh Phú?
Ông Phú im lặng, lắc đầu, dáng vẻ rất khổ sở! Ông Nhân sốt ruột, tiếp:
-Anh Phú! Anh đừng nói với tôi là Lam Ngọc đã chết, nha, anh Phú. Please!
Ông Phú vẫn im lặng, đưa tay ôm trán, trong tư thế đau buồn. Ông Nhân chỉ biết thở dài. Khi niềm xúc động lắng xuống, ông Phú đáp, giọng rất buồn:
-Lam Ngọc không còn nữa!
-Trời! Tại sao?
-Bố Mẹ tôi “mua bãi” – do cộng sản Việt Nam (csVN) cho người len lõi tìm những gia đình giàu, muốn vượt biên, thuyết phục, ra giá, bán – cho anh tôi, tôi và Lam Ngọc, mỗi người mười “cây” vàng. Vì “mua bãi” chính thức, được hứa là rất “chắc ăn”, có tay trong là công an biên phòng của csVN, chúng tôi hy vọng nhiều lắm. Khi chiếc ghe chở gần năm mươi người từ xóm Cồn để ra ghe lớn ở Hòn Miếu thì lính biên phòng của csVN xả súng bắn trực xạ vào ghe của chúng tôi. Sau này Bố Mẹ tôi mới cho biết là csVN “giàn dựng” cho người đi “bán bãi”; nhưng sau khi ghe rời bờ để ra ghe lớn thì csVN bắn chết mọi người trên ghe để phi tan chuyện “bán bãi”. Trong cảnh hoãng loạn đó tôi không thể làm được gì để cứu em tôi và anh tôi!...
Xúc động quá, ông Phú lại gục đầu vào lòng bàn tay, không thể kể tiếp.
Ông Nhân muốn khóc mà khóc không được! Tình cảm của ông Nhân lúc này không khác chi buổi tối tháng 03-1975, lúc HQ 5 hải hành ngoài khơi Nha Trang, nhận được tin từ HQ 406 – Hải Vận Hạm Hậu Giang – cho biết rằng các lực lượng VNCH đang rút dần khỏi Nha Trang! Tin đó làm cho Nhân đứng lặng, lòng đầy xốn xang, không biết Lam Ngọc và gia đình của nàng có thoát khỏi Nha Trang được hay không! Nhưng, nhớ lại, Phú là Không Quân, có thể Phú lo được cho gia đình, lòng Nhân đầy hy vọng.
Niềm hy vọng đó theo Nhân suốt bao nhiêu năm dài. Bây giờ, biết rõ sự thật, ông Nhân “chửi thề” nho nhỏ rồi tự hỏi: Tại sao từ ngày ông Hồ Chí Minh lập ra đảng csVN cho đến nay, ai cũng tìm đường thoát khỏi cái “thiên đường” do csVN tạo nên? Ngay như đại tá Bùi Tín – người đã chứng kiến giây phút lịch sử khi tướng Dương Văn Minh ký văn kiện đầu hàng, ngày 30-04-1975 – cũng phải xa lánh csVN? Rồi thanh niên xuất cảnh lao động; du học sinh học xong, không trở về; con gái thì “đu” theo Việt Kiều và người ngoại quốc; gần đây nhất là vụ 39 người trẻ vượt biên sang Anh, bị chết ngộp trong xe “container”.
Thập niên 70, 80 csVN đã tạo ra danh từ thuyền nhân; bây giờ, cũng chính csVN tạo ra danh từ “thùng nhân”. Ôi, một đất nước tư “rêu rao” là “lọt” vào “Top 10 quốc gia đáng sống nhất thế giới” mà – sau gần nửa thế kỷ cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam – tại sao người dân vẫn phải vay nợ cả 30, 40 ngàn đô la Mỹ, trả cho người môi giới, để trốn khỏi Việt Nam và trở thành “thùng nhân”?
Sự việc 39 người Việt trẻ chết trong thùng xe làm cho chính phủ và người Anh xúc động bao nhiêu thì cũng làm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng im lặng bấy nhiêu!
Sự kiện hài cốt của 81 quân nhân Nhảy Dù VNCH bị tử nạn trong cuộc chiến, 1954-1975, bị csVN từ chối đến hai lần, không cho chôn cất tại quê nhà; tiếp đến là 39 nạn nhân vượt biên giới và bị chết tại Anh như hai cái tát “nẩy lửa” của dư luận thế giới giáng vào mặt đảng và nhà cầm quyền csVN về tính cách đạo lý và văn hóa của một thể chế độc tài!
Thế mà – theo một số báo chí bên Cali., ngày 10 tháng 11-2019 – tờ Tiền Phong viết rõ: “Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam ở nước ngoài không thể chi trả các chi phí cho việc chôn cất, hỏa táng hoặc hồi hương thi hài, di hài của 39 người chết…” Ôi, đây là cung cách xử thế của người và đảng csVN “quang vinh”!
Với cõi lòng tan tác, nhìn sang ông Phú, ông Nhân cảm nhận được nỗi đau của ông Phú vẫn chưa nguôi. Bước sang ông Phú, ông Nhân vin vai bạn:
-Thôi, niềm đau thương đã gặm nhấm tâm hồn anh gần nửa thế kỷ rồi; hãy cố vươn lên để sống nốt chuỗi ngày còn lại!
-Chúng ta là dân nhà binh mà sao cũng ủy mị quá, phải không, bạn?
-Chính điểm đó làm cho chúng ta khác với người cộng sản. Thôi, ăn đi, thức ăn nguội hết rồi.
Hai người bạn xưa vừa ăn vừa kể cho nhau nghe về gia đình, về cuộc đời, về những vui buồn, thăng trầm trong cuộc sống và lý do tại sao cả hai lại chọn cuộc sống quạnh hiu trong Landon Ridge Independent Living này! Hai ông cũng bàn tính sẽ về Việt Nam thăm mộ của Lam Ngọc một ngày không xa.
Bất ngờ, ông Nhân hỏi:
-Anh Phú! Tôi nhớ dường như hồi đó anh không chơi đàn mà?
-Đúng! Nhưng khi ở tù vì vượt biên, tôi gặp một ông Cụ trong trai tù A30. Thấy Cụ dạy cho cán bộ học nhạc sau giờ lao động, tôi xin Cụ dạy cho tôi luôn. Anh em tù cùng trại làm được một Violon và một Guitar nội hóa; mấy cán bộ học nhạc mua giây đàn; thế là Cụ dạy chúng tôi đàn.
Ông Nhân chưa kịp đáp thì điện thoại của ông “rung”. Ông Phú đi lấy thêm thức ăn. Khi trở lại, vừa ngồi xuống, ông Phú nghe ông Nhân than:
-Mẹ! Chuyến này chắc Hải Quân… tiêu rồi!
-Hải Quân nào?
-Hải Quân “của tui” chứ Hải Quân nào! Ăn xong, mời anh ghé phòng tôi, mở computer xem diễn tiến sự việc của Ủy Ban xây dựng Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa (UBXDĐTNTSHS) tới đâu mà thằng bạn của tôi vừa gọi tôi, cho biết, có mấy ông khóa 4 cựu sĩ quan Hải Quân ủng hộ UBXDĐTNTSHS “ruồng rẩy” Trường Sa.
-A, tôi có biết qua chuyện tranh cãi này. Thế anh không xem trên iPhone được à?
-Mắt tôi tệ lắm!
******
Trong khi ông Nhân mở computer, ông Phú hỏi:
-Tôi nghe dường như UBXDĐTNTSHS đã thỏa mãn phần nào “yêu sách” của nhóm người nào đó rồi mà.
-Không ai có “yêu sách” gì cả. Tôi nghĩ rằng, người mang dòng máu Việt – nhất là những người từng cầm súng bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam – khi đề cập đến Tổ Quốc hoặc quê hương Việt Nam, chúng ta phải thể hiện lòng kiêu hãnh, tình thương yêu, lòng quý trọng của chúng ta đối với Tổ Quốc và quê hương. Giả dụ như một nước nào đó, vì hận thù với Việt Nam, vẽ bản đồ Á Châu có hình cong chữ “S”, mặt xoay ra Biển Đông, lưng giáp biên giới với Trung cộng, Lào và Cao Miên mà trên bản đồ đó không có hai chữ Việt Nam thì anh và toàn dân Việt Nam chịu được không?
-Ừ nhỉ!
-Ai muốn nghĩ Hoàng Sa quan trọng hơn Trường Sa thì đó là quyền của người đó. Nhưng Trường Sa là một thực thể của Tổ Quốc Việt Nam, đang trong vòng tranh chấp với Trung cộng. Quần đảo đó mang tên Trường Sa từ ngàn xưa. Nay, không vì bất cứ lý do gì UBXDĐTNTSHS và mấy ông khóa 4 cựu sĩ quan Hải Quân được phép chỉ để “vài chấm tượng trưng” mà không có địa danh Trường Sa.
-Tôi đồng ý với anh. Nhưng các cựu sĩ quan khóa 4 này là ai mà lại ủng hộ UBXDĐTNTSHS “ruồng rẩy” Trường Sa?
-Sorry! Là một sĩ quan Hải Quân, không bao giờ tôi tự “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng tôi cho anh hay rằng bản tin của mấy ông cựu sĩ quan khóa 4 Hải Quân ủng hộ việc làm tất trách của UBXDĐTNTSHS được phổ biến rất rộng rãi; anh có thể liên lạc về đây để tìm hiểu: uybanxaydung@daituongniemhoangsa.org
Cả hai đều im lặng, chú ý nhìn vào màn hình, trong khi tay phải của ông Nhân đưa “con chuột” vào Google để tìm tin tức liên quan đến Trường Sa.
Chỉ một thoáng thôi, website của BBC tiếng Việt có hình và bài Thấy Gì Qua Việc Việt Nam Lặng Lẽ Xây Dựng ở Trường Sa do Mỹ Hằng viết về Trường Sa và giáo sư Carl Thayer – chuyên gia Đông Nam Á của Đai học New South Wales, Úc – ngày 13 tháng Tư 2019, hiện lên màn hình. Hai ông đều chăm chú đọc: "…Báo cáo của AMTI – Asia Maritime Transparency Initiative – nói rằng Việt Nam đang hoàn thiện đường băng dài 1.300m, và cho lắp đặt radar cho phép Việt Nam có thể thu phát các tín hiệu liên lạc từ các tàu, thuyền của Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là một cuộc chơi công bằng."
"Tôi không cho rằng có nước nào sẽ phật lòng về động thái này của Việt Nam. Việt Nam đã ở đó từ trước 2002. Thực tế là Việt Nam đã hiện diện tại một số vị trí ở Biển Đông từ trước Giải phóng Miền Nam, và đã có lịch sử đánh bắt, khai thác cá tại ngư trường này."
"Việt Nam đã đưa người tới các khu vực đó sinh sống, lập gia đình, sinh con cái, mở trường học. Và không có vấn đề gì từ đó tới nay. Việt Nam chưa thực hiện hành động nào đe dọa an ninh khu vực."
"Mà giả như những việc Việt Nam đang làm được cho là gây nguy cơ cho an ninh khu vực, thì thử hỏi xem những cái mà Trung Quốc đang tiến hành là gì?..."
“Dù chỉ xây dựng lặng lẽ và với quy mô nhỏ như vậy suốt nhiều năm tại Trường Sa và một số đảo khác tại Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc làm này cần thiết để Việt Nam khẳng định chủ quyền và sự hiện diện của mình ở Biển Đông…”
“… Theo AMTI, Việt Nam, cùng một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đều cố chứng minh sự hiện diện của mình ở khu vực này.”
“… Trung Quốc, mới đây đã khuyếch trương tín hiệu về chủ quyền bằng cách treo cả cờ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại đảo Tri Tôn. Dưới các lá cờ là dòng chữ Đại lục mãi trường tồn và Vinh quang của đảng tỏa sáng đời đời…”
Vừa đọc đến đây, ông Nhân “nhảy dựng” lên:
-Chết mẹ rồi! “Thằng” Tàu khốn nạn!
-Từ từ, anh Nhân! Bình tĩnh!
-Bình tĩnh sao được khi mà bản tin của đài BBC xác định“Việt Nam cố chứng minh sự hiện diện của mình ở khu vực này – Trường Sa” thì 06 người trong UBXDĐTNTSHS, mấy ông cựu sĩ quan khóa 4 Hải Quân VNCH lại nhất quyết không để địa danh Trường Sa trên tượng đài Tử Sĩ Hoàng Sa là nghĩa lý gì, mục đích gì?
Vừa khi đó, ông Phú nhận ra một email vừa vào box, vội nhắc:
-Anh Nhân! Có email mới kìa.
Mở ra, hai người cùng đọc bản tin. Khi thấy hình của Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ – đô đốc John Aquilino – và câu: "...Đô đốc John Aquilino đã trực tiếp lên án Trung Quốc chỉ biết quyền lợi riêng, lấn át chủ quyền các nước Đông Nam Á ở Biển Đông đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa..." thì ông Nhân ôm mặt, vừa lắc đầu như muốn chối bỏ niềm thất vọng đang òa vỡ trong hồn, vừa than:
-Trời! Đô đốc của “người ta” thì – trước công luận quốc tế – đã ngang nhiên lên án Trung cộng lấn át chủ quyền các nước Đông Nam Á tại Hoàng Sa và Trường Sa; còn mấy ông khóa 4 cựu sĩ quan Hải Quân thì ủng hộ UBXDĐTNTSHS về việc không viết địa danh Trường Sa trên tượng đài Tử Sĩ Hoàng Sa!
-Cái gì? Anh có nhầm không?
-Tôi không nhầm. Nhưng nhờ sự việc “ruồng rẩy” Trường Sa mà tôi hiểu thêm về các cựu sĩ quan cao cấp “của tui”!
-Tại sao các sĩ quan cao cấp đó lại quyết định như thế?
-Mấy ổng biện luận là để cho tượng đài Hoàng Sa được… “nổi”!
-Nếu tôi nhớ không lầm thì, trên thế giới, chưa có một trận chiến nào – ngay như trận Leningrad, đổ bộ lên Normandy, trấn thủ Căn Cứ Tống Lê Chân và Tái Chiếm và Dựng Cờ VNCH tại Cổ Thành Quảng Trị, v.v… – được phép đề cao hơn Tổ Quốc của nước đó cả. Trường Sa là một phần lãnh thổ của Tổ Quốc Việt Nam.
-Có người trong UBXDĐTNTSHS lý luận rằng: Mấy tượng đài của các quân binh chủng khác có bản đồ Việt Nam mà không có các đảo thì sao?
Ông Phú nhạc nhiên:
-Những người đưa ra lý luận này không hiểu được rằng các quân binh chủng khác có trách nhiệm và bổn phận bảo vệ không phận và lãnh thổ Việt Nam; còn Hải Quân VNCH đội mũ có huy hiệu Tổ Quốc Đại Dương. Nghĩa là Hải Quân VNCH bảo vệ lãnh hải và biển đảo của Việt Nam.
-Bảo vệ cái nỗi gì mà hết bức tử Trường Sa thì bây giờ mấy ông cựu sĩ quan khóa 4 Hải Quân lại ủng hộ UBXDĐTNTSHS trong hành động không ghi địa danh Trường Sa lên tượng đài?
-Lạ nhỉ! Nếu thế thì UBXDĐTNTSHS đem đài tưởng niệm về xây trong sân vườn của mấy ông cựu sĩ quan khóa 4 Hải Quân đó đi. Hoặc là các ông sĩ quan khóa 4 đó tự bỏ tiền túi ra để xây tượng đài tưởng niệm thì mấy ổng mới có quyền viết hay không viết địa danh nào mấy ổng muốn. Đằng này, ngân quỹ thì do đại gia đình Hải Quân và cộng đồng người Việt tỵ nạn trên thế giới yểm trợ và địa điểm xây dựng đài tưởng niệm thì trên phần đất của thành phố Westminster; thế mà mấy ông cựu sĩ quan Hải Quân cao cấp này lại ủng hộ hành động UBXDĐTNTSHS về lập trường không viết tên đảo Trường Sa trên tượng đài! Quần đảo Trường Sa thuộc về dân tộc Việt Nam; không thuộc về các cựu sĩ quan khóa 4 sĩ quan Hải Quân hoặc UBXDĐTNTSHS. Không một cá nhân hay đoàn thể nào được phép có thái độ “ruồng rẩy” Trường Sa, tạo sơ hở pháp lý để Trung cộng chiếm nốt Trường Sa.
-Có người còn lý luận: Đài tưởng niệm Tử Sĩ Hoàng Sa là chỉ để tưởng niệm Tử Sĩ Hoàng Sa chứ đài tưởng niệm Tử Sĩ Hoàng Sa không phải là bia chủ quyền. Anh nghe được không?
-Thế thì, ngày 19-01-1974, hạm đội Hải Quân VNCH tham chiến tại Hoàng Sa là để bảo vệ chủ quyền lãnh hải và biển đảo của Tổ Quốc Việt Nam hay là 74 Tử Sĩ Hoàng Sa anh dũng hy sinh chỉ để bảo vệ riêng đảo Hoàng Sa mà thôi?
Hai ông “tranh luận” đến đây thì thấy email mới vào box. Ông Nhân “clicks” vào, hai ông cùng đọc. Đây là email do UBXDĐTNTSHS phổ biến rộng rãi, Nov. - 14-2019, yêu cầu cựu Hải Quân thiếu tá Chu Bá Yến xin lỗi mấy ông cựu sĩ quan khóa 4 Hải Quân về email của ông Chu Bá Yến viết về vấn đề không có địa danh Trường Sa.
Ông Phú hỏi:
-Nếu UBXDĐTNTSHS yêu cầu ông Chu Bá Yến xin lỗi mấy ông cựu sĩ quan khóa 4 Hải Quân về vấn đề cá nhân thì thái độ của mấy ông cựu sĩ quan khóa 4 Hải Quân ủng hộ UBXDĐTNTSHS về hành động bất xứng đối với một phần lãnh thổ của Tổ Quốc Việt Nam – đảo Trường Sa – thì ai phải xin lỗi ai?
-Thôi… “cha”! Ngoài “gốc gác” Hải Quân, tôi cũng là người “thương” Hải Quân nhiều lắm, đừng “hỏi khó” tôi. Có điều, đề cập đến ông Chu Bá Yên thì tôi mới nhớ, ông Chu Bá Yên đã xây dựng tượng đài bên Florida với đầy đủ các đảo, địa danh của từng đảo chứ không kỳ thị, ruồng bỏ đảo nào cả. Đây là một hành động đúng đắn của một người mang dòng máu Việt và từng phục vụ trong quân chủng Hải Quân VNCH chứ không như mấy ông cựu sĩ quan khóa 4 Hải Quân và 6 người trong UBXDĐTNTSHS!
Nói ngang đây, giọng ông Nhân nghẹn lại. Ông Nhân thở dài, nhìn bầu trời xam xám bên kia khung cửa sổ. Chính lúc đó ông Nhân cảm thấy xót xa, thương nhớ những chuyến hải hành biền biệt trên biển, tuần tra, bảo vệ Trường Sa – phần đất lạc loài của Quê Mẹ thân yêu – để ngày nay 6 người trong UBXDĐTNTSHS và mấy ông cựu sĩ quan khóa 4 Hải Quân cố viện dẫn mọi lý lẽ không chính đáng để tạo cơ hội cho người Việt, các quân binh chủng bạn và dư luận viên của csVN chỉ trích Hải Quân VNCH đã biến Trường Sa thành Hải Đảo Tội Tình!
ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com/
No comments:
Post a Comment