Thursday, October 3, 2019

LSM HQ-402 Hải Vận Hạm Lam Giang.

Hai tháng sau khi phục vụ trên HQ-112, tôi được lệnh về Saigon lãnh chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang LSM HQ-402 do Pháp trao lại. Ông V. làm hạm trưởng, ông N. làm hạm phó còn tôi là SQ đệ tam.

Nhận tầu ngày 10 tháng 10, 1956 mà ngày Quốc khánh 26/10 phải sơn phết toàn bộ để tham dự cuộc diễn hành trên sông Saigon để Tổng Thống Diệm duyêt binh.
Thủy thủ Pháp có vẻ bực mình hay sao mà vứt cả máy đánh chữ xuống sông.
Ít lâu sau ông N. rời tầu và tôi lên làm hạm phó. Ông và ông T. là hai sĩ quan khóa 2 Brest đã đào thoát về Bắc, vì khi rời gia đình sang Pháp năm 1953 hai ông để lại tất cà gia đình ngoài Hà Nội. Vì tôi cũng trong hoàn cảnh này, rời Hà nội trước Hiệp Định Genève, tôi cũng bị nghi là có ý định trốn đi. Tôi đã bị an ninh theo dõi hai tháng trời.
Công tác đầu tiên của HQ-402 là ra Đà Nẵng chuyên chở dân di cư từ bắc vào nam. Chuyến ấy tầu chở cỡ 300 người trong đó có một phụ nữ có bầu. Không rõ có phải vì sóng gió hay không mà bà ta đã chuyển bụng, Y tá và một bà khác đã giúp cho bà sinh con trên chiến hạm được mẹ tròn con vuông. Đứa bé gái được đặt tên là Nguiyễn Thị Lam Giang theo tên của Chiến Hạm.

Công tác thứ hai là đi Hoàng Sa tiếp tế cho trung đội Địa Phương Quân trấn đóng trên đảo Pattles. HT khi được giám lộ đưa cho hải đồ, ông đã không xem các bản đồ kế tiếp, nên đã kẻ hải lộ đi thẳng tới hòn đảo nhỏ xíu phía nam Hoàng Sa về phía đông nam khoảng 50 hải lý. Đảo có diện tích 5 mẫu vuông toàn cát và cao chừng 5 thước trên mặt biển, khi đi ngang chỉ thấy có một hố cát giữa đảo và một anh ngư phủ Trung Công ngồi xổm bên cạnh. HT cho đổi hướng sau khi coi bản đồ kế tiếp lên phía đông bắc. Lúc đo biển khá động, ông đã cho tầu chạy vào cửa phia nam của Discovery Reef . Rặng San Hô này rất lớn và là đỉnh của một miệng núi lửa khá to. Trên bản đồ không thấy có ghi các độ sâu bên trong. Tầu vào bên trong nước êm tôi nhìn thấy nhiều tảng đá to đen thui dưới đáy, Tôi báo động hạm trưởng nhưng hơi trễ, Tầu đã leo lên một tảng đá và mắc cạn. Sau nhiều thời gian cho máy lùi, tầu đã ra khỏi cạn, HT quay đầu chay ra khỏi Reef để tiến lên phía bắc. Khi đi qua khỏi vòng cung san hô này tôi đã thấy một xác tầu LSM chắc của Pháp mắc cạn phía đông bắc Disovery Reef.
Cuối cùng thì tầu cũng đến được Hoàng Sa và neo gần đảo Pattles. Khi thả youyou để vào đảo sóng đánh chiếc xuồng bay lên một tảng đá. Tôi thấy có một đoàn cá mập đen thui lượn qua lượn lại trước mũi tầu. HT cho mở cửa đổ bộ, hạ Ramp xuống và cho lính cầm súng sẵn sàng khai hỏa bắn cá mập. Sau đó HT kêu gọi 5 thủy thủy tình nguyện và bơi giỏi nhẩy xuống nước bơi vào chỗ xuống mắc cạn. Cùng với ba thủy thủ trên xuồng họ đã lôi được youyou ra khỏi cạn khi sóng xô cao. Hú vía!!!
Trên chuyến đi có một nữ trợ tá xã hội tháp tùng cùng phái đoán ủy lạo. Trước khi khởi hành từ cầu thị chính Đả nẵng cô đã xuống tầu chơi, vào phòng khách sĩ quan, tôi mời ngồi trên ghế salon, cô vô tình đã ngồi lên bàn tay của tôi, khi ấy cô mặc áo dài trắng mỏng làm cho bàn tay tôi như nóng bỏng. Trai tơ mới 22 tuổi chưa biết gái và chưa biết yêu, tôi rút tay mặt đỏ ứng. Khi tầu neo tôi ra sau lái kiểm xoát giây neo, cô cũng ra đứng bên cạnh ngắm trăng sao rất lãng mạn. Nnưng tôi lại quá ngây thơ nên chẳng dám đụng đậy gì. Mãi cho đến năm 1959 khi tôi gặp nhà tôi và bị cú sét ái tình đánh là lúc tôi đã 26 tuổi mà cũng chưa hề biết đàn bà là cái chi chi!
Mùa Thu năm 1957, tầu tham dự chiến dịch Phú Quốc cùng với toàn thể hạm đội dưới sự hướng dẫn của TL/HQ Lê Quang Mỹ. HQ-402 dẫn đầu trong đội hình hàng đọc tốc độ 10 gút. TL trên soái hạm HQ-05 từ đàng sau vượt lên trên và cắt ngang đầu tầu 402. Tôi đang đi phiên hãi hùng vội tắt máy và cho chạy lại sau khi HQ--05 đã qua khõi mũi tầu, Mặc dù HQ- 05 có thể đã chạy trên 16 gút với hai máy tiến Flank, vẫn cần có một khoảng cách khá xa trước khi xẹt ngang.
Sau khi qua cửa Bồ Đề, ở Năm Căn, mũi Cà Mâu, hạm đội đổi hướng lên phia bắc trực chỉ Phú Quốc. Bất thần cơn bão Tây Nam thổi mạnh, gió rất lớn, biển động mạnh. Hạm đội đã qua khỏi quần đảo Nam Du, TL/HQ ra lệnh: “Liberté de maneuvre!” có nghĩa là “Tự do vận chuyển”. Đa số quay lại neo trong quần đảo Nam Du (Poulo Dama) để tránh bão ngoại trừ ba chiếc: HQ-402 Lam Giang, HQ-225 Nỏ Thần và HQ-111 Hàm Tử là tiếp tục chạy về An Thới. Đêm hôm đó tôi kiểm xoát giây neo thấy căng phừng phừng như muốn đứt. HQ-402 thì neo đâm đầu vào An Thới. Sáng ra thấy hai chiếc Nỏ Thần và Hàm Tử đứt neo trôi dạt trên bãi biển.
BTL cho tăng cường thêm một LSM và hai LSIL ra cứu viện. Trong mấy tuần bốn chiếc cặp nhau để lôi Nỏ Thần và Hàm Tử ra. Các cọc cột giây đều bị bật tung, sau đó phải quấn giây chung quanh vòng đai ổ súng 40 ly sau lái của Nỏ Thần mới lôi được ra. Còn chiếc Hàm Tử thì phải luồn giây dưới lườn tầu sau khi đã đào cát để lôi ra. Và sau khi kéo ra được thì đã rão vì là tầu bằng gỗ. BTL phế thải và bán cho ba tầu sửa lại thành tầu buôn.
Ba tuần đói ăn vì bão sau đó chiếc HQ-329 của ông Du về Hà Tiên tiếp tế thực phẩm cho chúng tôi mới cầm cự nổi trong công tác trục vớt hai chiến hạm.
Sau chuyến công tác đó là đầu năm 1957 tầu được lệnh lên Ba Nam phía nam Nam Vang để đón các ngư phủ bị Cao Miên trục xuất. Tầu chở khoảng một trăm gia đình cùng ghe chài của họ về U Minh Thượng để định cư theo lệnh Tổng Thống Diệm. Khi về bến, tầu chạy ngang Rừng Sát, HT cho bắn súng 20 ly và 12 ly 7 lên trời để ăn mừng Tết Nguyên Đán. Súng nổ như pháo ran, ai nếy đều vui vì được về ăn Tết với gia đình.
Chuyến cuối cùng của tôi trên HQ 402 là hộ tống GC 600 từ Côn Sơn về Saigon. GC là Garde Côtiere của Pháp trao lại. Tầu có hai máy chạy nhanh hơn HQ-402 rất nhiều. HT là ông K. hết công tác tuần tiễu tại Côn Sơn đã xin được hộ tống về Vũng Tầu lý do tầu chỉ còn một máy. Tuy nhiên ngay sau khi ra khỏi vinh Côn Sơn tôi đã thấy chiếc GC này chạy mất hút làm cho HQ-402 đuổi theo hụt hơi. Hôm ấy gió mùa đông bắc khá to, biển động mạnh, về gần Vũng Tầu sóng quá cao tôi không thấy đèn London Maru bèn vẽ hướng đi nhắm thẳng vào hải đăng Vũng Tầu ở hướng 26 độ vì biết như thế sẽ không đụng xác tầu chìm. Tôi có mời HT lên mà không thấy ngài lên, tôi đã chạy gần sát bờ thấy núi đen thui mới đổi hướng vào vịnh Vũng Tầu. Chạy đêm trong sông tới sáng về đến Saigon, HT lên Đài chỉ huy cho cặp cầu B và ra về. HT V. lái tầu rất gỏi, tôi đã học nơi ông nhiều cách dùng giây để tách bến khi nước ròng, và sau đó đã áp dụng khi làm HT HQ-405.
Sau đó tôi được lệnh thuyên chuyển tới HQ-538.

Nong Noc Kien Nguyen
***************************************************************
Bổ túc về Hải Vận Hạm HQ-405:
John ThuBui

Ngày 1/11/ 1963: Sau khi TT Diệm và Cố Vấn Nhu bị giết, TL/HQ H T Q bị ám sát. Tầu HQ-405 đang chạy từ bên trong Hải Xưởng ra Cầu C thì thấy tân TL./HQ C T C đi trên một chiếc Command Monitor chạy ra cầu TL trước BTL/HQ.
Chiều hôm đó tôi được lệnh ra Côn Sơn đón các tù nhân chính trị bị giam ngoài đó từ năm 1960 là lần đảo chánh hụt. Ngày hôm sau tôi đón được hàng trăm Sĩ Quan và nhân sĩ bị giam tại đảo về Saigon. Trong số này có trung tá Phan Trọng Chinh, sau này là Trung Tướng Tổng Cục Trưởng Tổng cục Quân Huấn, quý nhân sĩ Phan Quang Đán và Phan Bá Cầm.
Tôi bắt thủy thủ đoàn nhường giường đồng thời thay drap và áo gối mới cho họ vì đây là các thượng khách đi trên tầu. Khi cặp bến ở cầu B, tôi hơi run vì thấy bao nhiêu tướng lãnh cùng với TL/HQ và rất nhiều phóng viên Viêt Mỹ quay phim, chụp hình. Nếu như ủi vô cầu và làm cho mấy người đứng ở mép cầu rơi xuống sông thì cuộc đời tàn.
Ông Phan Quang Đán rất quý mến tôi, và đã mời vợ chồng tôi đến nhà ăn cơm. Năm 1966 ông được bầu làm thượng nghị sĩ trong Quốc Hội và năm 1967 ông thất cử kỳ bầu cử Tổng Thống, Sau đó làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, và Phó Thủ Tướng đặc trách về An Ninh Xã Hội và Dân tị nạn.
Còn Trung Tướng Phan Trọng Chinh thì sau này khi tôi làm Tham Mưu Phó Quân Huấn HQ, đã chấp thuận cho tôi đi du học 4 năm trong khi Bộ Quốc Phòng lúc đó không cho phép một sinh viên nào đi du học trên 2 năm, mặc dù tôi có sự vụ lệnh ITO của Mỹ cho học bổng 4 năm. Bộ Quốc Phòng cũng không cho phép tôi mang vợ con đi cùng sang Mỹ.
Hải Quân QL.VNCH Facebook

No comments: