Saturday, April 2, 2016

Việt Nam qua mắt giáo sĩ phương Tây: Thủy quân Đàng Ngoài



Thi chèo

Bọn thuyền thủ bơi thường không có ghế ngồi, tay cầm chèo, mỗi bên mạn thuyền là hai mươi nhăm đến ba mươi người. Khác với thủy thủ Âu châu, họ quay mặt về phía mũi thuyền. Theo hiệu của người hoa tiêu, họ bơi có nhịp, rất đều, lúc nhanh, lúc chậm, theo tiếng gõ vào thanh gỗ đặt chéo trên một bệ cao đằng cuối thuyền là chỗ người hoa tiêu lên ngồi để hướng dẫn và điều khiển.



Cuốn sách ghi chép về VN và Lào của giáo sĩ G.F de Marini xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris năm 1666 - Ảnh: T.L 

Vui nhất là khi ta thấy một chiếc thuyền bị đuối lại và bị các thuyền khác bỏ xa. Thôi thì tiếng kêu gào, lời chế nhạo, sự xấu hổ làm kích thích bọn trai bạn. Bọn này bỏ lối chèo lúc trước, nghiến răng, mắm môi, giậm chân xuống sàn thuyền thỉnh thoảng lại cổ vũ nhau, gập cong lưng, cúi mình có khi đầu chạm bàn tay cầm mái chèo; thu toàn lực, họ vội vàng đến nỗi người như sút đi chỉ còn lại một nửa, đầu mái chèo chỉ chạm sơ xuống nước, thuyền bay hơn là trôi đến gần những người khác rồi, họ đứng thẳng người lên, không bơi dữ dội như thế nữa, thở một chút để phòng lúc gần đến đích đã chọn họ còn hơi dấn lên trước nhất. Mà khi đã trông thấy, nhận thấy đích từ đằng xa rồi, thì hình như ngủ say sực tỉnh, họ đứng thẳng mắt trông đích, tay cầm chèo. Họ đặt tất cả hy vọng vào hai cánh tay, làm rung chuyển mái chèo thiếu chút nữa thì chèo gãy; chân tay rã rời, đầu nghẹo đi, cằm tựa lên một bên vai; giá mái chèo không làm bằng một thứ gỗ mềm và sai khiến được thì nhiều chiếc đã gãy rồi. Thuyền nào về đích đầu tiên, được thưởng và hoan hô vang giời.



Đức vua còn đến quán dịch có hai tầng này với các triều thần mỗi khi nước lụt, xem nước lên biến những cánh đồng rộng thành bể cả tai hại đến thế nào, ngài cho là một sự vui thích dị kỳ khi đứng trên lầu các này xem bao nhiêu dân đã sống bì bõm trong đồng nước...


Chèo chống giỏi, chinh chiến quen




Đức vua có hai nghìn chiến thuyền không kể vô số những thuyền con nữa. Tuy vậy thủy quân của ngài cũng không được bằng các hạm đội tàu bên Âu châu về súng ống. Và cái nào cũng phải sửa soạn ra khơi để phụng sự đức vua. Như thế ngài có thể lập được nhiều thủy đội mà không tốn kém lắm...


Trong một cuộc đi thăm, đức vua lên hành hương trên một ngôi đền (hay chùa) của một viên thái giám thân tín của ngài mới lập lên, tôi thấy suốt dọc sông chạy bên đường, trên một quãng dài trông như một rừng (cột buồm), một số thuyền đi hộ giá ngài nhiều đến nỗi đếm không xuể. Tôi đâm chán và mải ngắm một quang cảnh thích ý và vui mắt. Tôi giao việc đếm thuyền cho người khác. Những chiến thuyền này dài chừng ba mươi đến ba mươi nhăm thước và rộng chừng mười bốn, mười lăm thước. Không có gì trở ra hai bên sườn như thuyền chiến Âu châu, ở đằng đầu cũng không có mũi nhọn (để đâm thủng tàu bên địch). Bánh lái giống như bánh lái đò chở trên sông, ở cuối thuyền chớ không ở một bên mạn. Những thuyền to như thuyền rồng, mỗi bên mạn có hai mươi nhăm mái chèo; thuyền bè có mười tám hoặc hai mươi chiếc thôi. Mỗi mái một người chèo; thành ra thuyền thủ chỉ có từ năm đến sáu chục người vừa chèo chống giỏi lại vừa chinh chiến quen; đến dịp thì buông tay chèo, họ vớ súng lúc nào cũng để gần cạnh và họ biết cách dùng rất thắng lợi.


Nhiều thuyền không dùng còi. Những viên thuyền trưởng ngồi trên trong cái phòng hay một cái đài cao đặt ở đằng lái, một tay cầm một thanh gỗ gõ vào một thanh khác cầm ở tay kia lúc mau, lúc chậm để sai khiến sức nhanh chậm của thuyền, bọn thủy thủ bơi rất đúng với mệnh lệnh của thuyền tướng. Họ phải là bọn đồng tuổi đồng sức vóc, khéo léo và thạo việc; họ đi chân đất đóng một chiếc khố nhưng mặc áo may cùng một thứ vải với mũ.


Trên thuyền, chỗ sang trọng nhất ở đằng lái: đấy có một khoang thuyền rất xinh xắn và cân xứng với thuyền, bên ngoài có nét chạm trổ rất đẹp mạ vàng; bên trong có dát vàng, quét sơn tinh tế và phủ những bức thêu bằng lụa; dưới sàn giải chiếu cói mảnh; chung quanh khoang có bao lơn và nhiều cột nhỏ đặt như chung quanh một dãy hành lang; có một hai khẩu thần công đặt trên giá chứa được tám cân đạn.


Mũi thuyền và lái thuyền đều tròn, cất cao khỏi mặt nước chừng bốn năm thước có trạm nhiều hình, lá nổi, thếp vàng, sơn màu rất thanh nhã, đẹp mắt. Mạn thuyền là chỗ đặt bơi chèo cũng được trang điểm bằng những hình chạy thành hàng chung quanh thành.


Họ không dùng nhựa thông hoặc mỡ bò phết thuyền, nhưng dùng một thứ sơn thường pha giống như sáp Tây Ban Nha, khi nào ánh nắng vào, thuyền sáng nhoáng làm mắt bị chói. Những thuyền ngự có nhiều vàng dát, bên trong khoang có ít nhiều chỗ mạ vàng; tất cả các mái chèo của những chiếc thuyền này đều sơn vàng. Thuyền nào cũng có mui che, vỉ phủ lên trên để che ánh nắng gay gắt; có những thứ chiếu cói to đan rất khéo, chống lên nhiều con sào và buộc vào những sào ấy bằng dây tơ.


Những thuyền của các vương thân đại thần, thái giám cũng được trang hoàng ít nhiều tùy theo sự chủ nhân những chiếc thuyền này tiêu vào đấy nhiều hay ít. Thuyền cũng có cột và buồm nhưng tôi chỉ thấy họ dùng chèo thôi. Chính vậy bọn chân sào vì lòng tự ái không bao giờ bỏ tay chèo, tuy nhiều khi gió thuận, thổi từ đằng lái lên; họ không muốn đức vua và các thuyền rồng chịu nguy hiểm vì sức gió, chỉ khi nào họ thi bơi, họ mới giương buồm lên mà thôi.


G.F de Marini
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)

No comments: