Thursday, May 19, 2016

HRW: Việt Nam: Chuyến thăm của Obama phải thúc đẩy nhân quyền

Thông cáo phát hành ngay 
Việt Nam: Chuyến thăm của Obama phải thúc đẩy nhân quyền

Thời gian chuyến thăm trùng hợp với đợt bầu cử diễn kịch và đàn áp biểu tình ôn hòa

(New York, ngày 20 tháng Năm năm 2016) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama cần gây sức ép buộc Việt Nam chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa và tiến tới bầu cử tự do và công bằng. Chuyến thăm từ ngày 23 đến ngày 25 tháng Năm là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Chuyến thăm diễn ra ngay sau cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam vào ngày 22 tháng Năm. Cuộc bầu cử này do Đảng Cộng sản điều khiển, chọn lọc những ai được ứng cử, ai không và bao nhiêu ghế trong Quốc Hội được dành cho các đại biểu không phải là Đảng viên.

Đảng Cộng sản cầm quyền đã duy trì chế độ độc đảng hà khắc từ năm 1954 ở miền bắc và từ năm 1975 ở cả miền nam.

“Tổng thống Obama thực hiện chuyến thăm để tăng cường sâu thêm quan hệ với Việt Nam, nhưng cần đặt mối quan hệ đó trên nền tảng tôn trọng các quyền con người cơ bản,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Ông cần khởi đầu với lời kêu gọi quyền cho mọi người dân được ứng cử, thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, quyền được lập hội và tự do chọn ứng cử viên, những điều mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay chưa cho phép. Obama cần nói rõ rằng Hoa Kỳ không chấp nhận ý kiến cho rằng người dân Việt Nam chưa sẵn sàng, chưa mong muốn và chưa thể chọn người lãnh đạo của mình.”

Trong một văn thư gửi Tổng thống Obama vào tháng Tư, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã nhấn mạnh các vấn đề cốt lõi về nhân quyền, trong đó có vấn đề về tù nhân chính trị, đánh đập và sách nhiễu các nhà hoạt động, cải cách luật pháp, quyền của người lao động và dân chủ trong quản lý đất nước.

Trong văn thư có nêu: “Các quyền tự do cơ bản như tự do chính kiến, tự do nhóm họp và lập hội bị hạn chế ngặt nghèo. Báo chí và mạng internet bị kiểm soát và kiểm duyệt. Đảng Cộng sản Việt nam điều khiển mọi tổ chức chính trị - xã hội và sử dụng những tổ chức này để duy trì vị thế cầm quyền của mình. Không có bầu cử đích thực; những cuộc bầu cử Quốc Hội tổ chức vào tháng Năm chỉ là một hình thức diễn kịch chính trị. Các tòa án là cơ quan của đảng và thiếu tính độc lập. Cũng trong tình trạng tương tự, các công đoàn độc lập không được phép thành lập.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định rằng trong mấy tuần gần đây, có nhiều vụ việc tiếp diễn đáng lo ngại về tình hình vi phạm nhân quyền. Sau một thảm họa môi trường, những người biểu tình để thể hiện mối lo ngại về hậu quả đối với sức khỏe của tình trạng cá bị ô nhiễm đã bị công an đánh đập, bóp cổ và bắt giữ. Báo chí nhà nước đã tiếp tay trả đũa những người biểu tình và ủng hộ biểu tình bằng cách nêu đích danh một số người và quy kết họ nhận tiền và mệnh lệnh của những thế lực “phản động” nước ngoài. Chính quyền cũng ra tay trước bằng cách quản chế tại gia để ngăn chặn những người có khả năng tham gia biểu tình. Chiến thuật này vẫn được áp dụng lâu nay đối với những nhà phê bình chính quyền mỗi khi có các cuộc viếng thăm của các nhân vật quốc tế quan trọng. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bày tỏ quan ngại trước nguy cơ các blogger và các nhà hoạt động cũng bị áp dụng biện pháp ngược đãi này trong chuyến thăm của Obama.

Chuyến thăm của Obama cũng có khả năng trùng hợp với đợt tuyệt thực của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức sau khi chính quyền ép buộc ông phải chấp nhận đi lưu vong tại Hoa Kỳ hay tiếp tục ngồi tù. Trần Huỳnh Duy Thức mới bị chuyển từ nhà tù Xuyên Mộc ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về Trại giam Số 6 thuộc tỉnh Nghệ An. Trong lần thăm gần đây nhất vào ngày 14 tháng Năm, Trần Huỳnh Duy Thức nói với gia đình rằng ông dự định sẽ bắt đầu tuyệt thực vào ngày 24 tháng Năm.

“Tổng thống Obama cần yêu cầu phóng thích Trần Huỳnh Duy Thức và tất cả các nhà hoạt động ôn hòa khác, và để cho họ được sống ngay trên đất nước mình mà không bị chính quyền sách nhiễu,” ông Adams nói. “Ông nên phát biểu rằng phải chấm dứt kiểu ép buộc các tù nhân chính trị đi lưu vong.”

Tương tự như đã làm ở các nước như Trung Quốc và Cuba, Obama được dự kiến sẽ gặp gỡ các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến và có buổi diễn thuyết công khai để trả lời các câu hỏi từ phía cử tọa. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hoan nghênh các bước đi này, nhưng đồng thời có ý kiến rằng ông cũng nên yêu cầu các nhà lãnh đạo Việt Nam cam kết thực hiện cải cách tận gốc trong các cuộc gặp với họ.

“Obama nên đứng cạnh các nhà lãnh đạo Việt Nam trong các sự kiện công khai và kêu gọi họ tôn trọng quyền được tự do lựa chọn người đại diện trong chính phủ, quyền ứng cử và vận động ôn hòa cho dân chủ,” ông Adams phát biểu. “Nếu chuyến đi này phần nào nhằm ghi lại dấu ấn, như một số người góp ý, thì không có dấu ấn nào có ý nghĩa hơn việc giúp đỡ người dân Việt Nam đạt được các cải cách tận gốc.”

Để biết thêm các báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:




Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hoặcadamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động); hoặc robertp@hrw.org. Twitter: @Reaproy
Ở New York, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hoặc siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton








Daniel Lee <leed@hrw.org>













No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...