Tuesday, June 21, 2016

"Đâu cánh dù ôm gió? Đây cánh dù ôm kín đời anh!" MAI BÁ KIẾM (nhà báo, cựu phi công)

HoangsaParacels: Nhân vụ 2 phi công cuả chiếc SU bị rớt xuống biển, cựu phi công kiêm nhà báo Mai Bá Kiểm đã phân tích tai nạn nghề nghiệp rất hay vì cùng nghề trong ngành phi hành và có những ý kiến rất xây dựng, không như tên giặc lái phản bội Nguyễn Thành Trung cứ được dịp lại nổ inh như bom thối.

Khuya hôm qua, đọc báo online, thấy Dân Trí và Người Lao Động cùng giật tít: “Tìm thấy thi thể phi công Trần Quang Khải cuộn trong dù”. Còn theo Báo Nghệ An, phi công Khải được tìm thấy trong tình trạng dù quấn chặt vào người. Tôi bỗng nhớ lời nhạc Trần Thiện Thanh trong bài “Anh không chết đâu anh”: “Đâu cánh dù ôm gió? Đây cánh dù ôm kín đời anh!”. Tôi xin mặc niệm phi công Trần Quang Khải bằng lời nhạc lính Cộng hòa. Có những lời nhạc phía bên này không những vượt thời gian, mà còn vượt không gian, qua bên kia chiến tuyến. Thí dụ, bài “Xuân này con không về” của Duy Khánh đã làm nhiều bộ đội chống Mỹ phải khóc khi nghe!

Trần Thiện Thanh viết: “Đây cánh dù ôm kín đời anh” để ví von sự đùm bọc nhau giữa cánh dù và lính dù, nhưng với phi công mà để cánh dù ôm kín lúc rơi xuống nước là thảm họa. Tháng 6/1974, tôi học 3 tuần lễ nhảy dù trước khi học lái phản lực cơ T.37 tại Shepard Air Force Base (Mỹ). Theo lý thuyết, nếu phi công nhảy dù thoát hiểm mà bên dưới là biển, sông, hồ thì việc đầu tiên là lấy dao móc ra móc đứt dây giày Bốt Đờ Sô và ném giày xuống nước, vì giày bó mắt cá và rất nặng nên khó bơi. Khi còn cách mặt nước 5 m, dùng tay mở khóa đai bụng của bộ đai dù (harness) thì hai đai dưới háng và hai đai trên vai sẽ bung ra, phi công nặng hơn sẽ rơi tự do xuống nước, vòm dù (rộng 80 m vuông) sẽ bọc gió bay đi chỗ khác. Nếu không tháo đai dù (release the harness), vòm dù sẽ trùm lên đầu phi công và 64 sợi dây dù sẽ trói tay và chân phi công.

Năm 1967, trong phi vụ thứ 23 ném bom Bắc Việt, thiếu tá John McCain lái Skyhawk A-4E đã bị họa tiễn bắn cháy, John McCain bị gãy cả hai tay và một chân khi phóng ra khỏi chiếc phi cơ, vì vậy ông không thể tháo đai dù trước khi rơi xuống hồ Trúc Bạch, chiếc dù suýt ôm kín đời ông, nếu như không có ông Mai Văn Ôn và nhiều người dân chèo thuyền ra gỡ dù cứu ông. Trước đó, năm 1965, khi John McCain dạy lái máy bay máy tại Căn cứ Không lực Hải quân Meridian ở Mississippi, ông đã từng nhảy dù thoát hiểm an toàn khi máy bay chết 2 động cơ. Vì vậy, John McCain thừa biết thảm họa “Đây cánh dù ôm kín đời anh” và đó là lý do John McCain nhớ ơn những người gỡ dù cho ông, sau này thành thượng nghị sĩ, ông là một trong 3 thượng nghị sĩ cựu chiến binh VN tích cực vận động chính phủ Mỹ bình thường hóa ngoại giao với VN.


Năm 2007, lúc 56 tuổi, tôi đăng ký học khóa 3 lớp nhảy dù tại Câu lạc bộ Hàng không phía Nam do Sư đoàn 370 Không quân huấn luyện. Tôi thấy cách dạy nhảy dù của XHCN cũng giống của Mỹ về nguyên tắc, cũng tháo đai dù trước khi rơi xuống nước (nhưng không dạy tháo giày bốt), đặc biệt là không có “chuồng cu” tập nhảy như của Mỹ. Học viên đứng trên sàn cao, mang đai dù vào người, nhưng không có vòm dù, nên đai dù móc vào một sợi dây trên cao (như dây xích đu). Huấn luyện viên xô học viên ra khỏi sàn, học viên tháo đai và người rơi xuống đất. Từ 2007 đến 2010 tôi nhảy dù 15 lần ở sân bay Biên Hòa. Năm 2011 (60 tuổi), khi tập nhảy từ bục cao 2 m, đầu gối trái tôi yếu, cứ sụm người nên mông nện mạnh xuống đất, và tôi hết dám nhảy từ máy bay nữa. Năm 2014, Câu lạc bộ hàng không VN dạy một khóa nhảy dù ở sân bay Gia Lâm, một học viên nữ 20 tuổi bị gió bê ra tới hồ, và cô quên bài tháo đai dù, đã bị vòm dù trùm lên khiến cô chết đuối.

Tôi biết phi công KQNDVN học nhảy dù 3 lần trước khi học bay, và hàng năm họ đều nhảy tập 3 lần, nên CLB hàng không mới lập ra để vừa dạy học viên dân sự vừa kết hợp cho phi công ôn tập nhảy dù. Vậy mà thượng tá Khải với 3.000 giờ bay và rất nhiều lần tập nhảy, nhưng không kịp tháo đai dù trước khi xuống biển. Vì vậy, tôi đề nghị Không quân nên xây dựng “chuồng cu” để phi công tập tháo đai dù trở thành phản xạ tự nhiên. Đề nghị thứ hai, cho phi công và phi hành đoàn trên máy bay tiêm kích và những người đi trên máy bay cứu hộ mặc đồ màu cam, để khi rớt xuống biển màu cam dễ phản quan hơn màu xanh dương hay màu đen. Nên nhớ rằng, ngành công nhân vệ sinh đã chết rất nhiều người khi quét đường ban đêm bị xe tông, thì họ mới được “sáng kiến” mặc đồng phục màu cam kèm dây phản quang như hiện nay.

Thứ ba, tín hiệu phát ra từ phi công Trần Quang Khải là “tín hiệu đểu”? Lúc 13g05 ngày 16/6, máy bay CASA 212 mất liên lạc, cách phía Nam - Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khoảng 44 hải lý (tại tọa độ 19o25'40"N - 107o19'54"E). Trong khi đó, lúc 18g ngày 17/6, thi thể phi công Trần Quang Khải cuộn trong dù đã được ngư dân Đâu Văn Kính tìm thấy ở khu vực biển giáp ranh Nghệ An - Hà Tĩnh, tại tọa độ cách Đông Đông Nam đảo Hòn Mê, Thanh Hóa khoảng 33 hải lý..., tức cách chỗ máy bay CASA rơi khoảng 200 km (118,5 hải lý) về phía Đông Nam. Như vậy tín hiệu phát ra từ phi công Khải trong ngày 15/6 là “tín hiệu đểu”.

Thứ tư, hai ngư dân không có máy dò tín hiệu định vị như máy bay CASA 212, hay máy quét sonar như tàu Hải quân, vậy mà cứu được phi công Cường và vớt được xác phi công Khải. Hải quân, CS Biển, Tàu Biên phòng, Máy bay cứu nạn đã nợ ngư dân rất lớn, vì vậy khi tàu ngư dân bị tàu Trung quốc tấn công, các lực lượng nói trên phải trả ơn kịp thời cứu hộ ngư dân thì mới công bằng!


Mai Bá Kiếm 

No comments: