Sunday, November 24, 2019

'Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa' - bằng chứng khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa Hải Vân

"Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" được cư dân huyện đảo Lý Sơn tổ chức vào 16/3 âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn của các hùng binh có công cắm mốc, xác lập, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Hàng năm cứ vào ngày 16/3 âm lịch, "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" lại được tổ chức long trọng tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), thu hút hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch tham gia. Các tộc họ trên đảo Lý Sơn tự nguyện góp tiền, lương thực, thực phẩm cùng tổ chức lễ tri ân công đức hùng binh Hoàng Sa. Lễ sẽ gồm hai con lợn, 11 gà trống (5 con đặt vào mô hình khinh thuyền Hoàng Sa), gạo, muối.

Suốt 400 năm, lễ hội này được bảo tồn sống động trong lòng dân huyện đảo Lý Sơn, nhằm tri ân những người lính trong Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Hoạt động văn hóa này còn mang một ý nghĩa cao cả. Đó là giáo dục truyền thống yêu nước, hy vọng thế hệ trẻ tiếp tục giữ vững tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
5 thuyền câu được thả hướng ra biển Hoàng Sa - thể hiện ý chí một lòng bám biển, bảo vệ chủ quyền tổ quốc. (Ảnh: Lao động)

Trong cuốn "Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài” (NXB Thông tin và Truyền thông, 2015) do PGS.TS Trương Minh Dục biên soạn, có dành một đoạn nói về "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" như sau:

"Ở huyện đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Việt nhưng có lẽ đặc sắc nhất vẫn là những hoạt động văn hóa ghi dấu một thời bi hùng của Đội quân Hoàng Sa đã ra đi trấn ải, không hy vọng ngày trở về. "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" được cư dân trên đảo tổ chức để tế sống những người đi làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm, chín phần chết một phần sống".

"Trong buổi lễ, người ta làm những hình nộm bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc để giả hình người và đem tế tại đình. Tế xong, người ta đốt đi hoặc đóng thuyền bằng thân cây chuối đặt hình nộm lên và thả trôi trên biển. Gọi là 'Khao lề thế lính Hoàng Sa' với quan niệm các hình nộm kia sẽ gánh chịu mọi hiểm nguy, tai nạn trên biển thay cho đội Hoàng Sa, và cầu mong cho người thân bình an trở về".

Trong văn tế "Khao lề thế lính Hoàng Sa" gồm một nửa viết bằng chữ Hán, một nửa viết bằng chữ Nôm, có đoạn viết: "Ngày hôm nay (hoặc đêm nay, buổi sáng nay) có theo ý người... ở tỉnh... nước Đại Nam, xin cúng thế một cỗ thuyền mô hình, trôi theo đường thủy Hoàng Sa, mấy cỗ bàn, vàng bạc, đáp lễ thần quan, xin dâng lên khảo thủy đạo một tiệc, thành kính bày lễ la liệt...".

Để tôn vinh và phát huy nét sinh hoạt văn hóa dân gian trong "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa", năm 2013, lễ hội này đã được Bộ VHTTDL trao Bằng công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. 

"Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" không chỉ là ngày lễ lớn với người dân Quảng Ngãi mà còn là của người Việt Nam trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp khơi dậy ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo và là bằng chứng sống động khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”