Wednesday, November 20, 2019

Họp góp ý về Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa, nhưng cả UB Xây Dựng vắng mặt


Mời quý vị nghe toàn bộ ghi âm Cuộc Họp Báo – TNT-Radio tại link dưới đây:
http://tntmediasandiego.com/hop-gop-y-ve-dai-tuong-niem-hoang-sa-nhung-ca-ub-xay-dung-vang-mat?fbclid=IwAR1WSvTllePLw9ioJ7du0d-UFvJ9-WYXGImWKqsvg66CsaPhdSYU5I5rsGQ


Audio Player
(Toàn bộ  ghi âm  Cuộc Họp – TNT-Radio )
November 17, 2019

Văn Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Buổi họp báo giữa Ủy Ban Góp Ý Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa và Ủy Ban Xây Dựng Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa, diễn ra vào lúc 1 giờ chiều Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Một tại Thư Viện Việt Nam, Westminster liên quan đến việc xây dựng Đài Tưởng Niệm. Tuy nhiên, toàn bộ Ủy Ban Xây Dựng đã không có mặt.
Buổi họp báo do HQ Đinh Quang Truật điều hợp chương trình. Có 2 bàn chủ tọa đoàn, một dành cho Ủy Ban Góp Ý (UBGY), gồm các ông Lê Bá Chư, ông Nguyễn Mạnh Trí, và ông Hồ Hải. Một dành cho Ủy Ban Xây Dựng (UBXD), để cả 2 bên cùng trình bày quan điểm và suy nghĩ của mình về việc nên hay không nên có tên nhóm đảo Trường Sa trên bản đồ của Đài Tưởng Niệm.
Sau nghi thức khai mạc, ban tổ chức thông báo tin giờ chót là UBXD đã gởi email chính thức thông báo không đi dự họp được theo thư mời đã gửi trước đó.
Do vậy bàn dành riêng cho UBXD được để trống, và buổi họp báo vẫn được tiến hành, với mục đích để mọi người hiểu lý do vì sao nên có nhóm đảo và tên Trường Sa trên bản đồ.






Mô hình Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa được trình bày tại buổi họp báo. Hình bên trái do Ủy Ban Xây Dựng thiết kế. Hình bên phải do Ủy Ban Góp Ý đề nghị có thêm chữ Trường Sa vào ở dưới. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mở đầu buổi họp báo, ông Đặng Thanh Long, một thành viên trong UBGY, nói, ngày 31 Tháng Mười, UBGY nhận được đề nghị của ông Trương Văn Song, trưởng ban tổ chức UBXD, cho biết muốn hai bên cùng ngồi lại để tìm một giải pháp thỏa đáng cho những bất đồng về việc xây dựng Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa vào giữa Tháng Mười Một.
“Nhưng chúng tôi nhận được email của anh Trương Văn Song gởi ra sau 10 giờ tối ngày hôm qua, cho biết UBXD Tượng Đài không tham dự buổi họp hôm nay và anh xác quyết là sẽ không có nhóm quần đảo Trường Sa trên bản đồ biển đảo của Việt Nam,” ông Đặng Thanh Long nói.
“Sự yêu cầu của UBGY của chúng tôi là cần thiết và chính đáng để cơ đồ của Mẹ Việt Nam do tổ tiên để lại từ ngàn xưa được vẹn toàn hầu trao lại cho thế hệ mai sau gìn giữ. Xin quý vị truyền thông báo chí, quý niên trưởng chiến hữu Hải Quân lên tiếng về việc này đối với UBXD Tượng Đài để cho chúng ta có một dự án đầu tiên nơi hải ngoại và trên thế giới, Mẹ Việt Nam phải được vẹn toàn không bị mất một phần thân thể nào,” ông Long trình bày.






Ông Hồ Hải (bìa phải), thuộc Ủy Ban Góp Ý trình bày tại họp báo, lý do vì sao nên có chữ Trường Sa vào bản đồ của Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong những chiến sĩ Hải Quân tham dự, có 2 sĩ quan từng tham chiến trận hải chiến Hoàng Sa 1974, đó là ông Đào Diên, phục vụ trên chiến hạm HQ 16 và ông Hồ Hải, sĩ quan truyền tin của soái hạm HQ 5, hiện là Trưởng Ban biên tập đặc san Lướt Sóng, có từ trước 1975 và vẫn duy trì đến ngày hôm nay.
Vì không có UBXD tham dự, ông Nguyễn Mạnh Trí thuộc UBGY trình bày về những lý lẽ, lập luận, biện luận, và suy nghĩ tại sao phải có hoặc không nên có hình và tên nhóm đảo Trường Sa trên bản đồ.
Ông Trí cho biết, “UBGY được lập ra để lắng nghe, ghi nhận thêm những ý kiến từ chiến hữu, thân hữu gần xa để thảo luận với UBXD, để có sự đồng thuận hợp lý cho cả hai bên. Sau 6 tháng cố gắng không có kết quả, chúng tôi quyết định có buổi họp báo hôm nay để chúng tôi có thể thảo luận thêm với UBXD thêm một lần nữa.”






Quang cảnh buổi họp báo về Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Về lý do vì sao nên có hình và tên nhóm đảo Trường Sa trên bản đồ, ông Hồ Hải nói, khi nhìn trên mô hình Đài Tưởng Niệm, phần bên trái ghi rất rõ là “Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa,” hàng bên dưới là “Ngàn Đời Ghi Nhớ” có tên của 74 tử sĩ trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng năm 1974, như vậy là rất rõ không ai nhầm lẫn được.
Ông Hải trình bày tiếp, “Bên phải là bản đồ Việt Nam, có quốc kỳ Việt Nam, có đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của lãnh thổ Việt Nam, hoàn toàn là bản đồ địa lý nguyên thủy, không dính líu gì đến chuyện Gạc Ma năm 1988, bởi vì nhìn khắp nơi trên bản đồ cũng không hề thấy có chữ Gạc Ma nào, hay tên các binh sĩ của Cộng Sản Việt Nam cả.”
“Từ thời nhà Nguyễn, vua Gia Long đã ra đến Trường Sa, tìm được và cắm bia chủ quyền. Đặc biệt là thời VNCH, anh em Hải Quân, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đã ra đó chiếm giữ, ngăn chặn sự xâm lấn của các quốc gia khác có chủ quyền trên quân đảo Trường Sa. Những công lao trên biển đảo của các chiến sĩ này được tổ quốc ghi ơn là hợp lý. Bỏ mất tên Trường Sa là một khiếm khuyết tai hại, sẽ đưa đến trách nhiệm của chúng ta cho thế hệ mai sau,” ông Hồ Hải nhấn mạnh.
Ông Lê Bá Chư nêu thêm ý kiến đóng góp và khẳng định: “Chúng tôi lập lại một điều là chỉ muốn có 2 chữ Trường Sa trong bản đồ của đài tưởng niệm mà thôi, đó là ý kiến của số đông anh em Hải Quân khắp nơi cho biết. Chúng tôi không có một đòi hỏi nào khác hơn là 2 chữ Trường Sa.”
Phần họp báo sôi nổi với nhiều đóng góp ý kiến nên hay không nên có thêm chữ Trường Sa.
HQ Thềm Sơn Hà nói về sự nghịch lý của sơ đồ của Đài Tuởng Niệm, góp ý:
1/ Nhìn vào sơ đồ đài tưởng niệm, phần bên tay phải có dòng chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn,” là ghi ơn những cá nhân hoặc một đơn vị, không thể nào ghi ơn một địa danh như Huế, Sài Gòn, Hà Nội hay quần đảo Hoàng Sa. Do đó tôi đề nghị dời hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn” qua phần cao nhất của đài tưởng niệm, nơi có danh sách ghi ơn 74 tử sĩ Hoàng Sa, như vậy sẽ không có sự tranh cãi về trận Gạc Ma năm 1988 giữa Cộng Sản Việt Nam và Trung Cộng.
2/ Điểm đặc biệt nhất là chữ Trường Sa đặt trên lá cờ vàng ba sọc đỏ, do chính UBXD đã đồng ý và chấp thuận. Đây là bằng chứng hùng hồn nhất để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc vu cáo Đài Tưởng Niệm này có liên hệ đến trận Gạc Ma.
Tại sao phải có 2 chữ Trường Sa, ông Hà giải thích, “Thứ nhất là thành tích của Hải Quân VNCH ở Trường Sa trước 1975, đã phái chiến hạm thám sát, dựng cờ và bia chủ quyền trên quần đảo Truờng Sa. Lần đầu tiên trong lịch sử, Tháng Tám 1973, Hải Quân VNCH đã đưa Địa Phương Quân lên đóng tại đảo Nam Yết, đây là lần đầu tiên Việt Nam thiếp lập chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.
“Mười ngày sau trận hải chiến Hoàng Sa, Tổng Thống Thiệu lo ngại Trung Cộng sẽ thừa dịp tiến chiếm, ông ra lệnh cho Hải Quân Việt Nam trấn giữ thêm tại 5 đảo ở Trường Sa. Như vậy trước 1975, HQVNCH đã giúp củng cố chủ quyền tất cả 6 đảo ngoài Trường Sa, nhờ đó cho đến ngày hôm nay, Trường Sa vẫn còn là tiền đồn ngăn chận Trung Cộng chiếm đoạt toàn thể Biển Đông. Trường Sa là niềm hãnh diện lớn của Hải Quân VNCH, sự kiện này sẽ tồn tại mãi và ghi vào lịch sử,” ông Hà nói thêm.
Và ông Hà xác quyết rằng Trường Sa liên hệ đến sự sống còn của tổ quốc Việt Nam. Ngoài Biển Đông, chúng ta hiện chỉ còn chủ quyền trên Trường Sa, nhưng đã bị Trung Cộng gặm nhấm một phần, có thể sẽ mất trọn trong tương lai. Nếu còn nghĩ đến tương lai Việt Nam, Trường Sa bắt buộc phải được ghi trên bản đồ.
“Trách nhiệm bảo tồn lãnh hải và lãnh thổ là trách nhiệm chung của con dân nước Việt. Trong tình thế hiện tại, Trường Sa liên hệ đến sự sống còn của tổ quốc Việt Nam, nếu chỉ cần thêm 2 chữ Trường Sa để nói lên tấm lòng yêu nước của tất cả đồng bào và gia đình Hải Quân hải ngoại trong quyết tâm bảo tồn lãnh thổ và lãnh hải, tại sao UBXD lại ngần ngại thêm vào 2 chữ Trường Sa,” ông Hà đặt câu hỏi.
Ông Thềm Sơn Hà kết luận: “Đài Tưởng Niệm trong đó có lá cờ VNCH chỉ liên hệ đến quá trình chống quân xâm lược, củng cố chủ quyền nước Việt trước năm 1975 của Hải Quân VNCH. Dù trong tương lai, chế độ, chính thể có thay đổi nhưng nội dung Đài Tưởng Niệm vẫn duy trì ý nghĩa nguyên thủy. Bắt buộc phải có 2 chữ Trường Sa trên bản đồ, khi có thấy nổi bật 2 chữ Hoàng Sa, có thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ, và không thấy 2 chữ Gạc Ma.”
Nhà văn Chu Tất Tiến góp ý ngắn gọn về 3 lý do địa lý, lịch sử, và kết cấu tượng đài: “Bản đồ là linh hồn tổ quốc, từ ngàn xưa con người đã đổ máu chiến đấu để bảo vệ chỉ một điểm nhỏ trên bản đồ. Vậy không có một cá nhân nào đời sau có quyền bỏ đi, tách ra một địa danh của bản đồ. Về lịch sử bao nhiêu năm nay chúng ta đã tranh đấu cho Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, sẽ gây một tiền lệ lịch sử rất nguy hiểm nếu bỏ sót Trường Sa. Về kết cấu Đài Tưởng Niệm, nên dời chữ ‘Tổ Quốc Ghi Ơn’ từ bên phải tượng đài qua phía trên bên trái thì sẽ ổn thỏa, không có việc gì xảy ra.”
Nhiều ý kiến đóng góp của người tham dự, tựu chung là nên có chữ Trường Sa trên bản đồ của Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa. Tuy nhiên, góp ý vẫn chỉ là góp ý, vì phía UBXD vắng mặt nên vẫn còn chờ một giải pháp ổn thỏa trong tình đoàn kết huynh đệ chi binh. Mọi người cùng nguyện cầu để Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa mau chóng hoàn thành theo kế hoạch sẽ khánh thành vào ngày 19 Tháng Giêng, 2020. (Văn Lan)

No comments:

Danh sách các Chiến Sĩ Hải Quân QLVNCH đã Hy Sinh Trong Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974:

Số TT Chức vụ Họ tên Đơn vị 1 Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba HQ-10 2 Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba HQ-10 3 Hải quân đại úy Vũ Văn Bang HQ-10 4 Hạ sĩ...