Sunday, May 22, 2016

Người dân nghĩ gì, làm gì với ngày bầu cử tại VN. Văn Quang– Viết từ Sài Gòn


Khi tôi viết bài này, chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bầu cử Quốc Hội và Hội Đồng Nhân Dân ở VN. Bầu cử Quốc hội (ĐBQH) và Hội Đồng Nhân Dân (HĐND) các cấp sẽ diễn ra ngày Chủ nhật 22-5-2016.
Các cơ quan và đường phố rộn ràng biểu ngữ đỏ vàng cổ động cho ngày bầu cử “quan trọng” đó. Chuyện bầu cử cũng đang được đôn đốc khắp các nơi thực hiện. Ở đây tôi tường trình với bạn đọc tâm trạng của người dân về vấn đề này.


Người già ở VN cũng học và sử dụng internet

Trong thời đại thông tin mở, người dân tự tìm đọc trên internet, ngày nay ở VN hầu như ai cũng xem được internet dù ở nông thôn, ngay cả những người già cũng học internet. Không chuyện gì có thể che giấu được người dân nữa. Họ tìm ra lẽ phải ở ngay trong nhà với các con cháu và ngoài phố ở các tiệm ăn, cà phê vỉa hè không cần ai hướng dẫn.

Ý kiến của người dân nói lên điều gì

Hầu hết các địa phương đều có tổ chức cho người dân từ phường khóm đến trụ sở gặp và nghe các ông Đại Biểu Quốc Hội, Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân nói về chương trình ứng cử của mình. Phường tôi ở cũng vậy, có giấy mời do anh trưởng khu phố mang đến từng nhà đàng hoàng. Nhưng tất nhiên là ai muốn đi thì đi không đi cũng chẳng sao. Tuy vậy ở các nơi khác cũng có rất nhiều câu hỏi “thú vị” dành cho mấy ông Đại Biểu. Có thể kể vài câu người dân vô tư phát biểu được báo chí nêu rõ:


Danh sách những người ứng cử được niêm yết tại nơi công cộng

Trên báo Dân Trí tường thuật, người dân đã thẳng thắn nói, “Đại biểu có chịu nói hay nói đúng nguyện vọng của mình hay không? Có làm những gì như đã hứa trong chương trình hành động và thậm chí, có mặt hay không trong những phiên họp quan trọng? Nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với những đại biểu nhiều phiên họp không có ý kiến gì hay… ngủ gật”. Bên cạnh đó là những hàng tít lớn:
- Đề nghị giám sát… lời hứa của Đại biểu Quốc hội
- Đại biểu Quốc hội đừng hứa suông để... “câu” lá phiếu!
- Vào Quốc hội mà lặng thinh, vào làm gì?
Phần bình luận báo này viết:

“Có lẽ cho đến nay, chưa có đại biểu hay đoàn đại biểu Quốc hội nào phát hiện được vụ tham nhũng nào ở ngành mình, địa phương mình. Các vụ tham nhũng lớn như Vinashin hay Vinalines, nếu Quốc Hội giám sát chặt chẽ hơn, chắc hậu quả sẽ không lớn đến như vậy.”

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Sài Gòn đã nêu ý kiến này tại buổi tiếp xúc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 10/5 vừa qua. Cụ thể, cử tri Hà Hạnh đánh giá vai trò giám sát của Quốc hội còn khá mờ nhạt. “Nhiều đề nghị, bức xúc của người dân phản ánh không được giải quyết đến nơi đến chốn. Các cơ quan chức năng thực hiện không tròn trách nhiệm khiến người dân, doanh nghiệp kêu ca nhưng không có ĐB QH nào lên tiếng. Nhiều công bộc của dân hứa rồi để đó, nói không đi đôi với làm.”


Các ứng viên trong buổi tiếp xúc cử tri

Từ đó, ông Hạnh đề nghị Quốc Hội cần phải giám sát luôn cả lời hứa của các người đứng đầu cơ quan chức năng, thậm chí giám sát luôn cả lời hứa của các ứng viên khi ứng cử.

Cũng đã có những ý kiến của cử tri bày tỏ sự không đồng tình với những đại biểu nhiều phiên họp, thậm chí nhiều nhiệm kỳ không có ý kiến gì.

Gần đây nhất (ngày 4/5), trong cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cử tri Trương Công Bình (Quận Ninh Kiều – TP Cần Thơ) còn thẳng thắn đặt vấn đề về việc một số đại biểu Quốc Hội ngủ gật hay nói chuyện riêng trong phiên truyền hình trực tiếp.

Ông Bình đề nghị Chủ tịch Quốc Hội nhắc các đại biểu đừng nói chuyện riêng và đừng ngủ gật tại kỳ họp. Vì hình ảnh đó không đẹp lắm trước cử tri đang theo dõi qua truyền hình trực tiếp.

Thật ra khi nhìn thấy hình ảnh ấy người dân chán nản với mấy ông Đại Biểu của mình lắm rồi. Điều này tất nhiên gây ảnh hưởng đến các kỳ bầu cử sau.

Tình hình thực tế

Hiện nay, danh sách 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc Hội khóa 14 tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước đã được công bố. Tại các địa phương, danh sách ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân cũng đã được thông tin tới cử tri.

Cử tri chấm điểm ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không chỉ ở những bản tóm tắt tiểu sử, lý lịch công tác một cách khô khan. Cử tri đánh giá, nhận định một cách dễ dàng hơn, xác đáng hơn năng lực, thái độ, trách nhiệm của ứng cử viên thông qua việc ứng cử viên trình bày chương trình hành động của họ như thế nào trước cử tri. Đó là lúc cử tri nhận thấy khả năng cũng như các chương trình, kế hoạch cụ thể của ứng cử viên nếu họ trở thành người đại diện của dân.


Người dân đang xem danh sách những người ứng cử tại phường

Kỳ này bầu Đại Biểu Quốc Hội và bầu Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân cũng có 5 ông, chỉ chọn 3. Nhưng cần nói thẳng là chỉ có một số cử tri chú ý tới vấn đề này, họ có đủ trình độ và khả năng nhận xét từng ông Đại Biểu. Còn lại là một số lớn những người bình dân khác không thể hay không có thì giờ nhận xét về các ông mà mình sắp bầu. Họ dựa theo ý kiến của người thân, của hàng xóm hoặc làm theo những gì người phụ trách thùng phiếu hướng dẫn. Không thiếu gì những người nhờ người khác đi bầu giùm. Chỉ cần cầm cái thẻ cử tri đến nơi bỏ phiếu là xong.

Trách nhiệm của các ông Đại Biểu như thế nào?

Thôi thì mọi việc dù đã được “thu xếp” từ trước, nhưng các ông may mắn được chọn làm đại biểu dân cũng phải biết tôn trọng quyền lợi của nhân dân, đó là cách tôn trọng chính mình. Là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, mỗi người nên ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với cử tri.
Có một câu chuyện rất hay. Ông Vũ Đức Khiêm nguyên chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật kể lại, “Khi đi vận động bầu cử, tôi chỉ nói với cử tri ở khu Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy là, nếu trúng cử, tôi sẽ cố gắng thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ của một người ĐBQH. Tôi vẫn nhớ, khi tôi nói như vậy, một cử tri là ông Khuê đã thẳng thắn nói với tôi: Ông hứa như vậy thì phải giữ lời hứa đấy nhé! Chúng tôi sẽ bầu ông làm ĐBQH nhưng ông hãy nhớ rằng, lời hứa của ông là món nợ, chúng tôi sẽ đòi nợ ông trong suốt cả nhiệm kỳ đấy. Các ông dân biểu nên nhớ rõ chuyện này, lời hứa với dân không quỵt được đâu.”
Nhiều ông khi ứng cử thì nói hăng lắm, dân hỏi gì cũng đáp phăng phăng là sẽ làm đến nơi đến chốn, hứa hẹn đủ điều tốt đẹp nhất cho nhân dân. Nhưng nói rồi quên, khi vào Quốc Hội cứ im như thóc, chỉ có đi dự lễ lạc là nhanh. Chẳng ai có quyền giám sát các ông Đại Biểu đó. Vì thế một độc giả đã viết: “Quốc Hội nên có một kênh thông tin để cử tri giám sát các đại biểu do minh bầu lên. Từ đó, qua mỗi nhiệm kỳ, Quốc Hội có cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đại biểu, tránh tình trạng ai cũng như ai, nhất là “hứa rồi để đó, nói không đi đôi với làm.” Tôi nêu một thí dụ cụ thể như sau.

Người dân gay gắt tố doanh nghiệp gây ô nhiễm

Sáng 15/5 vừa qua, tại huyện Hóc Môn đã diễn ra hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc Hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 9 (huyện Củ Chi, Hóc Môn).

Tại hội nghị, cử tri Nguyễn Thị Nhạnh (xã Xuân Thới Sơn) cầu cứu Bí thư Thành ủy TP Sài Gòn Đinh La Thăng về tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân địa phương bởi chi nhánh Công Ty Dệt May Tấn Minh (1/2 Nguyễn Văn Bứa, ấp 2, xã Xuân Thới Sơn). Tất nhiên việc này mấy ông Đại biểu dân không biết, không nghe, không thấy nên người dân mới phải cầu cứu đến ông bí thư thành phố.

Rất may cho bà Nhạnh là trong số các ứng cử viên tiếp xúc cử tri có cả ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Bạn hãy nghe bà nông dân Nguyễn Thị Nhạnh nói gì:

Bà cho biết rất khó khăn mới gặp được Bí thư Thành ủy. Bà đã gọi điện thoại vào đường dây nóng của Bí thư Thăng nhiều lần nhưng phải đến 4 giờ sáng ngày thứ ba kể từ khi có đường dây nóng, mới gặp được tổng đài viên. Bà cũng gửi đơn thư cầu cứu qua đường bưu điện đến Bí thư Thăng, nhưng lo lắng không biết có đến được tay Bí thư Thăng hay không.

Bà Nhạnh cho biết, từ đầu năm 2014 các gia đình dân ở ấp 2, xã Xuân Thới Sơn đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng phản ánh môi trường sống bị ô nhiễm do bụi và tiếng ồn từ chi nhánh công ty Tấn Minh nhưng không được giải quyết.

Bà kể, “Chúng tôi phải đóng cửa suốt ngày để tránh bụi. Từ những ngày đầu hoạt động, tiếng ồn do khâu kéo sắt phát ra ầm ĩ, bụi mạt sắt theo gió bay vào nhà khiến người dân ở đây rất khốn khổ. Ngày nào cũng quét dọn, lau chùi nhưng chỉ 30 phút sau là đầy bụi bám.”

Theo bà Nhạnh, năm 2007, công ty Tấn Minh về mở chi nhánh tại địa phương hoạt động sản xuất, kinh doanh may mặc. Đến năm 2009, công ty này đổi sang sơn tĩnh điện, cắt giấy, kéo sắt… gây ô nhiễm môi trường. Người dân địa phương khiếu nại nhiều lần. Đến năm 2010, UBND huyện Hóc Môn ra quyết định cưỡng chế, yêu cầu công ty di dời đi nơi khác.

Tuy nhiên, đến năm 2011, công ty này tiếp tục quay về địa phương hoạt động. Năm 2014, công ty Tấn Minh bị UBND xã Xuân Thới Sơn xử phạt và đình chỉ hoạt động 30 ngày với lý do không kinh doanh đúng ngành nghề. Nhưng trong thời gian này công ty vẫn tiếp tục hoạt động và không nghỉ bất cứ ngày nào. Đến tháng Tư 2014, công ty này xin được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có hoạt động kéo kẽm nhưng thực chất là công ty đang kéo sắt.

Đến tháng Tám 2014, UBND huyện Hóc Môn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với Công ty TNHH Dệt may Tấn Minh do thực hiện hành vi chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý.

Thông tin kiểm tra bị rò rỉ doanh nghiệp biết trước

Đến tháng 9/2014, công ty Tấn Minh tiếp tục bị xử phạt hành chính do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và bị đình chỉ hoạt động 9 tháng... Theo bà Nhạnh, mỗi khi có đoàn chức năng tới kiểm tra thì công ty này dọn dẹp sạch sẽ và đặt nghi vấn thông tin kiểm tra bị rò rỉ nên công ty đã chuẩn bị trước. (Như vậy là trong cơ quan thanh tra có “tay trong” của công ty này). Bà nói tiếp:

“Trong khi người dân vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn, bụi và kêu cứu nhưng không ai nghe. Chánh văn phòng UBND huyện Hóc Môn có trả lời người dân là sẽ kiến nghị Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP, nhưng đó chỉ là lời hứa?”

Ông Thăng lại “truy hỏi” gắt gao mấy ông cán bộ địa phương và lại hứa, “Mọi thông tin phải công khai cho người dân được biết và giải quyết dứt điểm vụ việc.” Còn bao giờ giải quyết dứt điểm thì chưa rõ!
Chỉ cần một vụ việc nhỏ như vậy thôi mà người dân kêu hết hơi không cơ quan nào thèm giải quyết, nói gì tới chuyện lớn như chuyện hàng loạt cá chết vì môi trường. Những ông đại biểu dân do dân bầu ở địa phương đó đi đâu, làm gì trước những nỗi thống khổ của người dân? Nếu không có cuộc tiếp xúc giữa cử tri và các ông ra ứng cử chắc chẳng bao giờ ông bí thư Thăng nghe được chuyện này. Nhưng liệu ông Thăng sẽ gặp được bao nhiêu người dân như bà Nhạnh, trong khi đường dây nóng của ông làm việc 24/24 mà ngày thứ ba kể từ khi có đường dây nóng, mới gặp được tổng đài viên, hóa ra đường dây nguội mất rồi hoặc có quá nhiều khiếu nại, ông Thăng không thể biết hết. Chẳng lẽ đó là cách “làm đẹp” như mấy cái khẩu hiệu treo ngoài đường?

Người dân bây giờ khôn rồi, không tin vào những gì các ông ứng cử viên hứa, chỉ nhìn vào những gì các ông ấy làm thôi.
Văn Quang (20-5-2016)

No comments: