Monday, December 19, 2016

Chuyên gia: Nhật Bản là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới


Chuyên gia: Nhật Bản là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới

Hãng tin CNN cho biết, các chuyên gia phương Tây nhận định rằng Nhật Bản một lần nữa đã trở lại là một trong những thế lực quân sự hàng đầu trên thế giới kể từ sau khi Thế chiến II kết thúc.

Sức mạnh quân sự của Nhật Bản vẫn phát triển mạnh mẽ dù quân đội nước này từng bị áp đặt một qui định từ hơn 70 năm trước chỉ cho phép họ duy trì một lực lượng mang chức năng tự vệ. Một số chuyên gia còn cho rằng, chính những giới hạn này lại khiến quân đội Nhật Bản lớn mạnh trở lại trên những lĩnh vực đặc biệt.
Chuyên gia: Nhật Bản là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới - Ảnh 1.
Các xe thiết giáp Nhật Bản trong một cuộc tập trận ở Gotenba
“Xét về khả năng của từng phi công, cũng như khả năng của các tàu chiến, Nhật Bản hoàn toàn không hề e sợ bất kỳ nước nào trên thế giới”, ông John T. Kuehn, một giáo sư chuyên ngành lịch sử quân sự người Mỹ. Và người Nhật đã làm được điều này khi ngân sách quốc phòng của họ chỉ bằng một phần nhỏ so với các cường quốc khác.
Việc Nhật Bản có được một lực lượng quân sự mạnh cũng diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị trong khu vực đang trở nên phức tạp, khi ông Donald Trump được cho là sẽ thay đổi một cách đáng kể chính sách đối ngoại ở Đông Á.
Ông Kuehn không phải là chuyên gia duy nhất đánh giá rằng Hải quân Nhật Bản, hay còn có tên gọi khác là Lực lượng Tự vệ Trên biển Nhật Bản, là một trong 5 lực lượng hải quân hàng đầu trên thế giới.
Ông Kyle Mizokami, một chuyên gia quân sự có uy tín người Mỹ cho biết, chính quan hệ liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ đã khiến họ trở thành một thế lực đáng gờm trong năm 2016.
“Mỹ và Nhật Bản là hai quốc gia có quan hệ hợp tác quân sự khăng khít nhất trên thế giới, còn hơn cả giữa Mỹ và Anh”, ông Mizokami viết. “Quân đội hai nước huấn luyện cùng nhau gần như mỗi ngày, và mỗi tuần họ đều thực hiện các cuộc tập trận trên không, trên biển và trên bộ”.
Ông Kuehn cho biết, sự hiện diện của các công nghệ quân sự Mỹ như hệ thống phòng chống tên lửa Aegis có khả năng bắn rơi tên lửa đạn đạo bố trí trên các tàu chiến của Nhật Bản đã tạo nên sức mạnh phòng thủ đáng gờm của quân đội Nhật Bản.
Một số chuyên gia cho biết, chính lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nhật Bản sau Thế chiến II có thể đã giúp nước này có được một lực lượng còn mạnh hơn cả đội quân đã tấn công vào Trân Châu Cảng năm 1941, bởi Tokyo chỉ phải tập trung phát triển các loại vũ khí phòng vệ.
Theo chuyên gia an ninh người Mỹ Corey Wallace, lực lượng tàu ngầm Nhật Bản là minh chứng rõ nét của điều này. “Kể từ thập niên 1950 đến nay, chính phủ Nhật Bản đã cẩn thận đầu tư vào các chương trình phát triển tàu ngầm và đã hoàn thiện loại vũ khí này”, ông nói.
Khác với các tàu ngầm được trang bị tên lửa để tấn công các mục tiêu trên bờ của Hải quân Mỹ, tàu của Nhật Bản hoàn toàn tập trung vào khả năng công kích trên biển, giúp giảm bớt chi phí cũng như độ phức tạp trong việc sử dụng các loại vũ khí.
Giáo sư Kuehn cũng tin rằng chính văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản hiện đại cũng khiến họ mạnh hơn trước. “Tại Nhật Bản hoạt động theo nhóm là điều rất tự nhiên”, ông nói, trong khi ở Mỹ hay ở quốc gia khác, một cá nhân luôn cố gắng thế hiện mình là người giỏi nhất.
Chuyên gia này nhận định, ông sẽ không ngạc nhiên khi loại vũ khí tối tấn như máy bay F-35 được Nhật Bản sử dụng một cách hiệu quả, bởi nước này có thể biến những sản phẩm của nước khác trở nên tốt hơn trước. 
Thêm vào đó, ông cũng tin rằng quân đội Nhật Bản nhờ vào các nhà sản xuất như Toyota hay Mitsubishi có thể nâng cấp và bảo dưỡng máy bay F-35, cho phép nó có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn một phi cơ F-35 của Mỹ.
“Sự có mặt của các phi công được huấn luyện bài bản và chăm chỉ, có tinh thần hợp tác nhóm để vận hành các máy bay chiến đấu hiện đại sẽ có thể khiến những đối thủ tiềm tàng của Nhật Bản phải dè chừng”, ông Kuehn nói.
Bên cạnh những loại vũ khí lợi hại trên biển và trên không, Nhật Bản cũng cố gắng để cải thiện mình ở những mặt khác, cụ thể là chiến thuật đổ bộ trên biển, một phương thức chiến đấu do chính nước này phát minh và đã từng giúp họ giành được nhiều đảo trên Thái Bình Dương.
Với Nhật Bản, chiến thuật đổ bộ đường biển đóng vai trò rất quan trọng, khi tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa nước này và Trung Quốc vẫn chưa đến hồi kết.
“Tôi cho rằng chính Nhật Bản cũng cảm thấy sốc khi Trung Quốc sẵn sàng để quan hệ ngoại giao trở nên xấu đi chỉ để có được vài hòn đảo nhỏ”, ông Mizokami nói.
Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, Tokyo đang phát triển “một lực lượng đổ bộ tốc độ cao” có quân số gồm 3.000 quân.
“Cuối cùng họ đã phát triển một đội quân giống lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, bởi họ đang có nhiều đảo nhỏ trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc và muốn sẵn sàng giành lại chúng trong trường hợp bị xâm lược”, ông Mizokami nói.
Không chỉ có biển Hoa Đông, Biển Đông cũng được Nhật Bản coi là một trong những điểm nóng trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã phát biểu vào tháng 9 vừa qua rằng Nhật Bản sẽ tăng cường hoạt động trong khu vực này bằng cách tiến hành các cuộc tập trận và tuần tra trên biển với Mỹ và các nước khác trong khu vực.
Tranh chấp trên biển sẽ là bài kiểm tra đối với một trong những nền tảng sức mạnh quân sự của Nhật Bản, đó là mối quan hệ liên minh với Mỹ. 
Những phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ mới Donald Trump cùng nội các của mình về Đài Loan đã khiến Trung Quốc tức giận, và có thể sẽ khiến Nhật Bản bị kéo vào một cuộc xung đột mới khi họ phải ủng hộ đồng minh của mình tại Washington.
Mặc dù là một lực lượng thiên về phòng vệ, quân đội Nhật Bản vẫn có thể hoạt động cách xa vùng lãnh thổ của mình. Hải quân Nhật Bản có thể hoạt động ở bất kỳ nơi nào trên thế giới với mục đích gìn giữ hòa bình.
Đây là vai trò mới của quân đội Tokyo trong nhiều năm khi quốc hội Nhật Bản vừa thông qua nghị định cho phép quân đội có quyền nổ súng nếu bị đe dọa. 
Hiện có 300 lính Nhật Bản đang đóng tại Nam Sudan, nơi một cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu đang diễn ra, với mục đích gìn giữ hòa bình. “Quân đội Nhật Bản sẽ tự vệ và không tùy tiện nổ súng trước”, ông Mizokami nói. “Không một chỉ huy Nhật Bản nào muốn là người đầu tiên cho quân tấn công trước sau 70 năm hòa bình”.Anh Tuấn (Soha)

San Nguyen chuyen

No comments: