Saturday, May 21, 2016

Những Ngày ở Tunisie _ Bích Xuân


Chiếc máy bay Nouvelair của hãng Tunisie chở đầy du khách (đa số là người Pháp) và người Ả rập, trên chuyến bay chỉ mình tôi là người Á châu. Phi cơ đáp xuống phi trường Djerba Zarzis miền bắc Tunisie vào một buổi chiều gió mạnh, mưa to. Chưa tới năm giờ trời đã chạng vạng. Phi trường nằm giữa sa mạc mênh mông, chung quanh có cây Palmier hàng lá cong cong ngả theo chiều gió: (cây Palmier sinh ra trái dattier: người Việt mình gọi là trái chà là). Hàng chữ Ả rập Aeroport Djerba ngoằn ngoèo bằng màu tím nổi bật dưới màu trời xẩm đen.

Du khách sắp hàng để trình thẻ thông hành, hoặc thẻ căn cước. Đến xứ này chỉ cần thẻ căn cước là đủ. Có sáu kiểm soát viên ngồi kiểm duyệt. Tôi đứng tận cuối hàng để chậm chạp nhìn ngắm chung quanh, và muốn đưa máy lén chụp mấy ổng, nhưng không dám…liều.

Sáu ông nhân viên kiểm soát thủ tục nhập cảnh có màu da nâu đen, tóc cắt ngắn quăn, để râu mép, lạnh lùng… Tôi nói lời cảm ơn khi nhận lại thẻ thông hành,người kiểm duyệt không nói, không thèm ném cái nhìn về phiá ai. Nhân viên trong phi trường lưa thưa, có người đang hút thuốc nhìn du khách bước ra cửa.

Một tóp nhân viên của các hãng du lịch đang chờ chực sẵn trước cửa phi trường, chờ đón khách du lịch của hãng, có khoảng 15 chiếc bus của hãng Marmara. Tôi trình giấy và được biết sẽ lên chiếc xe bus số 12 về khách sạn nghỉ đêm nay để hôm sau khởi hành về miền Nam Tunisie lúc 6 giờ 30 sáng. Đi và về khoảng 1500 cây số, người hướng dẫn viên nói xe sẽ qua vùng sa mạc có khi nóng ở độ cao tựa như lửa rừng 42 độ C, có khi nóng sẽ cao hơn thế nữa. Du khách nghe đến nóng cảm thấy như đang rát da, nóng mặt, hít hà…

Công ty du lịch Marmara của Pháp biệt lập một khu đất rộng tại Djerba cách phi trường khoảng 20 cây số (Công ty Matmara là một trong những công ty khác có trong khu làng này). Những thảm cỏ xanh tươi, hàng cây cắt tỉa gọn gàng, lối đi có hai hàng bông xinh tươi, có sân gôn, có sân khấu nhạc kịch. Một thanh niên đứng gác cổng tại khách sạn cho biết: làm việc 12 giờ một ngày lương mỗi tháng 115 euro trong khi mướn nhà một phong ngủ trả 110 euro, không biết là anh thanh niên này nói có thật hay không sẽ kiểm chứng lại.

Tunisie Djerba phiá bắc Phi châu, nằm gần mé biển Địa Trung Hải. Dân số 120 ngàn. ngoài tiếng bản xứ dân Tunisie nói rành tiếng Pháp vì trước kia Tunisie là thuộc địa của Pháp. Nhà cửa kiến trúc ở Djerba mới, nhà màu trắng, cửa màu xanh, đa số thương gia giàu ở đây. Tổng thống của Tunisie nhiệm kỳ là…21 năm. Tunisie, Maroc, Algerie, Ai Cập, Hy Lạp cùng là gốc Ả rập, phong tục, tập quán giống nhau, nhưng Tunisie, Maroc, Angerie nằm ở phía Phi châu, không nằm trong khối Trung Đông Ai Cập,Hy Lạp… Đời sống xứ Tunisie mắc mỏ hơn so với các nước vừa kể trên: 1 euro =1,8 tiền tunisie.

Khách sạn sát bờ biển, ban đêm nghe rõ tiếng sóng biển và gió. Tháng hai, tháng ba nắng chói chang, nhưng rất lạnh. Ban ngày, picine và bãi biển vắng tanh. Khách ra bãi biển thả tầm mắt nhìn trời xanh, nước xanh bập bềnh theo làn sóng rồi vội vã quay vào. Những du khách thích phơi nắng, tắm biển không không bao giờ đến đây trong những tháng đầu năm.

Đoàn du lịch rời khách sạn buổi sáng sớm, xe chạy càng xa, càng vắng vẻ, hoang sơ. Nhà cửa làm bằng xi măng, thấp lè tè. Nóc nhà bằng phẳng, cửa sổ, cửa chính bằng màu xanh da trời. Nhà kiểu mới có thêm một vòng tròn nhô lên cao ở giữa nhà.

Xe ngang qua những làng mạc nghèo nàn, có nơi dân số 1500, 1800… Đất rộng, dân ít, đất vàng khô cứng, có người lấy hang núi làm nhà ở, trường học xa cả chục cây số, làm thế nào trẻ em đến trường và khách tự nghĩ họ làm gì để sống? Trên con đường đến miền Nam, thỉnh thoảng thấy ở đây còn sử dụng loại xe hơi và xe bicyclette đã rỉ rét của Pháp vào thập niên 50 .

Xe qua khỏi các làng, các núi rừng, sa mạc, rồi băng qua biển bằng con đường mòn làm bằng đá dài bảy cây số rưỡi, mười mét bề ngang. Đường này do người La Mã làm để lạc đà đi ngang qua (1551). Tiếp tục xe đưa chúng tôi qua các đèo heo hút để đến “ngôi nhà“ đá nằm bên xa lộ của một gia đình có bốn con. Họ đã đục núi này để làm nhà ở. Cửa chính để vào là một đường hầm, ra khỏi đường hầm, nhìn lên thấy tận chân trời, chung quanh có phòng ngủ, phòng ăn, phòng bếp…Ngủ, người ta nằm trên phiến đá vừa đủ một người, mền đắp đã bạc màu, cũ, rách, bụi bặm…Mỗi xe chở khách du lịch ngang qua đây đều dừng lại để du khách thăm viếng, và xem người chủ trong hang đá lấy bột làm bánh nướng cho du khách ăn cùng với mật ong, sao đó thì khách tự động thưởng tiền tùy ý nhiều hay ít.

Chúng tôi vào thị xã Kairouan, viếng ngôi đền thờ có 400 cây trụ bằng màu marbre màu hồng và đen một trong ba trăm ngôi đền thờ tại đây. Ngoài cũng như trong, khắc vẽ màu sắc. Mỗi màu là một biểu tượng may mắn cho dân đạo Hồi.

Sau đó chúng tôi đến một ngôi làng truyền thống vào thế kỷ 17. Cánh cửa chính của ngôi nhà có gắn hai vòng sắc tròn, một bên trái, và một bên phải. Dưới vòng phải, có một vòng tròn nhỏ. Người bên trong, muốn biết đàn ông hay đàn bà chỉ cần nghe tiếng gõ cửa: nam tả nữ hữu. Người vợ không mở cửa khi biết là đàn ông và khi người vợ đau ốm, không được phép đi bác sĩ một mình. Đàn bà, con gái ở đây thấy còn trùm khăn đen từ đầu đến gót chân, chỉ chừa hai con mắt mỗi khi ra đường. Chuyện cưới vợ, đẹp, xấu là chuyện hên xui may rủi, dâu do cha mẹ chọn lựa, sau ngày rước dâu người chồng mới biết được mặt vợ. Khác với miền Nam, miền Bắc Djerba, đàn bà, cô gái đội khăn, nhưng ít thấy trùm mặt.

Đoàn lữ khách trên lưng lạc đà bước đi chậm chạp, ngược gió giữa sa mạc chói chang. Gió thổi mạnh, hở môi là cát bay dính vào răng. Hơn một tiếng đồng hồ giữa biển cát vô tận trong sa mạc, không nhìn thấy đâu là phương hướng...

Du khách cỡi lạc đà tiếp tục đi về phía trước, con lạc đà của tôi bỗng dưng sùi bọt mép, thè lưỡi dài hơn một gang tay, nó cất tiếng kêu lớn, rồi liếm tai con lạc đà đi bên cạnh, làm con lạc đà kia như không muốn đi, và nhiều lần như vậy. Phía sau cũng có con lạc đà kêu lớn y hệt vậy !. Chà! Với cái mỡn này làm sao mà thả hồn để xem mặt trời trên sa mạc…
Tôi tò mò lắm thì được biết: Mùa này là mùa của lạc đà cái nên chỉ có con cái mới cất tiếng kêu tiếng gọi mời… amour !
Sáng hôm sau, chúng tôi được đi xe ngựa vào thăm rừng cây Palmier (chà là) đủ loại, sống trên vùng đất sa mạc, cây Palmier có tuổi thọ từ 100 đến 150 năm. Màu sắc lá cây, và mùi hương thay đổi vào tháng tư. Tháng chín, trái chà là bắt đầu lớn, nhưng còn chát, chua…Chờ trái chín mùi, người ta bao lại bằng bao nylon để ngừa bụi bặm. Mùa đông thì trái chà tới thời kỳ chín ngọt.

Sau buổi cơm trưa, chúng tôi tiếp tục lên đường đến Tamerza và Chebika một ngọn núi nằm giữa sa mạc, có mạch nước ngầm. Lần này chúng tôi không đi bằng xe bus mà đi bằng xe 4x4. Đoàn xe chúng tôi gồm 8 chiếc, băng qua những con đường cát vàng hướng về dãy núi hấp dẫn xa tít tận chân trời. Bảy người trong một chiếc. Đường đến núi vắng hoe, buổi trưa hừng hực nắng, tài xế người Ả rập chạy xe qua những đoạn đường gập ghềnh, khúc khủyu, làm xe xốc tới, giựt lui, nghiêng bên này, ngã bên kia. Gió, cát, bụi mờ làm hơi thở như muốn hụt hơi, buồn nôn…

Đi xe bus cả ngàn cây số không sao, ngồi chiếc 4x4 này ngả nghiêng như người say rượu, chưa đầy một tiếng đồng hồ đã muốn ngất ngư...Vậy mà có người ngủ trên xe say mê! Thỉnh thoảng có đoàn xe 4x4 chở du khách ngựợc chiều ngang qua đưa tay vẫy chào.

Cuối cùng đoàn xe dừng lại bên dãy núi, và dòng suối mát trong khe làm cho tôi dâng lên một cảm giác ngọt ngào dễ chịu, sung sướng, mình đã có mặt tại đây, để nhận ra phép lạ trong vùng sa mạc này.

Cuộc hành trình tiếp tục đến các thung lũng thiên thiên.. Dân chúng ở miền phiá Nam, hiền, không chộp giựt nên du khách được thoải mái.

Buổi chiều trở về để dùng bữa cơm tối với hai dàn chào bằng kèn trống om xòm. Ngày thưởng lãm thắng cảnh, đêm được thưởng thức nhạc cổ truyền, vũ lắc mông, đấu kiếm, đua ngựa; nuốt lửa…Buổi ăn với rượu đỏ, nước ngọt, nước chai, và hút thuốc (đặc biệt của bản xứ) miễn phí. Gái, trai, già, trẻ vô tư uống rượu đến đỏ mặt, đỏ tai, Mùi rượu, mùi khói thuốc mịt mờ trong tiếng nhạc, tiếng cười vui tươi nhộn nhịp, trong giây phút hạnh phúc hiện tại đến với mọi người.

Những ngày liên tục của đoàn người viễn du trên sa mạc nắng gió, dốc núi lặng thinh, cuối cùng lữ khách từ giã nơi đây. Chiếc xe bus của công ty du lịch an toàn, lăn bánh xuyên qua những con đường bụi bặm, đưa chúng tội trở về khách sạn Marmara miền Bắc Tunisie.
Khác với dân miền Nam mộc mạc, hiền lành, dân miền Bắc, khôn lanh, nhanh nhẹn, dẻo miệng…làm xao xuyến tâm hồn người mua, nên du khách thê thảm với giá cả trên trời.
Tôi hỏi một người lái taxi: Du khách đến đây, ông có thấy họ thấp thỏm âu lo kẻ lưu manh rình rập ở một góc hẽm nào đó không? Anh taxi nói chuyện này chưa bao giờ xẩy ra vì ở đây là trung tâm của các hãng du lịch nên được bảo vệ an toàn. Nhưng đến bất kỳ đâu cũng phải đề phòng, nhất là giấy tờ…

Chúng tôi vào tiệm bán thảm và bán áo da là đặc sản nơi đây.Tunisie sở trường về dệt thảm, sản xuất áo da, trái chà là và món ăn truyền thống của họ là món thịt cừu.
Người viết khuyên nếu bạn ra phố ở Tunisie gặp người đến nói sẽ hướng dẫn đi xem hội chợ gần đây là đừng bao giờ đi theo đó là những người đưa đường đến các tiệm bán áo quần bằng da...giả. Một khi đã vào tiệm rồi thế nào bạn cũng phải bị mua tệ nhất là một áo da với giá trên trời. Đi ngoài đường phải luôn luôn nói tiếng NON với nét lạnh lùng những con mồi này mới buông tha... 



Du khách về tới nhà sau chuyến du lịch còn nghe muì trừu của người bản xứ đứng trên gió...
Tuần lễ du lịch rồi cũng qua, chúng tôi lên xe ca ra phi trường để trở về Pháp, trên xe anh hướng dẫn viên nhắc nhỡ bà con chuẩn bị vé máy bay, ngồi trên xe ai cũng đã sẵn sàng chỉ riêng tôi hốt hoảng kêu lên tìm không thấy tấm vé, mọi người ai trố mắt nhìn tôi lo lắng, không có vé là không được lên máy bay chuyện qúa rõ ràng, hoặc là phải mua lại vé khác và phải ở lại Tunisie nếu không có chỗ hôm nay. Mặt tôi cứng đờ lòng hồi hộp, cặp mắt như không hồn, nghĩ ở lại đây một mình mà phát hoảng, tôi nhìn mọi người thấy họ cũng có phần căng thẳng dùm cho tôi.

Nhưng tôi được may mắn nhờ anh hướng dẫn viên, nhân viên kiểm sóat ở phi trường ai cũng biết anh ta, anh đưa tôi tới quầy vé nói là tấm vé khứ hồi của tôi bị thất lạc tìm không ra, và yêu cầu cấp cho tôi tấm vé để lên máy bay cùng chuyến với nhóm du lịch. Anh hướng dẫn viên là người bản xứ nói tiếng Pháp như tiếng bản xứ. Anh nói gì đó mà thấy ông nhân viên gật đầu và in cho tôi tờ giấy để lên máy bay. Tôi cảm ơn anh nhân viên và anh hướng dẫn viên du lịch rối rít. 



Tôi biết sở dĩ anh hướng dẫn giúp tôi nhiệt tình là trước khi lên xe ra phi trường tôi có tặng anh 20 mỹ kim, trước đó anh yêu cầu mỗi du khách cho anh 10 euros tiền típ, có khách đi cặp đôi không bằng lòng, họ nói tiền típ là tùy khách muốn cho bao nhiêu tùy ý, không phải bắt buộc, người cho, cũng có người không cho, riêng tôi vì không còn tiền euros, chỉ còn tờ 20 mỹ kim nên tặng anh luôn. Cả tuần đắt khách đi, đến đâu giải thích các dấu tích lịch sữ đến đó, nói mỗi ngày cũng khô cả cổ, hết nước miếng, du khách cho típ cũng là chuyện thường. Lúc vào thành phố anh có mời chúng tôi đến nhà anh ăn bánh uống nước. Nhà anh hai tầng lầu, tiện nghi đủ thứ. Với nghề hướng dẫn viên du lịch mà anh có nhà riêng như vậy là anh qúa giàu có. 

Tôi là người anh ta dễ để ý vì chỉ có tôi là đưa đô la Mỹ tặng anh, trong khi ai cũng đưa tiền euros. Nhờ vậy mà anh ta nhiệt tình ở lại phi trường giúp tôi có tấm vé trở về Pháp chăng? Ngồi trên máy bay tôi suy nghĩ lung tung, nếu trước đó mình không tặng tiền típ không biết anh ta có sẵn sàng giúp đỡ chuyện này cho mình không ? Và tôi có câu kết luận: Bất kể những thứ gì mình đưa ra tặng ai là sẽ không bao giờ mất!

Bích Xuân​
video visite Tunisie: 4:8mn
HT chuyen

No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...