Saturday, June 18, 2016

Sinh Nhật ThủyThủ Già ở Nam Cali - Tam Giang Hoàng Đình Báu



Ngày Chủ Nhật 15 -5-2016, Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long tại Nam California đã tổ chức tiệc Đại Thọ cho các quý  cựu HảiQuân VNCH  từ 80 tuổi trở lên tại nhà hàng Hoàng Sa(Paracel). -Tin cũ, nhưng vẫn mới - (HSP)

Ban chấp hành Hội Cửu Long nhận thấy những ngày gần đây nhiều niên trưởng và chiến hữu lớn tuổi không thể đến tham dự các buổi họp mặt  cũng như các buổi sinh hoạt khác của hội vì sức khỏe .  Ban Xã Hội Hội Cửu Long có tổ chức một vài chuyến thăm một số quý vị cao niên HQ trong vùng, tuy nhiên số người tham dự cũng rất giới hạn. Chiến hữu Đặng Thành Long, Trưởng Ban Xã Hội  của Hội Cửu Long cùng chiến hữu Nguyễn Văn Hiền, mạnh thường quân trong buổi lễ sinh nhật nầy.Cả hai đều có có sáng kiến: “Tại sao chúng ta không tổ chức một buổi ‘đi bờ’, mời hết các cựu Hải Quân cao niên từ 80 tuổi trở lên gặp gỡ nhau, ăn một bữa cơm để cùng các cựu Hải Quân khác mạnh khỏe hơn tâm tình sau nhiều năm tháng xa cách”.
Trong truyền thống của Hải Quân VNCH, đoàn kết và yêu thương nhau trong tình chiến hữu như trong một nhà,như cùng trên một chiến hạm. Trãi qua bao khó khăn,hôm nay những thủy thủ già vẫn tìm đến nhau dù ở trong Viện Dưỡng Lão, nhà riêng hay ở cùng con cháu. Nhìn chung phần đông các vị tóc đã bạc trắng, chân tay đã mỏi, tai mắt không còn như xưa. Có vị chỉ ngồi im, nhìn bạn bè một lúc lâu mới nhận ra nhau, nhưng vì tình yêu đồng đội và tình yêu biển cả ngày nào mà đến với nhau nồng ấm bên cạnh người vợ hiền tận tụy hay bên người con hiếu thảo đẩy xe lăn đưa chồng, đưa bố đến gặp bạn bè.
Thế nào là tuổi già? Theo các nhà khoa học , tuổi già không phải là một căn bệnh. Theo nhà thơ Dante, tuổi già khi bắt đầu bước qua tuổi 45, còn ở nước Anh tuổi già bắt đầu khi bước qua tuổi 59.Còn nhiều nơi khác thì tuổi già cao hơn 59. Theo Liên Hiệp Quốc và đa số các khoa học gia định nghĩa, tuổi già là bất cứ độ tuổi nào sau 60. Vậy thì các cựu quân nhân Hải Quân VNCH trên 40 năm xa quê hương  cộng với tuổi vào lính lúc 20 thì người nào bây giờ cũng trên 60, đều là thủy thủ già.
Theo bài viết của tác giã Zaria Gorvett và được đăng trên BBC  gần đây thì tuổi già có nhiều lợi thế về sức khỏe hơn tuổi trẻ nhờ đã từng chiến đấu với bệnh tật và đã từng sống qua những trận dịch nên sức đề kháng và sức miễn nhiễm mạnh hơn những tuổi từ 20 đến 60. Do đó tuổi già ít cảm lạnh, giảm dị ứng, ít bị đau đầu, ít đổ mồ hôi, khôn ngoan hơn, nhất là sinh hoạt tình dục tốt hơn như người ta tưởng.Vì ‘yêu’ không phải là đặc quyền của tuổi già mà ‘yêu’ ở người cao tuổi cũng rất tuyệt vời, nên được duy trì một cách thường xuyên, vừa giúp sức khỏe thể lực, vừa duy trì sức khỏe tinh thần(ngưng trích)
Hiện diện hôm nay, người ta thấy có các vị bô lão Hải Quân 80 tuổi  trở lên như: Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phạm Mạnh Khuê, Nguyễn Bá Trang, Nguyễn Văn Tấn, Huỳnh Kim Gia,Nguyễn Văn Hớn, Nguyễn Văn Hoa, Huỳnh Duy Thiệp, Lê Tấn Đạt, Nguyễn Hào Cường, Trần Văn Khê, Hoàng Thọ Thu, Lương Thanh Sắt, Lý Thành Quy, Lê Văn Ngàn, Trần Văn Nên,Tô Văn Phương, Phạm Trãi, Nguyễn Văn Biết, Trang Khắc Trung, Nguyễn Huy, Nguyễn Dinh, Đăng Diệm,Phan Lạc Tiếp, Hoàng Đình Báu,Nguyễn Huy, Ngô Thanh Tùng. Trong 26 vị nầy thì NT Huỳnh Kim Gia nhiều tuổi nhất.
Người ta cũng thấy có sự hiện diện của các vị nữ trên 80 tuổi như  phu nhân cựu Tư Lệnh Hải Quân VNCH là bà Chung Tấn Cang, phu nhân cựu Trung tướng Lê Nguyên Khang, phu nhân NT  Nguyễn Văn Hớn, phu ngân chiến hữu Ngô Thanh Tùng.Trong 4 vị nầy bà Chung Tấn Cang là người nhiều tuổi nhất.
Đặc biệt nhiều cựu Hải Quân từ Arizona qua như chiến hữu Lê Văn Ngàn, chiến hữu Trần Văn Nên và 10 anh chị từ San Diego lên trong đó có anh chị Trần Chấn Hải và anh chị Phan Lạc Tiếp…
Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào cờ VNCH và một phút mật niệm các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh trước và sau năm 1975. Sau đó Hội Trưởng Cửu long  Trương Văn Song tuyến bố lý do buổi sinh nhật. Tiếp đến chiến hữu Đặng Thành Long và chiến hữu Nguyễn Văn Hiền lên chúc mừng Đại Thọ 30 vị đã đạt số tuổi 80 trở lên và mỗi vị nhận được một nhánh hoa hồng do các bà trao tặng.
Ban tổ chức cũng đã dành một phần thưởng lớn nhất là những đóa hoa hồng cho bà Chung Tấn Cang vì bà là người có tuổi thọ lớn nhất trong buổi lễ mừng sinh nhật ngày hôm nay.


                
Từ trái sang phải hàng đầu: Bà Lê Nguyên Khang Nguyễn Ngọc Quỳnh,Bà Chung Tấn Cang, Huỳnh Kim Gia, Bà Huỳnh Kim Gia.
Hàng giữa: Ngô Thanh Hùng, Bà Phạm Manh Khuê, Bà Ngô Thanh Hùng, Lương Thanh Sắc, Nguyễn Hào Cường, Hoàng Đình Báu, Nguyễn Văn Dinh, Lê Văn Ngàn, Tô Văn Phương, Nguyễn Văn Biết,  Phan Khắc Trung, Nguyễn Văn Hoa, Phan Lạc Tiếp, Nguyễn Văn Tấn, Bà Nguyễn Văn Tấn.
Hàng trên:  Phạm Mạnh Khuê, Trần Văn Nên, Phạm Trãi, Nguyễn Văn Hớn, Lý Thành Quy, Đặng Diệm, Huỳnh Duy Thiệp,… Huy, Lê Tấn Đạt.Hình của Trương Tuấn.


Tiếp đến là chụp hình và cắt bánh  sinh nhật.Buổi văn nghệ cây nhà lá vườn rất sinh động và vui nhộn nhờ chiến hữu Ngô Thanh Hùng thổi kèn ‘Saxophone’ và chiến hữu Nguyễn Hào Cường thổi ‘Harmonica’,tuy không điêu luyện, không dài hơi như ngày xưa, nhưng vẫn được cả hội trường vỗ tay. Cũng có nhiều ca sĩ nhà như Hoàng Thông, Phan Đình Bá, ca sĩ chuyên nghiệp Phượng Khanh   và người kể chuyện duyên dáng Mạc Văn Ruyên thay nhau lên trình diễn. Chúng tôi cũng thấy có  chiến hữu  Trần Trọng An Sơn, người vừa mới ra mắt tập thơ “Nỗi Lòng”tháng trước lên nói về cúp bóng đá Hải Quân được tổ chức ngày Quân Lực VNCH 19-6-2016 tại Orange County.Đặc biệt hơn cả là HQ Đại Tá Nguyễn Văn Tấn mà chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt nay lại đến tham dự và lên hát giúp vui ngày sinh nhật.
Những thủy thủ già VNCH trên khắp thế giới đều đã trãi qua những ngày Tháng Tư tang thương của lịch sử Việt Nam. Cơ hội đổi đời đã đưa chúng ta gặp nhau và nay có vị cũng đã gần 90 tuổi.Có người đến đất nước Hoa Kỳ qua du học trước năm 1975, có người di tản năm 1975, có người là thuyền nhân tỵ nạn, có người là tù cải tạo qua Mỹ theo diện HO và cuối cùng một số vị qua đây theo diện bảo lãnh.Nhờ chịu khó, chịu khổ  quý vị đã nuôi dạy con cháu thành đạt trên mọi lãnh vực khác nhau và càng ngày càng gắn bó với cộng đồng. Đây là vết son của thế hệ đầu qua Mỹ mang theo văn hóa và cả quê hương Việt Nam hòa nhập cùng văn hóa bản địa tạo thành một cộng đồng tỵ nạn cộng sản thành công vượt bực trên đất nước Hoa Kỳ.Thành thật mà nói sự thành công nầy phần lớn là từ các vị phu nhân, các bà mẹ đảm đang đã sát cánh cùng chồng vượt qua mọi khó khăn mới có ngày hôm nay.
Hôm nay chúng ta đang vui trong lễ sinh nhật các thủy thủ già nhưng chúng ta không quên thời sự nóng bỏng hiện nay là người dân Việt Nam đang lầm than, gian khổ bởi biển bị ô nhiểm và cá chết hàng loạt, tấp vào bờ biển bốn tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quãng Bình, Quãng Trị, Thừa Thiên Huế.Qua tin tức chúng ta thấy đau với niềm đau của người dân đánh cá. Riêng Hải Quân VNCH đã từng sống và làm việc trên biển như ngư dân trên khắp các vùng biển từ Cửa Việt xuống tận Cà Mâu, Phú Quốc và xa hơn ngoài khơi từ Hoàng Sa xuống tận Trường Sa. Ngày nay biển Việt Nam ngày càng thu hẹp bởi Trung Quốc thâu tóm lại thêm ô nhiểm bởi nhà máy thép Formosa Vũng Áng- Hà Tĩnh. Xin mời quý vị nghe  tiếng khóc của ngư dân qua những vần thơ “BIển Chết” của tác giả Hoa Trần-Hà Tĩnh. Bài thơ có 39 câu, xin trích phần đầu và phần cuối:


Đứng dậy đi cha
Cha ngồi đó đã nhiều ngày
Mắt ráo hoảnh nhìn ra phía biển
Chiếc điếu cày mấy ngày không động đến
Con thấy đau nhói tận tim mình
Tấm lưới trên tay cha đặt xuống, nâng lên
Con biết cha đứt từng khúc ruột
“Biển chết rồi con ơi”
Cha khóc…
Đoạn cuối bài thơ thật cảm động nhưng người chân quê cũng biết căm thù:


Đứng dậy đi cha
Con thương cha nhiều lắm
Con biết người thương nhớ biển cha ơi!
Bao ngày qua biển lặng đẹp trời
Nhưng lòng biển lại vô cùng trống trải
Những con thuyền không người chèo lái
Trong miếng ăn cũng vấy bóng quân thù
Cha ơi! Ai đã giết ước mơ?
Ai đã gieo mầm tai ương khủng khiếp?
Biển vẫn còn đây
Nhưng biển là biển chết
Thương quê nghèo
Thương biển lắm cha ơi!


Bài thơ dài đầy cảm xúc chân thành, lời thơ mộc mạc chứa đựng bao nỗi đau khôn cùng không sao tả xiết của người dân đánh cá. Đây cũng là niềm đau của hơn 90 triệu dân Việt Nam trong và ngoài nước bởi sự cai trị vô cảm của người cộng sản Việt Nam. Biển  là nguồn sống là giấc mơ cho hàng triệu ngư dân Việt Nam bao đời nay.  Dù biển êm hay biển động, biển vẫn gắn liền với muôn triệu trái tim Việt Nam  sống  khắp nơi trên thế giới. Biển phải sống để Việt Nam còn sống!
                       
Hình toàn thể thủy thủ già và các phu nhân . Hình của Nguyễn Ngọc Quyên.
Những thủy thủ già chúng ta có mặt hôm nay đã có những ngày vất vả trên vùng biển đông nhưng chẳng thấm vào đâu những nỗi đau và nỗi nhục của người dân đi biển miền Trung. Hiện nay người dân miền Trung đang sống bất an bởi  thảm họa môi trường Formosa giết hại hằng trăm ngàn tấn cá nổi trắng xóa trên biển và dưới đáy biển.Thảm họa nầy không biết sẽ kéo dài bao lâu và gây tác hại đến sinh thái biển cho các thế hệ mai sau như thế nào.Dân miền Trung chỉ biết ngửa mặt kêu trời.
Trong những tháng qua, người Việt khắp nơi trong và ngoài nước đã biểu tình chống  ô nhiễm sinh thái biển để bảo vệ môi trường sống.Người dân đòi chính quyền phải trả lời dứt khoát tại sao cá chết hàng loạt.Hôm nay cũng là ngày cả trong và ngoài nước biểu tình vì yêu biển và yêu cá.  Nhưng tại Việt Nam, người biểu tình vẫn bị bị đàn áp và bạo lực bởi các lực lượng nhiều sắc phục. Chúng ta, những thủy già được sống trong tự do, no ấm và đang tận hưởng mọi tiện nghi  của xã hội văn minh chắc chắn đều đau nổi đau của toàn dân, đều lắng đọng và suy nghĩ.
Buổi họp mặt sinh nhật đã thành công nhờ  tổ chức vào buổi trưa nên các NT và chiến hữu đến đông đủ.Buổi lễ kết thúc bằng một cử chỉ đẹp của anhTrương Tuấn chủ nhân “Shanghai Studio ở Westminister” đã tặng cho các vị trưởng lão 80+ mỗi người một tấm hình chụp chung khổ  8x10 để làm kỷ niệm trước khi ra về.Chân thành cám ơn sự hiện diện của các thủ thủ già và quý phu nhân. Cám ơn anh Long và anh Hiền đã có sáng kiến và nhiệt tình yểm trợ để có buổi sinh nhật tốt đẹp nầy. Đây cũng là lần đầu tiên tiên Hội Hải Quân Cửu Long ở Nam California tổ chức sinh nhật tập thể.Hẹn năm sau sẽ có sinh nhật Đại Thọ các thủy thủ già nối tiếp.


California ngày 17-5-2016

Tam Giang Hoàng Đình Báu

No comments: